📞

Nghi xe điện Trung Quốc ‘được bao nuôi’, EU tung đòn phủ đầu, Bắc Kinh đỡ thế nào?

Minh Anh 13:29 | 15/09/2023
“Thị trường toàn cầu hiện tràn ngập ô tô điện Trung Quốc giá quá rẻ nhờ các khoản trợ cấp khổng lồ của Nhà nước. Tình trạng này đang bóp méo thị trường của chúng ta”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói với các nhà lập pháp EU hôm thứ Tư (13/9).

Nghi xe điện Trung Quốc ‘được bao nuôi’, EU tung đòn phủ đầu, Bắc Kinh đỡ thế nào? Trong ảnh: Polestar là thương hiệu xe sang chạy hoàn toàn bằng điện, thuộc sở hữu của Geely Group, Trung Quốc. (Nguồn: thebuzzevnews)

Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định mở cuộc điều tra chống các khoản trợ cấp của Trung Quốc dành cho các nhà phát triển xe điện, trong bối cảnh lo ngại các khoản thanh toán này đang gây tổn hại cho các doanh nghiệp châu Âu.

Đây là vụ việc nổi bật nhất mà EU công khai đối mặt với Trung Quốc về kinh tế, kể từ cuộc điều tra các tấm pin mặt trời cũng đến từ nền kinh tế hàng đầu thế giới này, cách đây một thập kỷ.

Vì chúng tôi không chấp nhận sự “biến dạng” này ngay từ bên trong thị trường của mình, nên chúng tôi không chấp nhận điều này từ bên ngoài, bà Chủ tịch EC von der Leyen giải thích về quyết định mới nhất này.

“Vì vậy, hôm nay tôi có thể thông báo rằng, EC đang tiến hành một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện đến từ Trung Quốc”, bà von der Leyen thông báo.

Theo đó, Ủy ban sẽ có tối đa 13 tháng để đánh giá xem có nên áp dụng mức thuế cao hơn mức tiêu chuẩn 10% của EU đối với ô tô điện hay không.

Cuộc điều tra chống trợ cấp bao gồm ô tô chạy bằng pin từ Trung Quốc, bao gồm cả các thương hiệu không phải của Trung Quốc nhưng được sản xuất tại đây như Tesla, Renault và BMW.

Động thái này được cho là một thắng lợi của Pháp, nước vốn bày tỏ lo ngại rằng, châu Âu sẽ tụt lại phía sau trong quá trình chuyển đổi xanh nếu khu vực này không quyết đoán hơn khi đối đầu với chủ nghĩa bảo hộ được cho là từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên EU, bao gồm cả Đức, lo ngại sẽ chọc giận Bắc Kinh vì nền kinh tế của họ chịu ảnh hưởng quá lớn vào quan hệ thương mại với Trung Quốc, mặc dù Berlin vẫn ủng hộ một cuộc điều tra.

Trên thực tế, Trung Quốc hiện chiếm hơn một nửa doanh số bán xe điện toàn cầu và đang tăng trưởng rất nóng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đưa đất nước này trở thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới, bằng cách tập trung chiến lược phát triển vào lĩnh vực được coi là một ngành công nghiệp đầy hứa hẹn này. Thậm chí, là đầu tư hàng tỷ USD để sớm chiếm vị trí dẫn đầu, nắm bắt cơ hội "nghìn năm có một" - khi thị trường ô tô toàn cầu chuyển dần từ ô tô động cơ đốt trong sang xe điện thông minh.

Trong cuộc chạy đua tỷ đô này, doanh nghiệp ô tô điện Trung Quốc được cho là đã nhận được những hỗ trợ đặc biệt từ chính phủ, không chỉ với những cam kết đầu tư nguồn tài chính khổng lồ, mà còn đi kèm các chính sách khuyến khích cho cung cấp và tiêu thụ, thậm chí đóng vai trò là “vườn ươm công nghệ”, đồng hành với doanh nghiệp.

Đặt cược rất lớn vào ngành xe điện thông minh, Bắc Kinh còn kỳ vọng đây sẽ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, sau khi các mũi nhọn khác không còn khả năng đột phá. Kể từ năm 2010, Trung Quốc đã khởi xướng một chương trình trợ cấp cho người tiêu dùng lên đến 40% chi phí một chiếc xe điện. Kể từ năm 2014, tất cả doanh số bán loại hàng hóa ưu tiên này đều được miễn thuế đầu vào. Kể từ năm 2018, Bắc Kinh áp dụng chính sách “tín dụng kép” dành cho các nhà sản xuất xe điện thông minh đủ điều kiện.

Những chính sách ưu đãi “hào phóng” của Trung Quốc đã thu hút sự đầu tư lớn từ cả những tập đoàn kinh tế lớn nhất thế giới, giúp ngành xe điện thông minh của Trung Quốc nhanh chóng vươn xa đến thị trường châu Âu, Mỹ và mới đây là thị trường ASEAN.

Các nhà sản xuất ô tô toàn cầu phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt ngay tại quê nhà, từ các thương hiệu Trung Quốc đang chiếm phần lớn thị phần.

Trong năm nay, các nhà sản xuất xe điện bao gồm BYD Auto, Zeekr của Geely Group đã bắt đầu bán hàng tại Nhật Bản và châu Âu. Geely sở hữu Volvo Cars của Thụy Điển và thương hiệu xe sang chạy hoàn toàn bằng điện, Polestar. Công ty tư vấn Inovev (Pháp) tiết lộ, trong số xe điện mới bán ở châu Âu năm 2023, 8% được sản xuất bởi các thương hiệu Trung Quốc, tăng so với mức 6% năm ngoái và 4% của năm 2021.

Bà Von der Leyen thẳng thắn phát biểu rằng, châu Âu sẵn sàng cạnh tranh nhưng “không dành cho một cuộc đua xuống đáy”. Các nhà sản xuất ô tô châu Âu ca ngợi cuộc điều tra của EU là một “tín hiệu tích cực”.

Tổng giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu Sigrid de Vries hưởng ứng, “EC đang nhận ra tình trạng ngày càng bất cân xứng mà ngành của chúng tôi đang phải đối mặt và đang khẩn cấp xem xét tình trạng cạnh tranh bị bóp méo trong lĩnh vực xe ô tô điện”.

Hồi tháng 4, người sáng lập hãng xe điện Nio - thường được đánh giá là "sát thủ Tesla" ước tính, công ty của mình và các nhà sản xuất xe điện khác của Trung Quốc có lợi thế về chi phí khoảng 20% so với các đối thủ như Tesla nhờ sự kiểm soát của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng và nguyên liệu thô.

Ông chủ của Nio cũng ra cảnh báo, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc với lợi thế về chi phí để mở rộng xuất khẩu, nên chuẩn bị cho khả năng chính phủ nước ngoài áp dụng các chính sách bảo hộ.

Trong phản ứng ngày 14/9, Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo cuộc điều tra nói trên sẽ tác động "tiêu cực" đến quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai bên, khiến quan hệ Trung Quốc-EU thêm căng thẳng.

Theo đó, Bắc Kinh tin rằng, cuộc điều tra mà EU đề xuất trên thực tế là để bảo vệ ngành công nghiệp của chính họ dưới danh nghĩa cạnh tranh công bằng. Bộ Thương mại Trung Quốc chỉ trích, "đây là hành động bảo hộ trắng trợn, sẽ phá vỡ nghiêm trọng ngành công nghiệp ô tô và chuỗi cung ứng toàn cầu, gồm cả EU, đồng thời sẽ có tác động tiêu cực đến quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc-EU".

(theo Aljazeera, Reuters)