Phiên thảo luận thứ ba tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9. (Ảnh: TC) |
Trong bối cảnh hiện nay, thúc đẩy đa dạng văn hóa liên quan chặt chẽ tới các Mục tiêu phát triển bền vững, và sự phát triển văn hóa của các quốc gia. Ông Kamal Ait Mik cho rằng, đây là một chủ đề rất quan trọng, đặc biệt, cần hướng tới những người yếu thế như phụ nữ, trẻ em, những người di cư, thanh niên, người tàn tật.
Tin liên quan |
Đại biểu IPU đánh giá cao Chủ nhà Việt Nam tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 |
Các đại biểu tập trung thảo luận về vai trò của các nghị viện và nghị sĩ trẻ trong việc thúc đẩy sự tôn trọng đa dạng văn hóa trong thời đại chuyển đổi công nghệ và toàn cầu hóa. Hợp tác kỹ thuật số dựa trên đạo đức, giảm thiểu những hậu quả không mong muốn của Chuyển đổi số đối với quyền riêng tư, an ninh và phúc lợi, đồng thời tạo ra một môi trường và hệ sinh thái thuận lợi cho văn hóa và sự đa dạng văn hóa.
Các diễn giả đóng góp tham luận bao gồm: Tiến sĩ Maurizio Bona, cựu cố vấn của Tổng giám đốc Tổ chức Nghiên cứu vật lý hạt nhân châu Âu (CERN), giảng viên tại Đại học Pavie, Ý. Bà Gabriela Ramos, Phó Tổng Giám đốc Khoa học xã hội và nhân văn, UNESCO (video message); Giáo sư Jean Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội gặp gỡ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ICISE; Ông Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội Việt Nam; Ông Andy Williamson, nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Đổi mới của IPU; Đại diện Liên minh các nền văn minh của Liên hợp quốc.
Ông Kamal Ait Mik, thành viên Hạ viện Maroc và thành viên Ban lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU phát biểu điều hành phiên thảo luận. |
Nhận diện đa dạng văn hóa ở các góc nhìn
Tiến sĩ Maurizio Bona, người đã có thời gian tham gia xây dựng Liên minh Nghị viện IPU, chia sẻ về Hiến chương khoa học, công nghệ, đạo đức, theo đó khoa học, công nghệ tạo ra sự thay đổi lớn đối với toàn cầu; việc dự đoán sự phát triển của khoa học, công nghệ rất khó. Để giảm thiểu tác động tiêu cực từ sự phát triển này thì các nghị viện cần nhìn nhận vai trò của đạo đức trong quá trình phát triển kinh tế xã hội.
Về phía CERN, cơ quan này đang xây dựng một Hiến chương về đạo đức trong khoa học, công nghệ, dựa trên tinh thần bảo đảm, tôn trọng quyền con người. Đây cũng là tài liệu tham khảo để các nghị viện xây dựng các quy định về đạo đức trong khoa học công nghệ. Hiến chương quy định các hoạt động nghiên cứu không được phép vượt qua các tiêu chuẩn đạo đức đã được nêu ra, đây chính là giới hạn về đạo đức trong lĩnh vực nghiên cứu. Ông Maurizio Bona khẳng định, đây không phải là văn bản tồn tại mãi mãi mà sẽ được rà soát, điều chỉnh định kỳ phù hợp với các giai đoạn phát triển trên thế giới.
Ông Maurizio Bona cho biết, nhóm làm việc đã trao đổi với các nghị viện, nghị sĩ, cộng đồng nghiên cứu khoa học để cập nhật Hiến chương, quy định các tiêu chuẩn đạo đức trong nghiên cứu khoa học.
Bản dự thảo của Hiến chương sẽ được gửi cho các nghị viện tham khảo và hoàn thiện, dự kiến thông qua tại Đại hội đồng IPU năm 2024. Hiến chương giúp các nghị viện xác định cơ hội và thách thức, định hình tương lai dài hạn của thế giới, với sự phát triển khoa học công nghệ đang đóng vai trò tích cực hơn trong xã hội mà không lo ngại những rủi ro tiềm tàng.
