📞

Nghệ thuật tiếp xúc báo chí nước ngoài của Chủ tịch Hồ Chí Minh

14:00 | 21/06/2018
Cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng và di sản mẫu mực về lý luận và thực tiễn báo chí, thông tin đối ngoại được thể hiện rất tài tình, đa dạng và hiệu quả. Người không chỉ viết báo mà còn tích cực, chủ động tiếp xúc, trả lời phóng viên nước ngoài vì đây là một kênh hết sức hữu hiệu để dư luận thế giới hiểu rõ tình hình, cũng như chủ trương, chính sách của Việt Nam, qua đó tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn một nữ nhà báo Pháp năm 1964.

Từ những buổi đầu tìm đường cứu nước, Người đã tự học ngoại ngữ, tự học làm báo với tâm niệm làm báo có nghĩa là làm chính trị, làm cách mạng  Các bài báo, bài trả lời phỏng vấn của Người xuất hiện trên nhiều tờ báo quốc tế như: Thiên Tân (tờ báo Mỹ xuất bản tại Bắc Kinh năm 1919); tờ Yi Chê Pao (Triều Tiên, 1919); tờ Nhân đạo; Đời sống thợ thuyền; Dân chúng Paris; Tạp chí Cộng sản (Pháp, 1921); Tiếng Kèn; Ngọn lửa nhỏ; Sự thật; Phụ nữ (Liên Xô, 1923-1924)... Từ khi giành độc lập dân tộc, Bác đã tiếp xúc với hơn 250 nhà báo nước ngoài của 17 nước, đại diện cho những tờ báo, hãng tin thuộc nhiều xu hướng chính trị khác nhau.

Hiểu rõ người phỏng vấn và tờ báo của họ

Trong các cuộc tiếp xúc, Người luôn nắm vững đối tượng tiếp chuyện, xu hướng chủ đạo của tờ báo đó. Người tỏ rõ lập trường quan điểm của mình, không bao giờ né tránh những câu hỏi hóc búa, nhạy cảm mà luôn khéo léo xử lý. Các câu trả lời của Người đều ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào nội dung câu hỏi, không bao giờ dùng những từ ngữ chung chung, thậm chí có câu rất ngắn nhưng đầy ý nghĩa. Năm 1919, khi được phóng viên Mỹ hỏi: “Ông đến Pháp với mục đích gì?”, Người trả lời ngắn gọn: “Để đòi những quyền tự do mà chúng tôi phải được hưởng”.

Khi tiếp xúc với báo chí nước ngoài, để tăng tính thuyết phục, Người thường đưa ra những lý lẽ, luận cứ mang tính chân lý, hay được đúc rút từ kinh nghiệm của những người đi trước và mang tính khái quát cao. Luận điểm Người đưa ra thường đi kèm với những ví dụ sinh động. Chẳng hạn, Người viện dẫn lịch sử, điển tích, nhân vật, ngôn từ phổ biến tại chính các nước mà tờ báo, hãng tin đặt trụ sở, hay sử dụng các thành ngữ chung của nhiều dân tộc như: “vỏ quýt dày, móng tay nhọn”, “châu chấu đá voi” để nói nước nhỏ cũng có thể thắng đế quốc to,  hay các điển tích thế giới như truyện ngụ ngôn Chó sói và cừu non của La Fontaine để bác bỏ định kiến lý lẽ của kẻ mạnh bao giờ cũng đúng. 

Thông điệp xuyên suốt của Người trong khi trả lời các câu hỏi của báo giới là quyết tâm giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước: “Mục đích của Pháp là tự do, bình đẳng, bác ái, nếu Pháp thi hành đúng thì chắc chắn sẽ có được tình thân thiện của nước Việt Nam”; “Người Basques, người Breton không nói tiếng Pháp mà vẫn là người Pháp. Người Nam Kỳ nói tiếng Việt Nam, tại sao lại cản trở việc thống nhất nước Việt Nam?”; “Nước Pháp muốn dân chủ, không có lý gì lại muốn cho nước khác và Việt Nam không dân chủ; nước Pháp muốn độc lập và đã phấn đấu và hy sinh nhiều để giữ lấy độc lập, không có lý do gì lại muốn nước Việt Nam không được độc lập”..

