📞

Nghị sĩ Thái Lan đề xuất giải quyết tranh chấp đền Preah Vihear với Campuchia

Minh Vương 18:55 | 17/12/2023
Tranh chấp khu vực đền Preah Vihear vẫn là một điểm nóng trong quan hệ giữa hai nước láng giềng Đông Nam Á, Thái Lan và Campuchia.
Tranh chấp về ngôi đền Preah Vihear giữa Campuchia và Thái Lan đã có từ thế kỷ 19. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 16/12, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Sutin Klungsang cho biết 7 nghị sĩ đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) từ tỉnh Si Sa Ket (Đông Bắc Thái Lan) đã đệ đơn lên Thủ tướng Srettha Thavisin, đề nghị ông tìm cách đàm phán với Chính phủ Campuchia về việc tới thăm đền Preah Vihear ở biên giới Thái Lan.

Kiến nghị trên được đưa ra trong chuyến của ông Klungsang đi tới Pha Mor E Daeng ở huyện Kantharalak của tỉnh Si Sa Ket, nơi hàng rào xung quanh ngôi đền Preah Vihear đã bị khóa ở phía Thái Lan kể từ năm 2008. Hiện ngôi đền đang đóng cửa đối với tất cả du khách do xung đột biên giới và đại dịch Covid-19. Trước đó, Campuchia từng cho phép người Thái tiếp cận ngôi đền này trong ngày miễn thị thực.

Ông Sutin cho biết, phát triển du lịch nhiều hơn sẽ giúp kích thích hoạt động kinh tế ở biên giới, phù hợp với chính sách của Chính phủ, đồng thời bày tỏ hy vọng mối quan hệ tốt đẹp mà cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra có với cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen có thể giúp mở đường cho các cuộc đàm phán có thể có về vấn đề này.

Thiếu tướng Nut Sri-In, Chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm Suranaree của Thái Lan, cho biết việc mở cửa biên giới sẽ không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và cần quyết định từ Phnom Penh về vấn đề này.

Trước đó, ngày 24/11, chính quyền tỉnh Si Sa Ket đã có cuộc làm việc với Văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia về việc tạm thời mở cửa một đoạn biên giới. Kết quả sẽ được trình lên Chính phủ sau đó.

Tranh chấp khu vực đền Preah Vihear diễn ra từ cuối thế kỷ 19. Nhiều xung đột liên quan đến ngôi đền có từ thế kỷ 10 này càng gay gắt hơn sau khi Campuchia đăng ký nó là Di sản Thế giới với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) năm 2008.

Vì việc đăng ký không được Chính phủ Thái Lan ủng hộ thời điểm đó, căng thẳng lại bùng lên, từ tranh cãi giữa hai chính phủ tại cuộc họp của UNESCO ở Quebec, Canada, cho đến xung đột biên giới.

(theo Bangkok Post)