Bà Gabriela Ramos, Phó Tổng giám đốc Khoa học Xã hội và Nhân văn của UNESCO cho biết, UNESCO tin rằng sự tham gia tích cực của người trẻ vào các vấn đề chính trị đem lại nhiều hiệu quả, tiến triển tích cực. UNESCO đã có nhiều nỗ lực, kế hoạch cụ thể để khuyến khích người trẻ tham gia giải quyết các vấn đề lớn, tăng cường vai trò của người trẻ, đưa ra những công cụ, khuôn khổ phù hợp để tăng cường đối thoại chính trị, thúc đẩy sự tham gia của thanh niên một cách bao trùm.
Với sự trợ giúp của các công cụ, khuôn khổ, sự đào tạo kỹ năng về truyền thông số, người trẻ có thể tiếp cận được những kỹ năng cần thiết của thế kỷ XXI để tạo ra sự thay đổi. UNESCO sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác để thúc đẩy việc nâng cao bộ kỹ năng cho thanh niên, đồng thời cũng tin tưởng rằng thế hệ thanh niên sẽ hiểu biết, có trách nhiệm, có ý thức sử dụng các công cụ một cách đúng mục đích, phòng ngừa các rủi ro để hướng tới sự phát triển bền vững.
Chia sẻ về sự quan trọng và cần thiết của khoa học, công nghệ trong phát triển bền vững, đại diện Việt Nam, Giáo sư Trần Thanh Vân cho biết, kiến thức khoa học cần sự chung tay của các nghị viện, các nhà chính sách và các doanh nghiệp để có thể phát triển và định hướng.
Theo Giáo sư, tại Hội nghị Khoa học vì hòa bình, các nghị viện quốc tế đã thống nhất sự cần thiết liên kết nghị sĩ khắp nơi trên thế giới về các vấn đề lớn dựa trên tinh thần ngoại giao, khoa học, vì lợi ích của nhân dân, vì hòa bình. Qua đó, Giáo sư nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học và công nghệ trong sự phát triển bền vững là mục tiêu để hợp tác giữa IPU và các Hội khoa học quốc tế.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn là diễn giả của Phiên thảo luận thứ ba tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9. (Ảnh: TC) |
PGS.TS. Đại biểu Quốc hội Việt Nam Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trình bày trong tham luận của mình về vai trò quan trọng của đa dạng văn hóa đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền con người và các quyền tự do cơ bản, nâng cao vai trò và địa vị của phụ nữ trong xã hội, tạo sự gắn kết, hòa hợp xã hội, vì vậy cần lồng ghép đa dạng văn hóa như một yếu tố có tính chiến lược vào các chính sách phát triển quốc gia và quốc tế, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc…
Ông cho biết, Việt Nam đã, đang thực thi và không ngừng hoàn thiện thể chế, chính sách theo phương châm xuyên suốt “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững”. Quốc hội Việt Nam quan tâm, chú trọng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành chính sách nhằm thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững...
Ý thức sâu sắc được trách nhiệm của mình, Việt Nam đã chủ động tham gia, thể hiện vai trò tích cực, trách nhiệm tại các cơ chế đa phương, góp phần phát huy, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa trên quy mô khu vực và quốc tế.
Ở góc nhìn tìm giải pháp sao cho có thể quản lý được sự thay đổi nhanh chóng của môi trường số, ông Andy Williamson, nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Đổi mới của IPU cho rằng, cần cân bằng, giảm thiểu rủi ro của công nghệ số mang lại, có thể đề cập thêm ảnh hưởng của công cụ này đối với hoạt động nghị viện.
Trao đổi về mặt trái của công nghệ số là vấn đề thông tin sai lệch, thông tin giả, trí tuệ nhân tạo và những hệ luỵ vấn đề này mang lại, ông Andy Williamson cho rằng, cần tận dụng tối đa những công nghệ này hiệu quả nhưng thận trọng. Đặc biệt, trong những năm gần đây, sự bùng nổ của mạng xã hội và những lợi ích to lớn đã mang lại cho từng cá nhân về liên kết xã hội. Trong đại dịch COVID-19, mạng xã hội trở thành công cụ quan trọng để kết nối và duy trì liên kết xã hội. Về mặt công việc, đây là công cụ được sử dụng nhiều hơn, với tốc độ nhanh hơn rất nhiều trong quá khứ.
