Nhỏ Bình thường Lớn

Nghị định mới về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Ngoại giao

Ngày 11/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 17/2014/NĐ-CP, thay thế Nghị định 157/2006/NĐ-CP ngày 27/12/2006 quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngoại giao.
Lãnh đạo Thanh tra các Bộ, ngành thuộc Khối Văn hóa - Xã hội (Khối III) tham gia ký Giao ước thi đua năm 2014, tại TP. Huế.

Nghị định 17/2014/NĐ-CP (NĐ 17) quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngoại giao gồm 06 Chương và 31 Điều. Nội dung của Nghị định có nhiều điểm mới hơn so với Nghị định 157/2006/NĐ-CP (NĐ 157) ngày 27/12/2006, đặc biệt liên quan đến chức năng thanh tra chuyên ngành Ngoại giao.

Nghị định mới nêu rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan có chức năng thanh tra chuyên ngành Ngoại giao gồm Thanh tra Ngoại giao, Thanh tra Sở Ngoại vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (thanh tra về công tác người Việt Nam ở nước ngoài).

Nội dung thanh tra chuyên ngành Ngoại giao đã được cụ thể hóa tại Điều 15, bao gồm những hoạt động đối ngoại thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao. Cụ thể, Nghị định quy định các cơ quan có chức năng thanh tra ngoại giao thực hiện thanh tra các nội dung sau:

(1) Về công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, thanh tra việc tuân thủ các quy định pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế theo quy định của pháp luật; Việc tuân thủ các quy định pháp luật về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.

(2) Về công tác quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế ở Việt Nam, thanh tra việc cấp phép tổ chức hội nghị, hội thảo và việc thực hiện các quy trình tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế theo quy định của pháp luật.

(3) Về quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam, thanh tra việc cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung và thu hồi giấy đăng ký hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; Việc tuân thủ các nội dung theo giấy đăng ký hoạt động của các tổ chức này.

(4) Về công tác lãnh sự, thanh tra việc cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, hủy hộ chiếu, cấp thị thực và thực hiện các quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh thuộc đối tượng do Bộ Ngoại giao quản lý theo quy định của pháp luật; Việc chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự, công chứng, chứng thực và ủy thác tư pháp theo quy định của pháp luật; Việc thực hiện các quy định của pháp luật về quốc tịch, hộ tịch của công dân Việt Nam và người nước ngoài thuộc đối tượng do Bộ Ngoại giao quản lý và việc thực hiện các công việc lãnh sự khác theo quy định của pháp luật.

(5) Về công tác lễ tân, thanh tra việc thực hiện các quy định về nghi lễ đối ngoại trong công tác tổ chức đoàn đi công tác nước ngoài, đón tiếp khách nước ngoài, đoàn ngoại giao và tổ chức quốc tế; Việc thực hiện các quy định, chế độ ưu đãi, miễn trừ dành cho các Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự, Cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc, Tổ chức quốc tế liên chính phủ tại Việt Nam và thành viên của các Cơ quan đại diện này.

(6) Về công tác thông tin đối ngoại, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động của văn phòng thường trú báo chí nước ngoài tại Việt Nam và việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động báo chí của phóng viên nước ngoài thường trú và không thường trú tại Việt Nam.

(7) Về công tác ngoại giao kinh tế, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác ngoại giao kinh tế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao và Sở Ngoại vụ.

(8) Về công tác ngoại giao văn hoá, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác ngoại giao văn hóa thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao và Sở Ngoại vụ.

(9) Về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia, thanh tra việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra chuyên ngành về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia.

(10) Về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực công tác về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao.

Bên cạnh đó, NĐ 17 cũng quy định rõ thẩm quyền và phân cấp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra chuyên ngành Ngoại giao. Trong đó, Thanh tra Bộ Ngoại giao thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Ngoại giao (Điều 14, Khoản 1). Đồng thời, Thanh tra Bộ thực hiện thanh tra chuyên ngành ngoại giao đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh và tại các tỉnh, thành chưa lập Sở Ngoại vụ về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao (Điều 10 và Điều 16). Thanh tra các Sở Ngoại vụ, tiến hành thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Sở Ngoại vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 14, Khoản 2), trong đó có nội dung thanh tra chuyên ngành Ngoại giao. Còn Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thực hiện chức năng thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực công tác về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc phạm vi quản lý của Bộ Ngoại giao (Điều 15, Khoản 10).