Nhà báo Wilfred Graham Burchett trong một lần phỏng vấn Bác Hồ. (Nguồn: The Australian)

Đối với một số câu hỏi hóc búa, khiêu khích của phóng viên nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có cách ứng xử vừa bình tĩnh và khéo léo, vừa hóm hỉnh nhưng cũng đầy triết lý. Biết tin đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong tướng, một nhà báo Pháp phỏng vấn Người: “Xin Chủ tịch cho biết dựa trên nguyên tắc nào mà phong tướng cho các vị chỉ huy?”. Bác trả lời: “Chúng tôi đánh du kích chống thực dân Pháp nên cũng phong hàm một cách du kích. Ví dụ: cán bộ quân đội nào đánh thắng một quan ba Pháp thì phong hàm quan ba. Theo nguyên tắc này thì đồng chí Võ Nguyên Giáp của chúng tôi đáng lẽ phải được phong mấy lần Đại tướng và Đô đốc”.

Dành sự quan tâm đặc biệt với báo chí

Ngày 31/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Cộng hoà Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp. Trong những ngày ở thăm nước Pháp, Người đã có nhiều hoạt động đối ngoại nhằm tăng cường tình hữu nghị và đoàn kết quốc tế, sự hiểu biết giữa nhân dân Việt Nam với bạn bè và nhân dân các nước trên thế giới. Gần 4 tháng ở thăm Pháp, Người đã có hơn 60 cuộc tiếp xúc và trả lời phỏng vấn hơn 20 tờ báo nước ngoài. Có một số phóng viên đặt nhiều câu hỏi khó, nhưng khi nghe Người trả lời thì vẫn tán thành. Có vài tờ báo công kích Việt Nam, sau khi Người mời đến giải thích rõ ràng, thì họ thay đổi thái độ và đăng những bài viết đứng đắn.

Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt với việc tiếp xúc, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các nhà báo nước ngoài. Đối với họ, Người là một nhân vật quan trọng, một người bạn lớn. Những nhà báo quốc tế đã từng gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ cũng giữ lại ấn tượng sâu sắc và họ luôn tìm cách lý giải về phong cách thân thiện, lịch thiệp, sức cảm hóa kỳ lạ, trí tuệ uyên bác của Người. Người là nhân vật chính của nhiều số báo và tạp chí trên thế giới. Tạp chí Time (Mỹ) từng bình chọn Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20.

Thiện cảm lớn của báo giới

Nhà báo Stanley Karnow của Time viết: "Một thân hình gầy gò, áo khoác sờn và đôi dép cao su đã mòn, Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo nên hình ảnh Bác Hồ giản dị trong mắt người dân. Ông Hồ là một nhà cách mạng nhiệt thành, suốt đời đấu tranh cho mục đích duy nhất, đó là mang lại độc lập tự do cho dân tộc". Báo Le Figaro (Pháp) bình luận: “Cụ Hồ là người đã buộc Pháp phải bỏ thuộc địa quan trọng nhất là Đông Dương… Cụ là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất và làm cho chúng ta kinh ngạc nhất thế kỷ chúng ta”. Thông tấn xã TASS (Liên Xô) nhận định: “Hồ Chí Minh là hiện thân của những phẩm chất tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam và giá trị của toàn nhân loại; đó là trí tuệ, tài năng, sự khiêm tốn và sự giản dị”.

