Phát biểu trong cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia và Chính sách đối ngoại thuộc Quốc hội Iran Heshmatollah Falahatpisheh, nghị sĩ Đức Thorsten Frei cho biết Berlin kêu gọi gia hạn JCPOA, đồng thời thúc giục Iran tiếp tục sự hiện diện của mình trong thỏa thuận quốc tế này. Quan chức này cũng khẳng định Đức cùng với nhiều nước châu Âu khác vẫn đang tìm kiếm cơ chế để cứu JCPOA.
Trước đó cùng ngày, tiếp Chủ tịch Heshmatollah Falahatpisheh, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Hội đồng quốc gia Áo Adreas Schieder cũng tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì JCPOA. Ông Schieder cho rằng những khó khăn thời gian qua cần được biến thành cơ hội mở ra những giải pháp giúp xây dựng các mối quan hệ đưa đến những triển vọng mới. Theo ông Schieder, gói các biện pháp do EU đề xuất nhằm đảm bảo Iran sẽ được hưởng các lợi ích kinh tế do thỏa thuận hạt nhân mang lại sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận cần các biện pháp mang tính thực tiễn.
Ông Heshmatollah Falahatpisheh. (Nguồn: Fars News) |
Về phần mình, trong các cuộc gặp, Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia và Chính sách đối ngoại thuộc Quốc hội Iran đều nhấn mạnh tới vai trò chính của EU trong việc cứu JCPOA, đồng thời khẳng định Iran sẽ chỉ tiếp tục tham gia thỏa thuận này nếu các cuộc đàm phán với các nước châu Âu chứng minh có hiệu quả. Ngoài ra, ông Heshmatollah Falahatpisheh kêu gọi EU đưa ra các đảm bảo cho Iran, đồng thời cho rằng sự hợp tác giữa các công ty châu Âu sẽ là một trong những yếu tố chứng minh cam kết của EU đối với thỏa thuận hạt nhân Iran.
Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi JCPOA và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran vốn đã được dỡ bỏ trước đó. Quyết định đơn phương trên đã vấp phải sự phản đối của các bên còn lại. Tuy nhiên, nhiều công ty nước ngoài đã bắt đầu thu hẹp hoạt động tại Iran để hạn chế những thiệt hại do có thể vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Theo giới phân tích, các doanh nghiệp châu Âu đầu tư lớn vào Iran sau khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ dần trong 3 năm qua bị thiệt hại nặng nề nhất từ quyết định này của Mỹ.