Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016 vừa được Chính phủ ban hành.
Theo đó, Chính phủ quyết nghị một số nhiệm vụ cần triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ. Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật kỷ cương, phát huy dân chủ mạnh mẽ gắn với thượng tôn pháp luật.
Từng thành viên Chính phủ nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Tăng cường trách nhiệm trong phối hợp công tác. Thường xuyên nắm bắt thông tin, chủ động, phối hợp xử lý những vấn đề đột xuất, phát sinh và những vấn đề bức xúc mà dư luận xã hội quan tâm.
Bên cạnh đó, đổi mới công tác tuyển dụng, đào tạo, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức; phân công đúng người, đúng việc, tạo môi trường công tác tốt để phát huy năng lực sở trường của cán bộ, công chức. Tập trung rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cải cách công vụ, công chức. Phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách nhà nước và tài sản công.
Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, chính quyền địa phương thẳng thắn nhìn nhận, kiểm điểm, rút kinh nghiệm về những tồn tại, hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra qua tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016; đánh giá đúng thuận lợi và khó khăn, nhận diện thời cơ và thách thức; không lùi bước trước mọi khó khăn, quyết tâm phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu đã đề ra, đổi mới mạnh mẽ, cải tiến lề lối làm việc, hành động bằng những việc làm cụ thể, có tính đột phá, tạo chuyển biến và hiệu quả rõ rệt trong công tác quản lý nhà nước cũng như vai trò chủ động của từng cấp, từng ngành, trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Khẩn trương triển khai chương trình hành động về phát triển KTXH
Trước mắt, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết số 64/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết số 63/NQ-CP về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh với tư cách người đứng đầu, phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý nhà nước và kết quả triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 8 năm 2016.
Từng Bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng và ban hành chương trình hành động nhiệm kỳ 2016 - 2021, trong đó thể hiện rõ nội dung, nhiệm vụ, thời hạn, xác định rõ cá nhân, đơn vị chịu trách nhiệm; xây dựng Quy chế làm việc của Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân, trong đó quy định rõ ràng, minh bạch quy trình, trách nhiệm, thời hạn xử lý công việc ở từng khâu và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc ngay trong tháng 8 và 9 năm 2016.
Hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ
Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Quy chế làm việc của Chính phủ, trình Chính phủ xem xét, thông qua tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2016.
Các Bộ, cơ quan theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương hoàn thiện các Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, ngành, lĩnh vực, các Chương trình mục tiêu quốc gia, 21 Chương trình mục tiêu và các đề án lớn theo Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành trong tháng 8/2016. Trên cơ sở Nghị định này, từng Bộ, cơ quan ngang Bộ khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của mình, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 9 và 10 năm 2016.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách
Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương ra sức khắc phục khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra; đồng thời phát huy tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực theo Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ đã đề ra; tiếp tục quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính, gắn với xây dựng Chính phủ điện tử ở tất cả các ngành, các cấp; tháo gỡ rào cản, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất.
Bộ Tài chính xây dựng đề án cơ cấu lại thu chi ngân sách và nợ công theo hướng bảo đảm an toàn, bền vững trình Chính phủ trong tháng 9/2016. Chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, chống thất thu, chuyển giá, triệt để tiết kiệm chi. Kiểm tra, chấn chỉnh ngay việc hoàn thuế giá trị gia tăng và đề xuất phương án hoàn thuế nhanh, kịp thời, thuận lợi cho doanh nghiệp, theo hướng cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng trước, kiểm tra sau, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2016.
Chấn chỉnh, xử lý vi phạm việc lạm thu, gian lận phí BOT
Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ quản lý ngành củng cố, phát triển thị trường xuất khẩu; tận dụng cơ hội và phát huy lợi thế khi tham gia thị trường ASEAN và các thị trường tiềm năng khác, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường; đồng thời kiểm soát nhập khẩu. Rà soát cơ chế thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa trong nước thông qua hệ thống phân phối bán lẻ; chú trọng phát triển thương mại biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, nhất là hàng hóa nông sản.
Bộ Giao thông vận tải đề xuất giải pháp giảm gánh nặng chi phí vận tải nội địa cho người dân và doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2016. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án công trình, giao thông sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ được giao trong kế hoạch năm 2016. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm việc lạm thu, gian lận phí BOT.
Khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 1, số 2
Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 1, số 2 và nhanh chóng khôi phục sản xuất, đời sống của Nhân dân. Chỉ đạo quyết liệt phát triển trồng trọt, chăn nuôi để lấy lại đà tăng trưởng nông nghiệp từ nay đến cuối năm. Có giải pháp cụ thể bảo đảm đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như: giống, thuốc trừ sâu, phân bón… Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chỉ đạo vận hành an toàn các hồ chứa thủy lợi và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, nhất là trong mùa mưa bão. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan liên quan và 04 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển triển khai bồi thường cho người dân bị thiệt hại công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường quản lý và có giải pháp phát triển đội ngũ hướng dẫn viên du lịch cho khách quốc tế. Tổ chức hội nghị toàn quốc về thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tháng 8/2016.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện tốt các chính sách trợ giúp xã hội, ưu đãi người có công với cách mạng, chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Chú trọng hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho người dân tại các vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố ô nhiễm môi trường biển.
Tập trung dập dịch sốt xuất huyết tại Tây Nguyên
Bộ Y tế tập trung chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, nhất là công tác xử lý dập dịch sốt xuất huyết tại Tây Nguyên. Nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh phục vụ Nhân dân. Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết, đánh giá năm học 2015 - 2016 để kịp thời có giải pháp điều chỉnh những hạn chế, bất cập mà dư luận xã hội quan tâm, trong đó lưu ý việc cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, bảo đảm vệ sinh cho học sinh tại trường học. Tập trung chỉ đạo công tác chuẩn bị cho năm học mới 2016 - 2017. Nghiên cứu, đổi mới chế độ học phí cấp phổ thông, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2016.
Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tiến độ xây dựng và thu hút đầu tư vào 3 khu công nghệ cao quốc gia tại Hòa Lạc, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Tích cực triển khai thực hiện Đề án hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nâng cao chất lượng công tác dự báo khí tượng thủy văn
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thanh tra, kiểm tra, tổng hợp báo cáo Chính phủ về thực trạng ô nhiễm môi trường; tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường trong tháng 8/2016; xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo vệ môi trường và kiểm soát ô nhiễm, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2016. Tăng cường công tác quản lý khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên. Triển khai có kết quả chương trình môi trường biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh; thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu. Tổ chức rút kinh nghiệm công tác dự báo thời tiết; nâng cao chất lượng công tác dự báo khí tượng thủy văn phục vụ phòng, chống thiên tai.
Các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, nhất là tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp, làng nghề và tại các đô thị; xử lý nghiêm các vi phạm; đề cao trách nhiệm của từng cơ quan, cán bộ, công chức, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện công tác quản lý, giám sát bảo vệ môi trường.
Bộ Nội vụ báo cáo đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ, công khai hệ thống chỉ tiêu đánh giá, kết quả công việc của từng cơ quan ở Trung ương và địa phương. Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, lập Đề án thành lập cơ quan quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2016.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo dõi sát diễn biến, tình hình trên Biển Đông, chủ động xây dựng phương án ứng phó kịp thời. Bộ Công an chỉ đạo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân. Khẩn trương điều tra, xử lý, triệt phá các băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen, các vụ phá rừng trái phép, các đối tượng đầu nậu buôn lậu, hàng giả. Tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng.
Chủ động xây dựng giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn hệ thống thông tin
Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn các Bộ, cơ quan, địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý mã độc; chủ động xây dựng phương án, giải pháp kỹ thuật bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin; thường xuyên tổ chức diễn tập về an toàn thông tin mạng đối với những ngành, lĩnh vực trọng yếu. Đánh giá, sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 16/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 17/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác an ninh, an toàn thông tin mạng. Khẩn trương xây dựng phương án ứng cứu khẩn cấp, bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, cơ quan, địa phương, trong đó tập trung vào các Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/1/2016; Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016; Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 08/7/2016; Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015; tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ. Các Bộ, cơ quan, địa phương tự thành lập Tổ công tác rà soát, theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Chỉ đạo thực hiện hiệu quả giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh
Các Bộ, ngành, địa phương đề cao kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành chỉ đạo của Chính phủ; tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 gắn với việc thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; nắm bắt kịp thời và tháo gỡ ngay các vướng mắc. Trong đó, khẩn trương tháo gỡ, đổi mới việc quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; tập trung các vấn đề mà doanh nghiệp đang bức xúc và đang là thách thức đối với việc rút ngắn thời gian thông quan theo mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương chưa xây dựng, ban hành chương trình hành động, kế hoạch triển khai Nghị quyết 19-2016/NQ-CP phải kiểm điểm rút kinh nghiệm và khẩn trương xây dựng, ban hành trong tháng 8/2016.
Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP đối với một số Bộ, ngành và địa phương, tập trung vào những cơ quan có nhiều vấn đề ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, đang được cộng đồng doanh nghiệp và người dân quan tâm. Phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo cụ thể.
Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương chưa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 phải kiểm điểm rút kinh nghiệm, khẩn trương xây dựng, ban hành trong tháng 8/2016.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP tại các Bộ, ngành, địa phương, định kỳ báo cáo Chính phủ theo quy định.