Trong hai ngày 23-24/6, trên sân khấu của nhà hát HAU1 ở Berlin, nghệ sĩ âm nhạc dân tộc Đào Xuân Phương, một người Việt sinh sống tại Berlin, đã tham gia trình diễn một số tiết mục trong dự án "Âm nhạc Thế giới" của Mark Terkessidis và Jochen Kühling.
Với các nhạc cụ dân tộc Việt Nam như đàn tam thập lục, đàn bầu và sáo trúc, nghệ sĩ Đào Xuân Phương đã cùng biểu diễn với các nghệ sĩ từ nhiều quốc gia khác trên thế giới. Các nghệ sĩ đã sử dụng nhiều loại nhạc cụ dân tộc của các nước kết hợp với nhạc cụ hiện đại như guitar điện, đàn akkordeon… để trình bày các tác phẩm của nhiều nghệ sĩ như Karlheinz Stockhausen, Peter Michael Hamel, Hans Otte và Grete von Zieritz.
Nghệ sĩ Đào Xuân Phương biểu diễn trong dự án "Âm nhạc Thế giới". |
Trước đó, một ban nhạc dân tộc của người Việt tại Berlin do anh Đào Xuân Phương thành lập đã tham gia dự án “Tiếng hát quê hương từ nước Đức”. Đây là dự án nhằm duy trì và phát huy các làn điệu dân ca với các nhạc cụ dân tộc của cộng đồng người nước ngoài tại Đức. Dự án đã thu được nhiều thành công với việc sản xuất được hai đĩa CD bao gồm những bài ca cũ và mới của những người nhập cư.
Khoảng 20 nhạc công trong tổng số khoảng 250 người từng tham gia dự án “Tiếng hát quê hương từ nước Đức” đã cùng tham gia thực hiện dự án “Âm nhạc Thế giới”, trình diễn các bản nhạc của nhiều nghệ sĩ theo một phong cách mới, khoáng đạt và cởi mở hơn.
“Âm nhạc Thế giới” là một ý tưởng được hình thành trong khuôn khổ triển lãm nghệ thuật nhân dịp Đại hội Olympic năm 1972 ở München, Đức. Khi đó, một số nhạc công Đức đã sử dụng những nhạc cụ hiện đại để thể hiện những bài dân ca miền Viễn Đông. Những bản nhạc được trình diễn trong dự án “Âm nhạc Thế giới“ đều có nhiều nhịp điệu mới lạ và khá hấp dẫn.