📞

Nghề ngoại giao, Nghiệp và Vinh

09:40 | 31/08/2012
Làm nghề ngoại giao đòi hỏi năng lực độc lập “tác chiến” cao, đôi khi không có đồng nghiệp. Do vậy, nhà ngoại giao phải nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, phải nhanh nhạy, ứng xử kịp thời nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia. Có những tình huống chợt đến, buộc phải có phản ứng. Để tuột mất cơ hội, xảy chuyện lớn thì phải chịu trách nhiệm trước đất nước, hoặc chuyện nhỏ cũng ân hận day dứt khôn nguôi.
Sáng 25/8/2011, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Singapore Trần Hải Hậu đã trình Quốc thư lên Tổng thống nước Cộng hòa Singapore S R Nathan.

Lâu nay, một số người vẫn nghĩ nhà ngoại giao là mặc com-lê, diện đẹp, lên xe, xuống xe, đi nước ngoài và dự các bữa tiệc sang trọng; rằng ngoại giao là bóng bẩy, hào nhoáng, bắt tay, cười nói… Chỉ những người trong ngành Ngoại giao hoặc đồng hành với ngoại giao mới từng trải những gian truân và khắc nghiệt của nghề nghiệp. Ít ai biết được có những bản tuyên bố chung hoặc hiệp định hợp tác với các đối tác, các nhà ngoại giao đã phải thức trắng thâu đêm, nhiều khi kéo dài cả năm tháng, đôi khi bỏ ăn, trăn trở từng câu, từng chữ, vừa thuyết phục, vừa đấu tranh để đạt được thỏa thuận nhằm bảo đảm lợi ích tối đa của ta và triển khai được hợp tác với các đối tác. Cũng ít ai biết được, trong mỗi chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao, cán bộ ngoại giao tháp tùng cũng phải trắng đêm chuẩn bị hoặc hoàn thiện các văn kiện, hoặc các báo cáo đột xuất xin ý kiến trong nước. Phần lớn trong các chuyến thăm cấp cao, số cán bộ ngoại giao phục vụ Đoàn chỉ biết từ sân bay, về khách sạn, đến nơi đón và hội đàm, không một phút ngó nghiêng thành phố hoa lệ và cả những vùng đất xa lạ nhiều hấp dẫn mà Đoàn đang ở thăm.

Làm nghề ngoại giao, đòi hỏi phải luôn rèn luyện các kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá và đưa ra cách giải quyết kịp thời nhất, với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Sự kiện quốc tế diễn ra ở khắp nơi, từng giờ, từng ngày với các sắc thái khác nhau, muôn hình muôn vẻ, nhưng với tư duy biện chứng, xâu chuỗi lại, tự nó đã bật ra những xu hướng mới mang tính chủ đạo. Từ đó, khái quát lại và đưa ra những đánh giá mang tầm chiến lược. Muốn có kỹ năng này, đòi hỏi cán bộ ngoại giao phải khổ công rèn luyện, chịu khó đọc, tiếp xúc, ghi chép thường xuyên mà lâu nay các đơn vị trong Bộ Ngoại giao gọi là viết đại sử ký; phải biết tự trang bị cho mình phương pháp tư duy biện chứng và đánh giá nhạy bén, sâu sắc. Trong các tiếp xúc ngoại giao, nhiều khi tươi cười, bắt tay nồng nhiệt đấy, nhưng vẫn phải đau đáu hướng đến truyền tải một thông điệp, một vận động ngoại giao cụ thể. Bao trùm lên tất cả là gánh nặng trách nhiệm với đất nước, lúc nào cũng trĩu nặng trong suy nghĩ và chi phối các hoạt động tiếp xúc ngoại giao.

Các nhà ngoại giao còn phải giải quyết một loạt các vấn đề khi được cử đi luân chuyển ở các địa bàn không phải lúc nào cũng thuận lợi. Công tác ở địa bàn có chiến sự, khí hậu khắc nghiệt, hẻo lánh xa xôi thì vợ chồng con cái có đi cùng không, các cháu học hành ra sao, bố mẹ già yếu ở nhà ai trông...