Nhiều đại biểu nữ Việt Nam tham dự Hội nghị. (Ảnh: TC) |
Ông Andy Williamson cho biết, năm 2019, không có nghị viện nào tổ chức họp trực tuyến kết hợp với trực tiếp, chỉ có một số nghị viện sử dụng công nghệ số trong hoạt động Uỷ ban của mình. Vào năm 2020, 2021 và 2022, nhiều nghị viện đã chuyển họp với hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Công cụ số đã làm thay đổi cách vận hành của các nghị viện. Đây là sự thay đổi rõ rệt trong thời gian rất ngắn, nhưng sự thay đổi đó, với sự bùng nổ của mạng xã hội lại phải chịu gánh nặng về thông tin sai lệch, thông tin giả cùng những hành vi bắt nạt trên mạng xã hội. Muốn tiếp tục duy trì và sử dụng hiệu quả công cụ này, cần duy trì giá trị sử dụng cho từng cá nhân, cho các nghị sĩ.
Đại diện Liên minh các nền văn minh quan tâm tới vai trò quan trọng của các nghị viện, đặc biệt là nghị sĩ trẻ tại Hội nghị lần này. Hội nghị diễn ra đúng thời điểm Đại hội đồng Liên hợp quốc đang thảo luận về ứng phó với tác động của khủng hoảng thế giới, tạo ra định hướng chính trị, thúc đẩy đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững.
Số lượng nữ nghị sĩ trẻ tại IPU rất đông đảo. (Ảnh: TC) |
Các Mục tiêu phát triển bền vững là một trong những phần quan trọng của các Mục tiêu thiên niên kỷ. Do vậy, Hội nghị giúp thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai thực hiện các mục tiêu trên, phát huy những kinh nghiệm, ý kiến đóng góp của thanh niên. Bên cạnh đó, các nghị viện là động lực để thúc đẩy dân chủ, là cầu nối giữa chính phủ và người dân thông qua kênh lập pháp. Các nghị viên nên và sẽ đóng góp vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đóng góp vào chiến lược phát triển bền vững đến năm 2030.
Ông nhấn mạnh, Liên hợp quốc đánh giá cao vai trò của cả phụ nữ và nam giới; mong muốn tiếp tục đóng góp của thanh niên và vì thanh niên vào chủ đề của Hội nghị.
Các nghị sĩ trẻ IPU tại Hội nghị. |
Phá vỡ hố sâu ngăn cách con người bằng công nghệ số
Sau phần tham luận, nghị sĩ các nước thảo luận sôi nổi về các vấn đề được đưa ra và chủ đề của phiên họp. Trong đó, không thể lấy lý do khác biệt văn hóa để các vấn đề như bạo lực, phân biệt tôn giáo, chủng tộc, giới tính, biến đổi khí hậu… tiếp tục xảy ra.
Các nghị sĩ cho rằng, các nền văn hóa, sự đa dạng văn hóa có tác động tương tác lẫn nhau, tạo hiệu ứng tác động ngược lại mỗi nền văn hóa. Do vậy, cần có những giải pháp cụ thể, hiệu quả để bảo đảm duy trì sự đa dạng văn hóa. Rút ngắn khoảng cách giữa mọi người bằng cách bảo đảm sự đa dạng văn hóa giữa các dân tộc, các nền văn minh trên toàn thế giới.
Theo các đại biểu, ở Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, thanh niên đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy đa dạng văn hoá. Giới trẻ đang tạo ra những hình thức thúc đẩy văn hoá mới như nghệ thuật số, nghệ thuật truyền thông; văn hoá đang ngày càng trở nên đa dạng nhờ sự đóng góp của thanh niên.
Để thúc đẩy hơn nữa vai trò, thế mạnh của giới trẻ trong thúc đẩy đa dạng văn hoá, đại biểu cho rằng cần khuôn khổ chính sách toàn diện, khuyến khích sự tham gia lành mạnh của thanh niên. Các nghị viện cần đóng góp vai trò chính trong việc xây dựng các chính sách quản trị; các nhà hoạch định chính sách cần có những nguyên tắc đa dạng văn hoá tổng quan, đưa những nguyên tắc này vào những chính sách và hoạt động hợp tác của thanh niên.
Các nghị sĩ đều nhất trí rằng, cần tôn trọng văn hóa và đa dạng văn hóa vì đây là nền tảng cho xã hội toàn cầu. Cần xây dựng được môi trường phù hợp để tất cả mọi nền văn hóa đều được tôn trọng, thúc đẩy. Đây cũng chính là nền tảng cho quản trị hiệu quả ở các quốc gia, nơi nghị viện có thể đại diện cho tất cả tiếng nói của người dân.
