Nhỏ Bình thường Lớn
KỲ 1: Mua sắm công nghệ

Nghệ thuật săn lùng công nghệ không quân

Từ chỗ hoàn toàn dựa vào công nghệ hàng không quân sự của nước ngoài, Trung Quốc hiện đã trở thành một nước có nhiều thành tựu vượt bậc. Quá trình săn lùng và mua bán công nghệ hàng không quân sự của không quân Trung Quốc cho đến nay vẫn là một bức màn bí ẩn mà giới nghiên cứu hàng không quân sự quốc tế quan tâm…
Ảnh minh họa

Việc mua nguyên chiếc máy bay quân sự là lựa chọn tối ưu để có được công nghệ tiên tiến và phát triển năng lực Không quân trong nước bởi vừa hạn chế được rủi ro trong chế tạo vừa cải thiện chất lượng nhân lực. Nhằm phát triển và bắt kịp với công nghệ hàng không quân sự thế giới, Trung Quốc đã “mạnh tay” chi nhiều tiền để nhập khẩu các máy bay hiện đại nhất từ các nước có công nghệ hàng không hàng đầu thế giới như Nga, Mỹ,…

Trung tâm tình báo hàng không (Mỹ) cho biết, cùng với máy bay chiến đấu và máy bay ném bom, từ những năm 1990, Trung Quốc đã mua 18 máy bay IL-76 do Nga chế tạo, sau đó mua thêm 30 loại máy bay vận chuyển khác và máy bay vận chuyển Y-9. Điều này đã làm cho khả năng tác chiến của biên đội máy bay vận chuyển của không quân Trung Quốc được nâng cao rõ rệt. Trước đây, Trung Quốc chỉ có máy bay vận chuyển 200 tấn, sau khi cải tiến, các máy bay này có thể “ngang cơ” với máy bay vận chuyển C-130 của Mỹ.

Bên cạnh đó, nhận thấy rõ nét khả năng tiếp nhiên liệu trên không của mình còn kém, Trung Quốc đã mua thêm 8 máy bay tiếp nhiên liệu trên không của Nga. (Trước đây, vào những năm 1990, Trung Quốc chỉ có một biên đội nhỏ gồm 10 máy bay Hoanh Du 6U để nạp nhiên liệu trên không). Nhờ đó, các máy bay tiêm kích của Trung Quốc như J-9, J-10 có thể được tiếp liệu ngay trên không.

Tuy nhiên, quá trình thương thảo để hoàn chỉnh một thương vụ mua bán thường kéo dài rất lâu (khoảng 4-5 năm/hợp đồng), gồm nhiều bước thương lượng phức tạp. Chi phí cho mỗi chiếc máy bay vì thế mà đội lên rất cao, chưa kể sự phụ thuộc lâu dài vào nhà cung cấp, những hạn chế về kỹ thuật, hệ luỵ từ quan hệ chính trị,…Vì vậy, về lâu dài, Trung Quốc đã tính đến bước tự nghiên cứu, phục chế và phát triển công nghệ riêng biệt.

Phát triển công nghệ riêng biệt

Việc thúc đẩy phát triển công nghệ đã tạo động lực phát triển chung cho ngành hàng không Trung Quốc, giúp làm chủ nhiều công nghệ chuyên dụng. Trung Quốc cũng đã rất thành công và hưởng nhiều lợi ích kinh tế từ việc khuyếch trương quá trình phát triển công nghệ riêng và sản xuất máy bay để bán cho các nước có nhu cầu.

Bên cạnh việc mua sắm các máy bay hiện đại, phục chế các máy bay cũ, Trung Quốc còn tập trung nghiên cứu, chế tạo các thế hệ máy bay mới. Trung Quốc hiện đang nghiên cứu chế tạo máy bay tiêm kích J.20, tới năm 2018 sẽ trang bị cho không quân dù các chuyên gia cho rằng, nó thực chất chỉ là biến thể của máy bay chiến đấu F-22 (Mỹ). Ngoài máy bay chiến đấu, Trung Quốc cũng cải tiến máy bay oanh tạc Hoanh 6. Phương thức cải tiến chính là gia tăng phạm vi ném bom cho máy bay Hoanh 6, trang bị cho máy bay này tên lửa hành trình tầm xa và nâng cao khả năng tấn công các mục tiêu ở xa. Nhằm tăng khả năng cảnh báo và giám sát, Trung Quốc cũng đang nghiên cứu chế tạo máy bay không người lái hoạt động ở tầm cao, sau khi bố trí các loại máy bay này, không quân Trung Quốc sẽ triển khai kế hoạch “theo dõi tấn công từ xa”.

Hiện nay, lực lượng phòng không Trung Quốc đã không chỉ mua mới của Nga một số hệ thống tên lửa phòng không mà còn tự mình phát triển các hệ thống tương tự. Điều này là bước tiến rất đáng kể, vì trước năm 2000, hệ thống tên lửa đất đối không của Trung Quốc hoàn toàn được nhập khẩu từ Nga.

Ngoài ra, từ năm 2007, mạng lưới phòng không của Trung Quốc đã được phân bố trên toàn lãnh thổ. Bên cạnh việc nỗ lực sao chép thông tin về công nghệ mật bằng phương thức tình báo truyền thống và mạng thông tin toàn cầu, họ có cả quá trình thu thập và xử lý thông tin nguồn mở liên quan đến lĩnh vực quốc phòng như thông qua Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc...

Nguyễn Nhâm (tổng hợp)