Không phải ngẫu nhiên mà chính phủ Singapore dành cho các nhà ngoại giao cũng như lực lượng vũ trang mức lương đặc biệt hơn hẳn công chức các bộ, ngành khác.

Nói vậy, nhưng nghề ngoại giao cũng nhiều vinh quang. Hơn ai hết, nhà ngoại giao được chứng kiến những giây phút lịch sử trong hoạt động đối ngoại. Chắc nhiều Đại sứ Việt Nam chia sẻ với tôi cảm giác thăng hoa khi nước sở tại dành những tình cảm hữu nghị nhất, tưng bừng cờ hoa và đoàn xe hộ tống dành cho nguyên thủ ta đến thăm; những phút giây lịch sử được đại diện cho Chủ tịch nước, trình Quốc thư lên Nguyên thủ nước sở tại; không khí hân hoan và mãn nguyện khi chứng kiến hoặc trực tiếp ký kết các văn bản hợp tác mà phải trải qua bao năm tháng vật vã với nó. Các văn bản hiệp định hợp tác dù song phương hay đa phương sẽ tác động đến cả một ngành, địa phương, thậm chí cả đất nước. Mỗi lần như vậy, tôi vẫn tâm niệm rằng những vinh quang đó trước hết phản ánh tầm vóc của một dân tộc, sức mạnh nội sinh của đất nước, vị thế quốc tế Việt Nam, và có một phần thành quả lao động cực nhọc của các nhà ngoại giao.

Các nhà ngoại giao có nhiều cơ hội đến với những vùng đất mới như New Zealand thanh bình với truyền thuyết dải mây trắng, từng là khung cảnh hùng vĩ cho những bộ phim nổi tiếng thế giới như Chúa nhẫn, Triều đại cuối cùng của Samurai; được tắm mình trên bãi biển mênh mông như thiên đường ở Hawaii hay quốc đảo Fiji; đến với Samoa - nơi sản sinh ra tác phẩm Đảo giấu vàng nổi tiếng thế giới của nhà văn huyền thoại Robert Louis Stevenson; lên tận Iceland, Bắc Âu tận mắt chiêm ngưỡng cánh đồng nham thạch phun trào từ cả triệu năm mà ta ngỡ ngàng như đang trên cung trăng; đứng dưới tán bồ đề trầm mặc qua ngàn năm ở nơi đất Phật Bodh Gaya; ngắm cảnh hoàng hôn xuống bên kia Đền Angkor hùng vĩ...

Kể về Nghiệp và Vinh của nghề ngoại giao chắc phải là một công trình với góp sức của nhiều nhà ngoại giao lão thành. Vào thời kỳ hội nhập, nhiều cán bộ các bộ, ngành cũng có nhiều trải nghiệm phong phú như những nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Họ xứng đáng là các chiến sỹ trên mặt trận đối ngoại.

Chợt nghĩ về mình, thấy cũng đã ở vào độ được coi là cận tuổi. Thấm thoát thời gian trôi qua như một cuốn phim, từ ngày vào ngành đến nay đã 30 năm có lẻ. Nhìn vào đội ngũ trẻ của ngành Ngoại giao - thế hệ 8x, tôi có niềm tin mãnh liệt vào họ, những người có thêm 30 năm nữa để cống hiến và trải nghiệm cả những vinh quang và nhọc nhằn của nghiệp. Nhiệm vụ của ngành Ngoại giao bây giờ khẩn trương không kém trước, thậm chí đòi hỏi cao hơn, nhất là đất nước đang đẩy nhanh tiến trình hội nhập quốc tế. Nhân ngày thành lập Ngành, tôi chúc thế hệ trẻ ngoại giao Việt Nam luôn rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, học tập, phấn đấu không ngừng, dấn thân với nghiệp. Tương lai sự nghiệp ngoại giao của đất nước nằm trọn trong tay các bạn.

Trần Hải HậuĐại sứ Việt Nam tại Singapore