Về trách nhiệm phối hợp và báo cáo giữa các cơ quan thanh tra Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức khác, Nghị định mới quy định rõ: Thanh tra Bộ Ngoại giao chịu sự hướng dẫn về nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ; báo cáo Thanh tra Chính phủ về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các Bộ, ngành, Thanh tra tỉnh, Giám đốc Sở Ngoại vụ, Thanh tra Sở và các cơ quan khác trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Trong khi đó, Thanh tra Sở Ngoại vụ chịu sự hướng dẫn về nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ Ngoại giao, về nghiệp vụ thanh tra hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của Thanh tra tỉnh; báo cáo Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định. Có trách nhiệm phối hợp, cử người tham gia các đoàn thanh tra do Chánh Thanh tra Bộ hoặc Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định thành lập khi có yêu cầu. Phối hợp với Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra các Sở và các cơ quan khác ở địa phương trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Còn Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài báo cáo Thanh tra Bộ Ngoại giao về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi trách nhiệm để Thanh tra Bộ tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Tổng Thanh tra Chính phủ (Điều 22 và 29).

Nghị định mới quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan có chức năng thanh tra ngoại giao, gồm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chánh Thanh tra Bộ Ngoại giao; Giám đốc Sở Ngoại vụ và Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đối với công tác thanh tra Ngoại giao, trong đó có việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thanh tra trong phạm vi thuộc thẩm quyền quản lý; chỉ đạo việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch thanh tra; xử lý kịp thời các kết luận và kiến nghị về công tác thanh tra; kiện toàn tổ chức, bố trí cán bộ và chỉ đạo đảm bảo điều kiện cho công tác thanh tra Ngoại giao (Điều 26, 27 và 28).

Nghị định cũng quy định trách nhiệm và quyền của các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng của thanh tra Ngoại giao và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra (Điều 29, Khoản 3).

Nghị định 17/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 2/5/2014.


"Việc Nghị định 17/2014/NĐ-CP ra đời có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra toàn ngành Ngoại giao, đóng góp quan trọng vào việc triển khai tốt chức năng quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao đối với công tác đối ngoại", đó là khẳng định của bà Ngô Thị Hòa, Vụ trưởng, Chánh Thanh tra Bộ Ngoại giao.

Theo bà Ngô Thị Hòa, qua hơn sáu năm triển khai thực hiện Nghị định 157/2006/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra Ngoại giao, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tại Bộ Ngoại giao đã đi vào nề nếp với chất lượng và hiệu quả ngày càng được nâng cao. Các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra Ngoại giao được củng cố và tăng cường cả về tổ chức bộ máy lẫn đội ngũ cán bộ.

Tuy nhiên, với sự ra đời của Luật Thanh tra năm 2010 cùng với những yêu cầu đòi hỏi của công tác thanh tra, kiểm tra trong tình hình mới, Nghị định 157 đã bộc lộ một số hạn chế nhất định, nhất là chưa quy định rõ ràng, cụ thể về đối tượng, phạm vi và nội dung cho công tác thanh tra chuyên ngành Ngoại giao. Vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 17/2014/NĐ-CP ngày 11/3/2014 vừa qua, thay thế Nghị định 157, là một thực tiễn khách quan cần thiết.

Có thể nói, các quy định tại Nghị định mới này sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai tổ chức thực hiện công tác thanh tra Ngoại giao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đối ngoại ở cả cấp Bộ và cấp địa phương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra toàn ngành; đảm bảo thanh tra Ngoại giao phục vụ thiết thực hoạt động thống nhất quản lý đối ngoại thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao. Đặc biệt, Nghị định mới này cũng sẽ giúp Thanh tra các Sở Ngoại vụ địa phương định hướng, xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động thanh tra, nhất là thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực đối ngoại.



Thiên Phước
(giới thiệu)