Nhỏ Bình thường Lớn

Nghệ sĩ thổ dân Australia

Nói đến Australia, không thể không nói đến thổ dân và lại càng không thể không chú ý đến sự sáng tạo nghệ thuật của họ. Một trong những điều thú vị cần được tìm hiểu về cộng đồng này chính là những tác phẩm độc đáo được lưu truyền đến ngàn đời.
Thổ dân Melville đang sáng tạo những cột nhà mồ

Vượt không gian, thời gian

Nghệ thuật của thổ dân Australia khởi phát từ niềm tin cha truyền con nối vào những huyền thoại về tổ tiên, những sinh vật khổng lồ đã tạo ra núi, đồi, sông, suối với cỏ cây và muôn loài. Qua các tác phẩm, họ ghi lại hình ảnh của những buổi lễ tôn giáo, cảnh quan tự nhiên hay những biến cố xảy ra trong đời sống hàng ngày. Điều lớn nhất mà các thổ dân đưa vào tác phẩm là quan niệm của họ về môi trường sống, tình yêu thiên nhiên và khát vọng hòa hợp với vạn vật. 

Ở tại Sturts Meadow, có những hình vẽ niên đại trên 10.000 năm trước và ở núi đá tại Nam Australia có hình vẽ với niên đại tới 30.000 năm. Theo tín ngưỡng chung, các bức vẽ trên vỏ cây, hình khắc trên vách đá hay chiếc cột gỗ chạm trồng cạnh một ngôi mộ mới, đều là phương tiện tôn thờ hay khôi phục uy lực của mọi sức mạnh thiên nhiên, làm tăng nguồn thức ăn, trừng phạt kẻ phạm tội. Nhiều hình thù điêu khắc trên đá trình bày những sự kiện được coi như có quyền lực ma quái của những vị thần. Ở Arnhem Land, một số tranh nghệ thuật vẽ người và súc vật phản ánh những hoạt động của những người săn bắt có thể có niên đại vào thời kỳ trước lúc nước biển lên cao, có thể là 10.000 năm hoặc xa hơn nữa.

Bàn tay “bẩm sinh”

Hầu hết “hoạ sĩ” thổ dân này đều là đàn ông. Hình thái nghệ thuật của họ chủ yếu là vẽ, chạm khắc trên đá, vỏ cây, hay những khiên mộc và những chiếc boomerang (vũ khí quăng ném thông dụng của thổ dân Australia)… Cộng đồng xã hội thổ dân ở đây hầu như không có tầng lớp nghệ sĩ tách riêng. Khi có dịp, thành viên nào trong bộ tộc cũng có thể đảm nhiệm chức năng vẽ, nặn hay chạm khắc ra những tác phẩm cần thiết. Tài năng tuy khác nhau, song các hình vẽ bao giờ cũng được thể hiện mạnh bạo, dứt khoát và chắc tay, luôn phù hợp với cảm nhận chung và được cộng đồng chấp nhận, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của bộ tộc.

Tuy nhiên, cộng đồng người Kubin sống trên đảo Mua lại có những họa sĩ rất chuyên nghiệp. Năm 2000, người già của đảo Mua đồng ý cho lớp hậu sinh của mình là nhóm 4 họa sĩ trẻ lập một xưởng in chuyên về tranh khắc gỗ tại làng Kubin. Nghệ thuật khắc trên khuôn gỗ rồi in lên giấy truyền thống này được tạo màu theo phương pháp “à la poupée” (kiểu búp bê), mang lại “hiệu ứng cầu vồng” hay “hiệu ứng gợn nước”. Kỹ thuật này mang lại phong cách hội họa vừa kỳ bí, phức tạp nhưng cũng rất gần gũi. Dân đảo gọi đó là Kaidaral, nghĩa là “Vị thần làm nên những gợn sóng trên mặt nước”. 

Những tác phẩm thần bí

Đầu tiên phải kể đến tác phẩm “hình đầu người”. Ở Arnhem Land, người ta tạc bằng gỗ những pho tượng đầu người hay cả người, biểu tượng cho nhân vật thuở sáng thế hoặc đời thường. Tượng đầu người tại vùng tây bắc thường đục chạm bằng gỗ hay đá. Tại đảo Melville, nơi tìm thấy các họa tiết bí ẩn trong tranh vỏ cây, còn có loại hình điêu khắc là những cột mồ bằng gỗ được đẽo gọt hay phủ đầy họa tiết trang trí có ý nghĩa thần bí.

Tranh chấm cũng được coi như một “đặc sản” của thổ dân Australia. Họ thường dùng que nhọn, bút lông ngỗng để vẽ nên những câu chuyện, những giấc mơ, và những giá trị tinh thần của họ. Những bức họa đó được vẽ theo cách truyền thống với hàng nghìn hàng vạn những chấm nhỏ. Tranh chấm hiện nay được tạo ra trên những tấm vải bằng cách dùng những chấm màu acrylic (một loại mực không phai) để tạo nên các đường nét. Những bức tranh chấm thường có giá trị biểu cảm cao, có nhiều ý tưởng mới lạ, đồng thời là sự kết hợp hài hòa của các yếu tố truyền thống và hiện đại. Giá trị văn hóa trong các bức tranh chấm thường được thể hiện khá kín đáo và phức tạp. Ẩn sau những chấm tròn đó là một thế giới của những bí mật linh thiêng và những lễ nghi chưa được khám phá.

Hải Thanh (Tổng hợp)