Nhỏ Bình thường Lớn

Ngày Dân số thế giới (11/7): Nỗi lo 'cơn bão' già hóa dân số

Già hóa dân số đang là một trong những vấn đề trọng tâm của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ngày Dân số thế giới (11/7): Nỗi lo 'cơn bão' già hóa dân số
Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. (Ảnh minh họa: Công thương)

Ở Việt Nam, đối tượng người cao tuổi luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt; được tạo điều kiện để phát huy vai trò, kinh nghiệm trong công cuộc phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Nằm trong nhóm 15 nước đông dân nhất thế giới, nước ta có lợi thế lao động dồi dào nhưng cũng đang phải đối mặt với tình trạng dân số già hóa nhanh. Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), mất hàng trăm nghìn năm, dân số thế giới mới cán mốc một tỷ. Nhưng chỉ trong khoảng 200 năm, con số này tăng thêm 7 lần. Cơ quan này dự báo, dân số sẽ đạt 8,5 tỷ vào năm 2030, 9,7 tỷ năm 2050 và đạt đỉnh vào năm 2080 với 10,4 tỷ.

Trong xu hướng đó, dân số Việt Nam tăng hơn gấp đôi sau 48 năm đất nước thống nhất, từ 47 lên 100 triệu. Thế kỷ trước, tỷ lệ tăng dân số hàng năm của Việt Nam luôn cao hơn mức bình quân thế giới. Tuy nhiên, xu hướng này đảo ngược từ đầu những năm 2000, sau một thập niên chính sách kế hoạch hóa gia đình được quyết liệt thực thi. Tỷ lệ sinh đi xuống và dân số đang già đi nhanh chóng.

Theo UNFPA, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”.

Không riêng gì Việt Nam, ở châu Á nói chung, tỷ lệ người già đang gia tăng nhanh chóng, trong khi tỷ lệ sinh giảm ở nhiều nước. Do đó, nhiều quốc gia đang phải “căng mình” xử lý những hệ lụy do tác động của quá trình giá hóa dân số. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người cao tuổi là người từ 70 tuổi trở lên. Một số nước (Đức, Mỹ…) quy định người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên; Việt Nam quy định người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên.

UNFPA cho rằng, một nước sẽ bước vào giai đoạn “bắt đầu già” khi dân số cao tuổi chiếm 10% tổng số dân và giai đoạn “già” khi người cao tuổi chiếm 20% tổng số dân. Đến 2050, có 64 quốc gia siêu già. Trung bình mỗi năm có 58 triệu người tròn 60 tuổi, mỗi giây có hai người đến 60 tuổi.

Mỗi quốc gia đều có mức độ và tốc độ già hóa dân số khác nhau. Thực tế, gia tăng tỷ lệ người già trong dân số sẽ gây áp lực lên các hoạt động, bởi chính quyền các quốc gia phải chi trả lượng lương hưu lớn và trong thời gian dài hơn. Như vậy, già hóa dân số buộc các nước phải có kế hoạch, giải pháp tháo gỡ toàn diện, bảo đảm ổn định, đáp ứng yêu cầu về sức khỏe cộng đồng cũng như phát triển bền vững.

Có thể nói, già hóa dân số đang là một trong những vấn đề trọng tâm của các quốc gia trên thế giới. Nâng cao chất lượng đời sống và gia tăng tuổi thọ trung bình là thành tựu của quá trình phát triển. Tuy nhiên, cùng với gia tăng tuổi thọ trong bối cảnh mức sinh thay thế không được duy trì bền vững thì xu thế già hóa dân số nhanh là một tất yếu.

Trong lời tựa của Báo cáo “Già hóa trong thế kỷ 21: Thành tựu và thách thức” của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), nguyên Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon từng nói: “Ảnh hưởng về kinh tế và xã hội của hiện tượng già hóa dân số có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ tác động tới cá nhân người cao tuổi và gia đình họ, mà còn có tác động rộng hơn tới toàn xã hội và cộng đồng toàn cầu theo những cách thức chưa từng có”.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng cho rằng, quá trình biến đổi nhân khẩu học không ngừng đem lại cơ hội, cũng như dân số già hóa với sức khỏe, an sinh và năng động cả về kinh tế và xã hội vẫn có thể có những đóng góp không ngừng cho xã hội. Mặc dù già hóa dân số tạo ra những thách thức lớn về mặt xã hội, kinh tế và văn hóa nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội. Vấn đề là cách thức mà chúng ta lựa chọn để giải quyết các thách thức, cũng như tận dụng tối đa các cơ hội mà dân số già hóa nhanh chóng mang lại.