Nhà báo Mỹ Harrison Salisbury sau khi được gặp Người, đã viết: “Cụ sống giản dị và khắc khổ tại căn buồng phụ nhỏ và đơn sơ sau dinh toàn quyền cũ ở Hà Nội, rất lịch thiệp khi uống trà với khách, tặng một bông hồng đối với khách nữ, nói một câu đùa hài hước đối với khách nam, tất cả đều là nhân tố của thần thoại và truyền thuyết”. Tạp chí Time số ngày 9/9/1946 có bài Hồ Chí Minh là ai? (Ho Chi Minh, Who are You) cũng đề cập: “Ông Hồ xuất hiện với dáng người nhỏ bé và thường tặng hoa cho các nữ ký giả”.

Trong hồi ức của mình, nhà báo Australia W. Burchett kể lại một lần được gặp vị lãnh tụ chính phủ Việt Nam kháng chiến: “Bác Hồ đặt ngửa chiếc mũ trên bàn. Đưa những ngón tay gầy guộc theo vành mũ và nói: Tình hình thế này, đây là những ngọn núi mà lực lượng chúng tôi nắm giữ. Dưới kia là thung lũng Điện Biên Phủ. Đó là nơi đóng quân của người Pháp với những đội quân thiện nghệ nhất mà họ có tại Đông Dương… Và họ sẽ không bao giờ rút ra được”. “Vậy đây chính là Stalingrad ở Đông Dương?” – nhà báo Burchett hỏi, và Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời: “Căn cứ vào điều kiện ở đây thì đúng như vậy. Nói khiêm tốn thì đó là một điều gì đó giống như thế”. Nhà báo Burchett sau này nhiều lần đến Việt Nam đã đưa ra nhận xét:“Cảm giác đầu tiên của tôi là sự thân mật, ấm áp và giản dị. Hồ Chủ tịch có khả năng khiến người ta thấy nhẹ nhõm, ngay từ khoảnh khắc đầu tiên và trình bày những vấn đề phức tạp nhất chỉ trong vài từ và cử chỉ rõ ràng”.

Nhà báo Pháp Madeleine Riffaud nhớ như in lần đầu gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946, Người động viên chị: “Bây giờ con hãy làm việc, học tập. Khi nào trở thành nhà báo, con hãy sang Việt Nam. Bác sẵn sàng đón con bất cứ lúc nào, như con gái của Bác”. 8 năm sau, chị gặp lại Bác ở Hà Nội. Người đã tặng chị hai tấm lụa để may hai chiếc áo mặc mỗi khi sang Việt Nam. Còn nhà văn Nga Mariani Tsêkhốp mỗi khi nhớ tới bữa cơm rau, dưa, đĩa cá kho và ly rượu thuốc cùng Người năm 1962, vẫn cảm động: “Hồ Chí Minh là bậc đại tài, đại nhân, đại đức. Hồ Chí Minh là vĩ nhân có một không hai. Nhân dân Việt Nam thật hạnh phúc được bước trên con đường đi đến tương lai do người khai sơn phá thạch”.

Ngày 14/7/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời cuộc phỏng vấn báo chí nước ngoài cuối cùng với nữ phóng viên báo Granma (Cuba) Marta Rohat. Mục đích phóng viên gặp để phỏng vấn Người, song Bác đã chủ động giới thiệu tất cả về tình hình chính trị, kinh tế và xã hội Việt Nam. Sau khi ân cần hỏi thăm phóng viên về tình hình Cuba,  Người nói: “Đồng chí muốn biết tình cảm của tôi đối với miền Bắc và miền Nam phải không? Tôi nghĩ tôi chưa làm tròn nghĩa vụ cách mạng của tôi đối với đồng bào miền Nam. Mặc dù như vậy, tôi biết rằng, đồng bào miền Nam vẫn yêu quý tôi cũng như tôi luôn yêu quý đồng bào. Ở miền Nam tôi không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ... Tôi yêu đồng bào ở miền Bắc cũng như đồng bào ở miền Nam. Tôi hiến cả đời cho dân tộc tôi”.  

Vũ Việt Dũng

Phó Giám đốc Trung tâm Hướng dẫn Báo chí Nước ngoài -Bộ Ngoại  giao