![]() |
Nhiều kiều bào rất quan tâm đến việc mua nhà tại Việt Nam. |
Xin ông cho biết ý nghĩa của việc Chính phủ ban hành Nghị định 71/2010/NĐ-CP?
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2008 tại 10 địa phương trên cả nước mới có hơn 140 trường hợp người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) mua nhà theo Điều 126 của Luật Nhà ở. Con số này so sánh với hơn 3 triệu Việt kiều trên toàn thế giới thể hiện tỉ lệ chênh lệch quá lớn. Nhu cầu về nhà ở của bà con kiều bào là rất lớn. Tuy nhiên, họ không thể mua và đứng tên sở hữu nhà ở bởi hai nguyên nhân cơ bản là vướng mắc trong việc xác định các loại giấy tờ chứng minh đối tượng NVNONN và quy định hạn chế đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Việc ban hành Nghị định 71/2010/NĐ-CP đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình giải quyết vướng mắc về thủ tục mua nhà tại Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo bà con. Điểm quan trọng nhất của Nghị định là mở rộng đối tượng và quyền sở hữu nhà của NVNONN. Nghị định cũng quy định cụ thể các loại giấy tờ chứng minh cần thiết, trình tự thủ tục và nơi tiếp nhận xử lý các loại giấy tờ này.
Sự ra đời của Nghị định 71 là bước cụ thể hóa thực tế nhất chủ trương của Đảng về chính sách với NVNONN theo tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, đảm bảo sự hợp lý về quyền sở hữu nhà ở giữa công dân Việt Nam ở trong nước với công dân Việt Nam ở nước ngoài, khuyến khích kiều bào trở về quê hương và đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Các quy định cụ thể trong Nghị định cũng sẽ góp phần hạn chế được những tranh chấp, khiếu nại xảy ra do tình trạng nhờ người thân, bạn bè đứng tên mua nhà ở tại Việt Nam.
Nhiều kiều bào cho biết nếu được mua nhà sẽ sớm về nước để làm ăn sinh sống. Theo ông, việc rộng đường cho NVNONN sở hữu nhà sẽ có tác động như thế nào đến thị trường bất động sản? Liệu sẽ có một làn sóng mua nhà, căn hộ hoặc đất đai hay chỉ là tình trạng “nói nhiều, mua chẳng bao nhiêu”?
Trước khi Luật số 34/2009/QH12 của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật Nhà ở và Điều 121 Luật Đất đai được thông qua, có một số ý kiến cho rằng việc mở rộng đối tượng và điều kiện sở hữu nhà tại Việt Nam của NVNONN sẽ có tác động đến giá nhà ở trong nước. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cũng như thực tiễn cho thấy, hiện nay nguồn cung về nhà ở cho thị trường bất động sản trong nước là tương đối nhiều. Trong khi đó, phải nhận thức rằng khi chính sách này được ban hành thì không phải tất cả NVNONN sẽ thực hiện mua nhà mà chỉ có một số đối tượng có nhu cầu thực sự, có năng lực tài chính và có đủ điều kiện theo quy định mới được sở hữu nhà tại Việt Nam.
Mặt khác, trên thực tế cũng đã có nhiều trường hợp nhờ người thân mua và đứng tên sở hữu, sau khi có chính sách này thì họ sẽ thực hiện hợp thức hóa việc sang tên, chứ không phải mua mới.
Trong trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài có các hành vi vi phạm để được sở hữu nhiều hơn một nhà ở Việt Nam thì sẽ bị xử phạt như thế nào?
Theo Điều 69, chương V của Nghị định 71/2010/NĐ-CP, khi NVNONN có các hành vi vi phạm để được sở hữu nhiều hơn một nhà ở tại Việt Nam thì sẽ không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở đó; nếu đã được cấp giấy chứng nhận thì phải thực hiện bán nhà ở đó trong thời hạn 120 ngày kể từ ngày hành vi vi phạm bị phát hiện, đồng thời bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, phát triển nhà ở.
Trường hợp quá thời hạn quy định mà người có hành vi vi phạm chưa bán nhà thì bị thu hồi giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở đã được cấp.
Xin cảm ơn ông!
Vinh Hà (Thực hiện)
Đối tượng NVNONN được sở hữu nhà ở như người VN trong nước (không hạn chế về số lượng): - Người có quốc tịch VN (gồm người mang hộ chiếu VN và người mang hộ chiếu nước ngoài nhưng có giấy tờ chứng minh có quốc tịch VN). - Người gốc VN thuộc các diện: người về đầu tư trực tiếp tại VN theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của VN có nhu cầu và đang làm việc tại VN; người có vợ hoặc chồng là công dân VN sinh sống ở trong nước.
Đối tượng chỉ được sở hữu 1 nhà ở riêng lẻ hoặc 1 căn hộ chung cư tại VN là người có gốc VN nhưng không thuộc các diện nêu trên và có Giấy miễn thị thực do cơ quan có thẩm quyền của VN cấp. |