Già hóa dân số là vấn đề mang tính toàn cầu, đã và đang trở thành thách thức không nhỏ, có tác động mạnh mẽ đến tình hình ổn định, phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trước thực tế nêu trên, nhiều chuyên gia cho rằng, để chuẩn bị và xử lý những vấn đề liên quan đến quá trình già hóa dân số, Việt Nam cần chú trọng nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, giải pháp.

Cụ thể, thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách nhằm hiện thực hóa mục tiêu bảo đảm quyền được thụ hưởng sự chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần và nâng cao tuổi thọ đối với người cao tuổi. Đồng thời, tích cực học tập kinh nghiệm từ các nước trên thế giới trong đối mặt, xử lý các vấn đề liên quan đến quá trình già hóa dân số.

Chính phủ cần chỉ đạo xây dựng các chính sách và chương trình ứng phó với vấn đề già hóa dân số, với trọng tâm là áp dụng cách tiếp cận theo vòng đời vào vấn đề già hóa dân số và coi người cao tuổi là nguồn lực, trên cơ sở tôn trọng quyền chứ không phải là gánh nặng trong quá trình phát triển bền vững.

Việt Nam là nước đi sau và có tốc độ nhanh hơn trong quá trình già hóa, diễn biến phức tạp. Do đó, việc nhận diện, nghiên cứu nguyên nhân, tác động, đồng thời tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm từ những nước đi trước nhằm xây dựng kế hoạch, giải pháp phù hợp, toàn diện để có sự chuẩn bị, đối phó với nguy cơ già hóa dân số là cần thiết.

Như vậy, trước bối cảnh già hóa dân số và cuộc CMCN 4.0, đòi hỏi Việt Nam kịp thời hoàn thiện chính sách, pháp luật để cụ thể hóa chủ trương Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phát huy tối đa trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình...

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã cán mốc 100 triệu dân vào tháng 4/2023. Việt Nam nằm trong top 15 nước đông dân nhất, xếp hạng 41 về mật độ dân số, và đứng thứ 121 về thu nhập bình quân đầu người mỗi năm với 4.010 USD.

2023 cũng là thời điểm đất nước đi qua một nửa thời kỳ dân số vàng - bắt đầu từ năm 2007 và dự kiến kết thúc vào 2039. Dù dân số tăng nhưng sự phát triển cả về số lượng và chất lượng không đồng đều giữa 63 tỉnh, thành. Mức sinh giữa các vùng miền chênh lệch đáng kể.

Già hóa dân số - vấn đề của thời đại

Già hóa dân số - vấn đề của thời đại

Già hóa dân số là vấn đề mang tính toàn cầu, đang trở thành bài toán khó, có tác động lớn đến tình hình phát ...

Phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho 21 cá nhân

Phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho 21 cá nhân

21 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, có công lớn trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của dân ...

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Không có việc lộ, lọt đề thi tốt nghiệp THPT, việc suy đoán đúng tên tác phẩm, tác giả là ngẫu nhiên

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Không có việc lộ, lọt đề thi tốt nghiệp THPT, việc suy đoán đúng tên tác phẩm, tác giả là ngẫu nhiên

Đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ ngày càng hướng đến mục tiêu có tính vận dụng, phân hóa cao để cho các ...

'Tấm vé' đại học và câu chuyện học tập suốt đời để không lỗi nhịp trong thời đại số

'Tấm vé' đại học và câu chuyện học tập suốt đời để không lỗi nhịp trong thời đại số

Theo TS. Cù Văn Trung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và các vấn đề xã hội), dù đỗ đại học hay không, mỗi ...