📞

Nghệ An tìm động lực mới phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thùy Dương 16:42 | 17/09/2020
TGVN. Nghệ An được đánh giá là vùng đất có vị trí địa lý - chính trị cực kỳ quan trọng; có nguồn nhân lực trẻ đầy sức sáng tạo; có tiềm năng rất lớn về đất đai, chủ yếu là đất đỏ bazan, diện tích đất lâm nghiệp lớn; nhiều vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên tuyệt đẹp, đa dạng sinh học cao, lâm nghiệp và dược liệu phong phú… rất thích hợp để phát triển nông nghiệp quy mô lớn.

Tỉnh Nghệ An còn sở hữu lợi thế về vị trí, rất gần các cảng biển lớn, giao thông thuận tiện, kết nối trong nước, quốc tế, thuận lợi để phát triển xuất khẩu nông sản. Bởi vậy, việc lựa chọn khu vực này để ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa hiện đại là chủ trương chính xách và đúng đắn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu kiểm tra thực địa khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lĩnh vực lâm nghiệp tại huyện Đô Lương. (Nguồn: Báo Nghệ An)

Động lực và sức lan tỏa từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Khai thác hiệu quả các điều kiện thuận lợi, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) của Nghệ An phát triển khá sớm và được đánh dấu bằng những kết quả ấn tượng, trong đó có một số dự án sản xuất quan trọng của Tập đoàn TH, Massan, Vinamilk, Tổng Công ty cổ phần VTNN Nghệ An, Công ty TNNH Khoa học Công nghệ Vĩnh Hòa,... là những doanh nghiệp đi đầu, tạo sức lan tỏa, tạo động lực mới cho sự phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa ở địa phương. Các công ty này cũng đã thu hút mạnh mẽ nguồn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài như Iseael, Nhật Bản, Hàn Quốc... về vốn cũng như công nghệ tiên tiến.

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có tổng diện tích canh tác NNCNC hơn 22.808 ha, chiếm 7,5% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Sản xuất rau, củ, quả: 1.472,75 ha; Sản xuất cây lâu năm và cây ăn quả: 2.112,8 ha; Sản xuất cây thức ăn chăn nuôi bò sữa: 3.520 ha; sản xuất mía nguyên liệu 3.977 ha; sản xuất lúa: 11.201,5 ha; sản xuất lạc: 252 ha; sản xuất giống chanh leo: 6 ha; sản xuất cây dược liệu: 252 ha và một số cây khác như: hoa lan, rễ hương… 16,9 ha. Tổng đàn bò được nuôi ứng dụng công nghệ cao trên 69.640 con; Chăn nuôi có ứng dụng công nghệ cao có 70 trang trại; Tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng có ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật là 376.25 ha.

Giá trị sản xuất NNCNC bình quân hiện trên 250 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2-3 lần so với sản xuất nông nghiệp đại trà. Trên địa bàn Tỉnh hiện có 25 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; 29 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều giống có năng suất cao, chất lượng tốt đã được tuyển chọn, đã xuất hiện những mô hình cho năng suất cao, chất lượng tốt như: Chè từ 16 - 18 tấn/ha, Mía từ 120 - 150 tấn/ha, Lạc từ 4,5 - 5 tấn/ha, Tôm từ 45-50 tấn/ha…đã tạo bước chuyển quan trọng, là “cú hích” nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng trong sản xuất.

Tính đến tháng 9/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An đã trình UBND tỉnh Nghệ An công nhận 2 doanh nghiệp NNCNC trong lĩnh vực lâm nghiệp và hiện đang hoàn tất hồ sơ để trình UBND tỉnh công nhận thêm 1 doanh nghiệp NNCNC.

Tuy nhiên, Nghệ An còn rất nhiều tiềm năng phát triển NNCNC chưa được khai thác. Với việc mở rộng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn, phát triển vững chắc trên 2 nền tảng là Khoa học kinh tế: đánh giá đúng thực trạng, định hướng và dự báo thị trường; Khoa học - Công nghệ và hợp tác quốc tế: đảm bảo cho sản xuất có giống, thiết bị, quy trình canh tác, công nghệ chế biến, đóng gói, bảo quản và logistics tốt nhất, tiên tiến nhất, tiềm năng phát triển NNCNC của Nghệ An còn rộng mở.

Một số sản phẩm công nghệ cao của Nghệ An.

Thu hút đầu tư hiệu quả phát triển NNCNC

NNCNC tạo ra một lượng sản phẩm lớn, năng suất cao, chất lượng tốt và đặc biệt là thân thiện với môi trường; Giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết và khí hậu do đó quy mô sản xuất được mở rộng. Sản xuất NNCNC giúp giảm giá thành sản phẩm, đa dạng hóa thương hiệu và cạnh tranh tốt hơn trên thị trường; Lợi thế về quy mô và chi phí thấp là các yếu tố đảm bảo các sản phẩm nội địa cạnh tranh được với hàng ngoại nhập ít nhất ở chi phí vận chuyển và marketing.

Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp phát triển NNCNC vẫn còn gặp nhiều khó khăn về vốn và ưu đãi đầu tư công nghệ, trong khi đây lại là lĩnh vực đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lâu.

Trong những năm qua Trung ương và UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy định các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Để phát huy hiệu quả hơn trong hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát triển NNCNC, một số văn bản quy định mới và sửa đổi bổ sung một số quy định các chính sách hỗ trợ. Công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư cũng được tăng cường với nhiều hình thức nhằm tăng cường quảng bá giới thiệu tiềm năng, lợi thế của Nghệ An để thu hút đầu tư, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh.

Trên thực tế, bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng công nghệ cao tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn vẫn đang phải đối mặt với khó khăn, hạn chế, trong đó hợp tác quốc tế được đánh giá là một trong những giải pháp sẽ sớm giúp tháo gỡ các nút thắt và tạo động lực mới để địa phương tiếp tục phát triển.

Cụ thể, sản xuất NNCNC ở địa phương hiện mới tập trung chủ yếu vào việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật ở từng khâu của quá trình sản xuất, mà chưa có nhiều sản phẩm ứng dụng CNC theo chuỗi giá trị sản phẩm, nên hiệu quả mang chưa cao, thiếu tính bền vững. Việc ứng dụng các công nghệ thông tin, tự động hóa sản xuất, công nghệ sinh học, các quy trình canh tác tiên tiến còn chưa nhiều so với quy mô sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Công tác xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC mới tập trung ở các doanh nghiệp, ở hợp tác xã còn hạn chế.

Các khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn nhiều hạn chế, nhiều sản phẩm năng suất còn thấp, giá thành cao, chất lượng không ổn định dẫn tới khả năng cạnh tranh kém; Số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn nói chung, NNCNC nói riêng còn ít.

Để thực hiện có hiệu quả việc phát triển NNCNC theo các mục tiêu đề ra trong quy hoạch vùng NNCNC tỉnh Nghệ An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An đang tập trung vào một số mục tiêu trọng tâm như: Xúc tiến đầu tư; rà soát, xây dựng danh mục các dự án, lĩnh vực cây, con chủ lực để thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư ứng dụng CNC liên kết với nông dân để tổ chức sản xuất nguyên liệu gắn với xây dựng các nhà máy chế biến; Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn đảm bảo vệ sinh thực phẩm; Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp tham gia phát triển sản phẩm hàng hóa có lợi thế của tỉnh; Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; Hoàn thiện, bổ sung các cơ chế chính sách; Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông sản có lợi thế...