Sáng 6/2, tại Hà Nội, Tổng Cục Thống kê phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Văn phòng Chính Phủ tổ chức Họp báo công bố các chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2017 và giai đoạn 2010 – 2016.
Họp báo công bố các chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2017 và giai đoạn 2010 – 2016. (Ảnh: CV) |
Số liệu công bố do ngành Thống kê điều tra, cập nhật vào thời điểm 31/12/2017 cho thấy, tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động trên phạm vi cả nước ước tính là 561.064 doanh nghiệp, tăng 11,1% so với năm 2016. Trong đó, một số chỉ tiêu kết quả sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế cho thấy một số nghịch lý. Đó là lý do trong đề xuất định hướng, giải pháp phát triển doanh nghiệp, Tổng Cục Thống kê cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu thành phần kinh tế trong doanh nghiệp theo hướng sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, thu hút FDI hiệu quả hơn và đặc biệt khuyến khích, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển
Doanh nghiệp ngoài nhà nước sử dụng nhiều vốn nhất
Tại thời điểm 31/12/2016, tổng vốn sử dụng cho sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp đạt 30,2 triệu tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2010 – 2016 mỗi năm khu vực doanh nghiệp thu hút tăng thêm 16,4% vốn cho sản xuất kinh doanh. Chiếm tới 55,5% vốn của toàn bộ các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp ngoài nhà nước đang chiếm tỷ lệ chi phối trong thu hút vốn cho sản xuất kinh doanh, đồng thời là thành phần có tốc độ tăng thu hút vốn nhanh nhất.
Doanh nghiệp nhà nước mặc dù đang giảm về số lượng nhưng đều là các doanh nghiệp có quy mô lớn nên vốn thu hút vào sản xuất kinh doanh hiện vẫn còn khá lớn, khoảng 8,36 triệu tỷ đồng, chiếm 27,7% tổng vốn của toàn bộ doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp FDI có số lượng doanh nghiệp ít nhưng hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô lớn nên hiện đang thu hút đáng kể vốn cho sản xuất kinh doanh, đồng thời tốc độ thu hút vốn cũng tăng nhanh trong giai đoạn 2010 – 2016. Khu vực này hiện đang thu hút khoảng 5,01 triệu tỷ đồng vốn cho sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp nhà nước “xếp bét” doanh thu
Theo Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2010 – 2016, các doanh nghiệp nhà nước đang trong giai đoạn giảm nhanh quy mô, do chủ trương cổ phần hóa, sắp xếp lại nên doanh thu của khu vực này tăng chậm hơn các thành phần kinh tế khác. Năm 2016, các doanh nghiệp nhà nước chỉ tạo ra 2,88 triệu tỷ đồng, tăng bình quân 6,0%.
Trong khi đó, các doanh nghiệp ngoài nhà nước hiện chiếm tỷ lệ doanh thu chi phối và có cơ cấu đóng góp ngày càng tăng trong toàn bộ các thành phần doanh nghiệp. năm 2016, tổng doanh thu do khối doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra là 9,76 triệu tỷ đồng, chiếm 56% doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp, tăng bình quân 15,7%/năm.
Năm 2016, khối FDI tạo ra 4,8 triệu tỷ đồng. Tuy không có tỷ lệ doanh thu tạo ra cao, nhưng khu vực này lại có tốc độ tăng doanh thu cao nhất trong các thành phần kinh tế, tăng 23%/ năm trong giai đoạn 2010 – 2016.
Khối FDI lãi nhiều nhất, nhưng đóng góp ít nhất cho ngân sách
Theo số liệu thống kê, các doanh nghiệp FDI mặc dù có số lượng doanh nghiệp, lao động, vốn đều chiếm tỷ lệ không cao nhưng hiện đang tạo ra lợi nhuận lớn nhất so với các thành phần kinh tế còn lại. năm 2016, các doanh nghiệp FDI tạo ra 327,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 45,9% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp), tăng bình quân 17,3%/năm.
Các doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ lớn nhất về số doanh nghiệp, lao động và vốn, nhưng chỉ tạo ra khối lượng lợi nhuận khiêm tốn là 188,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2016, tăng 8,4%/năm. Khối doanh nghiệp nhà nước tạo ra 197,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2016, tăng bình quân 9,4%/năm.
Tuy nhiên, dù tạo ra lợi nhuận thấp nhất trong các thành phần kinh tế, nhưng năm 2016, các doanh nghiệp ngoài nhà nước lại đóng góp vào ngân sách cao nhất với 434,7 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 17%/năm. Các doanh nghiệp nhà nước đóng góp 277,3 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 10,4%/năm.
Mặc dù tạo ra lợi nhuận lớn nhất, nhưng các doanh nghiệp FDI lại có tỷ lệ đóng góp ít nhất vào ngân sách, chỉ 250,9 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 16,9%/năm trong giai đoạn 2010 – 2016.