Người tiêu dùng Thụy Sỹ chấp nhận mức giá cao hơn, đặc biệt khi lạm phát trong nước thấp hơn nhiều so với Khu vực đồng Euro. (Nguồn: Bloomberg) |
Hệ thống thuế quan của Thụy Sỹ, được thiết kế để bảo vệ ngành nông nghiệp trong nước, ngăn chặn nhập khẩu các sản phẩm có thể được sản xuất trong nước. Tuy nhiên, khi mùa màng thất bát hoặc nhu cầu tăng cao dẫn đến thiếu hụt thịt, trái cây và rau củ, chính phủ sẽ giảm thuế để nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn từ nước ngoài.
Theo nhà kinh tế Maxime Botteron tại UBS, khi Thụy Sỹ bước vào vụ thu hoạch nông sản nội địa trong mùa Hè, giá cả sẽ tăng lên. Điều này trái ngược hoàn toàn với các nước trong Khu vực đồng Euro, nơi giá cả giảm khi nguồn cung nội địa tăng. Kết quả là những loại cây trồng như cà chua bi thường trở nên rẻ hơn khi không phải mùa vụ.
Chính phủ Thụy Sỹ duy trì nghịch lý trên trước sức ép từ các nhóm vận động bảo vệ người nông dân và đảm bảo sự độc lập về thực phẩm. Người tiêu dùng Thụy Sỹ cũng chấp nhận mức giá cao hơn, đặc biệt khi lạm phát trong nước thấp hơn nhiều so với Khu vực đồng Euro.
Ông Stefan Legge, Trưởng bộ phận chính sách thuế và thương mại tại Đại học St. Gallen, cho biết sản phẩm của Thụy Sỹ được biết đến với chất lượng cao và đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường và xã hội. Phần lớn dân số sẵn sàng trả giá cao vì điều này.
Chính phủ có thể giảm thuế nhập khẩu trong những tình huống đặc biệt. Tuần trước, Thụy Sỹ đã giảm thuế nhập khẩu trứng vì sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu, dù đã tăng 35% trong thập kỷ qua. Chính phủ đã tăng hạn ngạch nhập khẩu với thuế thấp thêm 43%, lên gần 25.000 tấn, để đảm bảo nguồn cung trước mùa Giáng sinh.
Dù vậy, nông dân Thụy Sỹ vẫn gặp khó khăn. Năm ngoái, chính phủ đã chi khoảng 2,7 tỷ Franc (3,1 tỷ USD) trợ cấp trực tiếp cho ngành nông nghiệp.
Gần đây, khi thăm một trang trại ở Wileroltigen, Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sỹ, ông Guy Parmelin đã nhận được nhiều phàn nàn từ nông dân về quy trình hành chính phức tạp và các quy định nghiêm ngặt về thuốc trừ sâu. Ông thừa nhận rằng giá thực phẩm là một vấn đề, nhưng khẳng định rằng thực phẩm Thụy Sỹ phải đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn và nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh lương thực.
Với mức lương cao, nhiều người tiêu dùng Thụy Sỹ có thể không nhận ra rằng họ đang trả cho thực phẩm nhiều hơn 50% so với các nước láng giềng. Đối với những người nhận ra điều này, họ có thể dễ dàng qua biên giới để mua sắm tại Pháp, Đức, Italy hoặc Áo.