Kiều bào Trần Hữu Quê (trái) chia sẻ với kiều bào Đỗ Nhật Anh (Slovakia) về kinh nghiệm kinh doanh hàng may mặc ở Đông Âu, trong chuyến đi Đại Lải |
Chỉ có cơ hội trò chuyện với Trần Hữu Quê trong vài chục phút giải lao, xen giữa những hoạt động dày đặc của chương trình Xuân Quê hương 2015 tại miền Bắc của Đoàn kiều bào, nhưng cũng đủ để tôi hiểu: trụ vững được ở thị trường khu vực Balkan, trong bối cảnh hiện nay là một thách thức không đơn giản đối với bà con cộng đồng người Việt nơi đây.
Bán gì từ Việt Nam?
Sang Bulgaria từ năm 1988 trong chương trình hợp tác xuất khẩu lao động giữa hai nước, Trần Hữu Quê đã sớm tỏ ra nhạy bén với thay đổi của thời cuộc. Nếu như thời điểm anh mới sang lao động, một tấm vải làm quà được gửi về Việt Nam có giá trị vô cùng lớn thì đến năm 1990, khủng hoảng chính trị khiến sau đó đất nước này lâm vào tình trạng vô cùng khan hiếm hàng hóa. Trong khi đó, Việt Nam lại đang bước vào thời kỳ mở cửa, nhân công rẻ, việc làm thiếu, hàng hóa sản xuất ra rất cần thị trường tiêu thụ. Trần Hữu Quê suy nghĩ: Đem gì ở Việt Nam sang bán? Thứ gì bán chạy nhất ở đây để có thể giải quyết được công ăn việc làm cho bà con nơi quê nhà?...
Đó là cơ duyên để Công ty QDICO-Ltd ra đời với những chuyến hàng may mặc đầu tiên được chuyển bằng đường máy bay. Chỉ ba năm sau đó, những container đầu tiên đầy hàng đã được đều đặn chuyển từ Việt Nam sang Đông Âu – với số lượng trung bình từ 900-1000 tấn/năm ổn định kể từ đó đến nay.
Anh cho biết: “Nắm được thị hiếu tiêu dùng cũng như túi tiền của số đông người dân Bulgaria, tôi đã khởi nghiệp đưa mặt hàng may mặc của Việt Nam sang phân phối tại thị trường này trong suốt 20 năm nay và cũng tự hào là một trong những người chỉ kinh doanh duy nhất mặt hàng Made in Vietnam. Người dân khu vực Balkan còn nghèo, vì thế, nhiều người kinh doanh đồ may mặc hoặc giày dép cao cấp không gặp nhiều thuận lợi. Tôi trung thành với hàng may mặc bình dân nên có lượng khách hàng đông đảo và ổn định”.
Dựa vào dân sở tại
Khi biết về số lượng hàng mà Trần Hữu Quê xuất được mỗi năm, nhiều người cảm thấy khó tin khi biết rõ về bối cảnh kinh tế khu vực.
Anh giải thích: “Bao nhiêu năm nay, tôi không bán lẻ mà chỉ bán buôn nên đã xây dựng được hệ thống bạn hàng người bản địa phân phối sản phẩm cho mình. Họ thông thạo địa bàn cũng như thị hiếu và là cánh tay phải của mình. Họ cũng biết rõ mình được hưởng bao nhiêu lãi trong số hàng bán cho họ. Nên để xây dựng được mối quan hệ làm ăn lâu dài thì nguyên tắc của tôi là không tham lãi để xây dựng hệ thống phân phối bền vững cho mình. Vì thế, hàng cứ sang đến nơi là bạn hàng của tôi từ các nước trong khu vực tự đánh xe sang lấy chứ bản thân tôi không thể tự phân phối được ngần ấy quần áo mỗi năm”.
Ở đâu cũng thế, việc kinh doanh hàng tiêu dùng không chỉ đòi hỏi sự nhạy cảm về xu hướng, mẫu mã và chất lượng hàng mà còn cần nắm rõ nhu cầu của người tiêu dùng. Vì thế, phương châm của QDICO là: bán cái người tiêu dùng thích, bán cái người tiêu dùng cần chứ không bắt người ta tiêu dùng sản phẩm theo ý muốn chủ quan của mình. Những sản phẩm của QDICO đã đi vào thị hiếu của người tiêu dùng bản địa như thế.
Trở thành cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam sang các nước khu vực Balkan, Trần Hữu Quê đã vinh dự trở thành một trong 42 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu khu vực châu Âu năm 2009 được Bộ Công Thương vinh danh trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nhân Việt kiều châu Âu lần thứ tư tại Berlin (Đức).
Hiện nay, bối cảnh khó khăn chung của kinh tế khu vực Đông Âu cũng khiến bà con người Việt làm ăn tại đây gặp nhiều khó khăn. Trần Hữu Quê cho biết: “Bà con kinh doanh theo phương châm cầm cự là chính vì đồng Rúp và đồng Euro rớt giá nên mỗi container hàng sang đến nơi, bà con bị lỗ ít nhất 25.000 USD. Thời gian này, QDCO tập trung nghiên cứu mẫu mã mới, đợi khi tình hình khá hơn mới tung ra thị trường”.
Khánh Nguyễn