📞

Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4: Người đi tìm kỷ vật chiến tranh của đồng đội

Thanh Tùng 10:10 | 28/04/2021
Sau 15 năm góp nhặt ở khắp mọi miền đất nước, bộ sưu tập của ông Nguyễn Trung Hoàn đã có hơn 300 kỷ vật chiến tranh.
Cựu chiến binh Nguyễn Trung Hoàn (Thanh Hóa) - người đã dành 15 năm đi sưu tầm kỷ vật chiến tranh.

Ký ức không ngủ yên

Hơn 70 tuổi nhưng cựu chiến binh Nguyễn Trung Hoàn (thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) vẫn có vẻ ngoài trẻ khỏe, minh mẫn. Ông còn nhớ như in những năm tháng chiến tranh khốc liệt ở chiến trường.

Năm ấy, ông vừa tròn 24 tuổi. Theo tiếng gọi Tổ quốc, ông nộp đơn xin nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện cấp tốc, ông được biên chế vào Bộ tư lệnh tiền phương, thuộc quân khu 5 rồi tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên.

Đến năm 1975, khi đất nước ca khúc khải hoàn, ông tiếp tục công tác tại đơn vị. Năm 1981, ông xuất ngũ trở về công tác tại lâm trường Như Xuân, xã Hải Vân, huyện Như Thanh. Từ năm 1995, ông về hưu.

Nhớ lại những ngày xông pha nơi chiến trường khốc liệt, ông kể: "Khi đó, kẻ địch ngày đêm điên cuồng bắn phá làm nhiều đồng đội bị thương và hy sinh, người may mắn thì được chôn cất, còn nhiều đồng chí đến giờ vẫn không tìm thấy. Bản thân tôi tuy may mắn lành lặn trở về nhưng cũng không ít lần phải đối diện với lằn ranh sinh tử".

Trở lại thời bình, có khi đêm, có lúc ngày, hình bóng những đồng đội cũ và tiếng bom đạn cứ thi thoảng lại xuất hiện trong giấc mơ của người cựu chiến binh già. Sau mỗi lần như thế, ông lại khăn gói lên đường về chiến trường năm xưa để góp nhặt và "lắng nghe" tiếng gọi của đồng đội từ những kỷ vật chiến tranh.

Ông Hoàn chia sẻ: "Hành trình đi tìm kỷ vật chiến tranh của tôi bắt đầu như thế đó. Cách đây 15 năm, ngày nào cũng vậy, trong giấc mơ của tôi là một miền ký ức với mưa bom, bão đạn, với tình đồng đội ở chiến trường năm ấy. Nó đánh thức bước chân tôi đến với từng kỷ vật suốt từng ấy năm".

Mỗi kỷ vật một đồng đội

Đến nay, sau 15 năm góp nhặt ở khắp mọi miền đất nước, bộ sưu tập của ông đã có hơn 300 kỷ vật. Chủ yếu các kỷ vật mà ông sưu tầm là mảnh bom, mẩu đạn, đồ quân dụng, máy liên lạc… mà các chiến sĩ năm xưa sử dụng trong thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Có một điều đặc biệt từ những kỷ vật ông sưu tầm suốt từng ấy năm mà ít ai biết đến. Khoảng 70% kỷ vật là các vật dụng của chiến sĩ đã hy sinh, mỗi một kỷ vật đối với ông đều chứa đựng một linh hồn của đồng đội.

Ông xúc động nói: "Tôi như sống lại một thời bão đạn mỗi khi ngắm nhìn những kỷ vật ấy, đối với tôi, mỗi kỷ vật đều chứa đựng bóng dáng của đồng đội mình trong đó. Bởi, tôi đến với việc sưu tầm kỷ vật xuất phát từ tiếng gọi của đồng đội. Có những kỷ vật thấm đẫm máu và nước mắt, nhưng cũng có thể là hiện thân của sự hiên ngang, tinh thần bất khuất của những người lính".

Những kỷ vật ông Hoàn sưu tập được chủ yếu là ở chiến trường Tây Nguyên và miền Trung. Nhiều kỷ vật ông tìm mua từ các nhà dân. Ngoài ra, có những kỷ vật ông được các đồng đội cũ hoặc con cháu của liệt sĩ tìm đến gửi tặng. Toàn bộ những kỷ vật này đều được ông sắp xếp gọn gàng và lau chùi thường xuyên tại phòng khách của gia đình.

Chia sẻ về bộ sưu tập của mình, ông cho hay: "Nếu nhìn qua thì đây chỉ là những vật dụng vô tri vô giác. Nhưng nó chứa đựng những ý nghĩa hết sức sâu sắc. Chính vì thế, tôi muốn lưu giữ những kỷ vật này cho đến hết đời, thậm chí là cả thế hệ con cháu. Tôi mong muốn con cháu sau này khi nhìn thấy những hiện vật này sẽ không quên nguồn cội, lịch sử cha ông đã chiến đấu thế nào để có được một nền độc lập, hòa bình của đất nước như hiện nay".

Những năm qua, "bảo tàng" của ông không chỉ có đông đảo người đến tham quan mà còn là điểm đến ý nghĩa cho các thế hệ học sinh trên địa bàn trong các buổi đi thực tế. Đây được xem là một "bảo tàng nhỏ", nơi chứa đựng ký ức về một thời hào hùng trong mưa bom bão đạn của cha ông.

Mỗi kỷ vật đối với ông đều là linh hồn của những đồng đội đã ngã xuống.
Tất cả đều được ông nâng niu, trân trọng trưng bày tại phòng khách của gia đình.
(theo Dân trí)