Việt Nam đang trên đường chinh phục mục tiêu đó, nhằm nâng thứ hạng từ thứ 6 trong 10 nước ASEAN, lên ít nhất là thứ 4. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau ba năm triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã có sự cải thiện và tăng hạng đáng kể. Việc tăng thứ hạng liên tục, phản ánh nỗ lực của Chính phủ trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng vào sân chơi toàn cầu.
Không có Bộ, ngành nào đứng ngoài guồng quay chung với Chính phủ. (Nguồn: Baodauthau) |
Kết quả không bất ngờ
Việt Nam đang cải cách mạnh mẽ cho mục tiêu cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh hướng tới doanh nghiệp và nhà đầu tư. Trong bảng Xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 – 2018 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố, Việt Nam vươn lên xếp hạng 55/137 nền kinh tế. Đây là vị trí cao nhất từ trước tới nay, giúp khả năng cạnh tranh của Việt Nam tăng 20 bậc trong vòng 5 năm.
Báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam của các tổ chức ADB, WB, IMF đều có chung nhận định: “Kinh tế vĩ mô Việt Nam đang ổn định, cải cách mạnh mẽ và đúng hướng, lạm phát được giữ ở mức thấp, cán cân thanh toán cân đối, tỷ giá được điều hành tốt... là lợi thế của Việt Nam”.
Cụ thể hơn, phân tích của WEF nêu bật, Việt Nam đã có những cải thiện đáng chú ý trong mức độ sẵn sàng về công nghệ, tính hiệu quả của thị trường lao động. Bên cạnh đó, thương mại cũng là một yếu tố lớn giúp Việt Nam thăng hạng, khi đứng thứ 7 về tỷ lệ nhập khẩu so với GDP và thứ 11 về tỷ lệ xuất khẩu. Những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đã giúp số doanh nghiệp thành lập mới đạt mức tăng cao nhất từ năm 2013 tới nay.
Trong 9 tháng, cả nước có thêm 93.967 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 902.680 tỷ đồng, tăng 15,4% về số doanh nghiệp và tăng 43,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn nhiều việc phải làm
Được biết, để có kết quả xếp hạng, WEF đã khảo sát 137 nền kinh tế dựa trên 12 tiêu chí về khả năng cạnh tranh, chia thành ba nhóm chính, gồm: Yếu tố căn bản (kinh tế vĩ mô, giáo dục cơ bản - y tế, cơ sở hạ tầng, thể chế); Các yếu tố nâng cao hiệu suất (giáo dục và đào tạo bậc cao, hiệu quả trên thị trường lao động, hiệu quả trên thị trường hàng hóa, sự phát triển của hệ thống tài chính, trình độ công nghệ, quy mô thị trường) và các yếu tố về khả năng đột phá.
Tuy nhiên, khi áp các chỉ số trên vào thực tế Việt Nam, hiện mới có 45% doanh nghiệp có công nghệ trung bình thấp và chỉ khoảng 2% doanh nghiệp có trình độ cao, trong khi công nghệ hiện đại mới là chìa khóa để nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, giảm giá thành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, cũng như doanh nghiệp trong tương lai. Điều này thể hiện qua sự giảm điểm và bậc về chất lượng và số lượng doanh nghiệp cung ứng, mức độ phát triển cụm ngành. Ngoài ra, vẫn còn 4/12 chỉ số chính giảm bậc, cho thấy kết quả trên chưa bảo đảm tính bền vững, thể hiện ở sự suy giảm mức độ cạnh tranh của chính sách chống độc quyền.
Trong khi đó, tốc độ cải cách của Việt Nam so với một số nền kinh tế trong khu vực chưa thật sự nổi trội. Những năm gần đây, dù thăng hạng liên tục, nhưng Việt Nam vẫn chỉ ở nhóm trung bình của bảng xếp hạng, sau 4 nước ASEAN là Singapore (thứ 3), Malaysia (thứ 23), Thái Lan (thứ 32), Indonesia (thứ 36). Báo cáo của WEF cũng lưu ý rằng, trình độ phát triển kinh doanh của Việt Nam tuy có mức tăng điểm nhẹ (0,1 điểm), nhưng thứ hạng giảm 4 bậc (từ vị trí 96 xuống 100).
Ngay cả quyết định lịch sử, được coi là mạnh tay nhất từ trước đến nay của Bộ Công Thương khi xóa bỏ 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước (cắt giảm khoảng 55%), thì các nước trong khu vực đã không cho phép các điều kiện này tồn tại từ khá lâu. Cải cách của họ đã bắt đầu đi vào cấp độ cao hơn, đó là động viên, khích lệ và tăng thêm giá trị gia tăng cho các đối tượng được điều chỉnh.
Thêm áp lực mới về tư duy
Nghị quyết 19/NQ-CP ngay từ khi mới ra đời đã được đánh giá chứa đựng nhiều kỳ vọng. Qua mỗi năm, các kỳ vọng mới cao hơn lại được đặt ra để đáp ứng với tình hình phát triển chung của thế giới. Bởi vậy, không ít ý kiến lo ngại về khả năng hiện thực hóa các kỳ vọng. Nhưng những mục tiêu như vậy không thể không được thực hiện, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang vào giai đoạn then chốt của quá trình tái cơ cấu và hội nhập quốc tế sâu rộng. Sự bứt phá hay "hụt chân" của môi trường kinh doanh trong lúc này sẽ quyết định vị trí của Việt Nam trên bản đồ đầu tư - kinh doanh thế giới.
Hơn thế, việc thực hiện được những mục tiêu đầy tham vọng này sẽ tạo nên những thay đổi về bản chất trong tư duy ứng xử của nhà nước với các hoạt động đầu tư – kinh doanh của doanh nghiệp – nhân tố quan trọng quyết định chất lượng của cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà Chính phủ kiến tạo và hành động đang quyết tâm đẩy mạnh.
Nhìn vào những nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết nêu ra, cho thấy những yêu cầu thay đổi về thủ tục hành chính, các quyết định cắt bỏ hay bổ sung, phối hợp thủ tục giữa các cơ quan nhà nước phải dựa trên tư duy về cơ cấu mới của nền kinh tế, mô hình tăng trưởng, cũng như nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế… Như vậy, sẽ không có bộ, ngành nào đứng ngoài guồng quay chung, khi Chính phủ đã nêu đích danh từng cơ quan với các phần công việc phải làm trong từng năm.
Tuy nhiên, vẫn có những phần việc bị đánh giá chưa hoàn thành đúng như yêu cầu. Một số cuộc đối thoại tìm giải pháp giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp về điều kiện kinh doanh vẫn bế tắc... Giới quan sát cho rằng, giải quyết được bế tắc này mới thực sự là khó khăn. Đó chính là quá trình cải cách tư duy từ mỗi công chức khi thực thi công vụ.