Theo đó, các nghị sĩ trẻ chính là nhân tố tham gia thúc đẩy trong tham mưu chính sách, đưa ra các bộ luật, quy định thúc đẩy luật pháp tôn trọng đa dạng văn hóa. Trách nhiệm của các nghị sĩ, đặc biệt là nghị sĩ trẻ là cần thúc đẩy đa dạng văn hóa, bảo đảm những giá trị này là nền tảng của xã hội. Nghị sĩ trẻ có sự sáng tạo, có khả năng làm cầu nối giữa các nền văn hóa, hiểu biết và chấp nhận lẫn nhau. Các nghị sĩ trẻ cần hiểu được vai trò quan trọng của mình trong việc xây dựng cộng đồng đa dạng và bao trùm.
Nghị sĩ Angola phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TC) |
Các nghị sĩ chia sẻ kinh nghiệm về chính sách văn hóa của quốc gia mình và chia sẻ kiến thức văn hóa với các chuyên gia trên thế giới, đồng thời mong muốn nắm bắt sự phát triển của công nghệ để bắt kịp với tốc độ số hóa; đồng thời vẫn bảo vệ di sản văn hóa của quốc gia, tránh những thách thức toàn cầu, tình trạng toàn cầu hóa, giữ vững vai trò kiến tạo của văn hóa; văn hóa tiếp tục là trụ cột trong quá trình phát triển.
Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, để thúc đẩy văn hóa và tôn trọng đa dạng văn hóa, tầm quan trọng của giới trẻ được thể hiện trong việc gắn kết mạnh mẽ, xây dựng lòng tin, thúc đẩy đoàn kết của thanh niên. Do vậy, cần tạo điều kiện cho người trẻ tham gia nhiều hơn các hoạt động cộng đồng và nâng cao nhận thức để hiểu hơn về giá trị văn hóa của quốc gia mình. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển kinh tế, kể cả ở những nền kinh tế có quy mô nhỏ.
Để làm được như vậy, trước hết, cần lắng nghe các ý kiến, mong muốn từ các cộng đồng khác nhau, thấu hiểu và đưa ra sáng kiến, chính sách phù hợp với cộng đồng; xây dựng các nhóm công tác đặc biệt thúc đẩy đối thoại để duy trì đa dạng văn hóa, xây dựng chiến dịch toàn diện trong vấn đề này. Ngoài ra, cần đặc biệt chú trọng vai trò của giáo dục trong bảo đảm đa dạng văn hóa. Bên cạnh đó, cần hợp tác với các đối tác quốc tế, trao quyền cho giới trẻ, đưa các nhiệm vụ về văn hóa vào các ủy ban chuyên trách nhằm không để ai bị bỏ lại phía sau.
Nghị sĩ Kuwait phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TC) |
Nhiều nghị sĩ đều bày tỏ Hội nghị là cơ hội để cho các nghị sĩ trẻ khắp nơi trên thế giới tập trung trí tuệ, thảo luận, trao đổi thông tin, đưa ra các sáng kiến cụ thể để thúc đẩy chương trình nghị sự hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp, các nước chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo thì nhiều nghị sĩ cho rằng điều quan trọng là xây dựng lòng tin thông qua đối thoại và các hoạt động gắn kết, minh chứng cho nỗ lực đó chính là Hội nghị Nghị sĩ trẻ lần này.
Các nghị sĩ trẻ IPU tại phiên thảo luận thứ 3 của Hội nghị. (Ảnh: TC) |
| Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai kêu gọi Hội đồng nhân quyền thúc đẩy hợp tác, xây dựng lòng tin để đảm bảo quyền con người Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó một chủ ... |
| Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9: Nội dung 3 phiên thảo luận chuyên đề Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 14-17/9 với chủ đề “Vai trò của giới ... |
| Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi thông điệp tới Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 Nhân dịp Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện quốc tế quan trọng Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ ... |
| Đại biểu IPU đánh giá cao Chủ nhà Việt Nam tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 Ngay từ các sự kiện khởi động trong chuỗi hoạt động của Hội nghị, bạn bè quốc tế đến từ IPU, các tổ chức quốc ... |
| Nghị sĩ trẻ chia sẻ bài học kinh nghiệm và sáng kiến chuyển đổi số trong thúc đẩy các Mục tiêu phát triển bền vững Tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị, trưa 15/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, phiên thảo luận chuyên đề ... |