Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng phát biểu tại cuộc họp báo. (Ảnh: MH) |
Tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng cho biết: "GDP quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I trong giai đoạn 2020-2023. Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp tiếp đà khởi sắc, hoạt động thương mại dịch vụ sôi động, đẩy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,2%, đặc biệt FDI từ đầu năm đến nay, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023."
GDP quý I/2024 và tình hình kinh tế chung
Tại buổi họp báo, Tổng cục Thống kế cho thấy kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, gia tăng căng thẳng địa chính trị.
Xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine diễn biến phức tạp và kéo dài, xung đột tại Dải Gaza leo thang, các cuộc tấn công hoạt động vận tải tại Biển Đỏ đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa, dầu thô, lương thực toàn cầu. Đồng thời, gia tăng rủi ro đối với an toàn hàng hải, ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của các quốc gia trên thế giới.
Cùng với đó, thiên tai, hạn hán, bão lũ, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng; nguy cơ về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng gia tăng...
Lạm phát mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn cao hơn mục tiêu. Nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt, duy trì mức lãi suất cao; thương mại, tiêu dùng và đầu tư toàn cầu phục hồi chậm.
"Các tổ chức quốc tế đưa ra nhận định ở các mức khác nhau về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 nhưng đều thấp hơn mức tăng trưởng của năm 2023 từ 0,2 đến 0,3 điểm phần trăm", bà Hương cho biết.
Trong nước, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.
Vì vậy, kinh tế - xã hội quý 1/2024 của Việt Nam đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, điều này khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương từng bước phát huy hiệu quả.
Nhìn lại tốc độ tăng trưởng các quý cùng kỳ, số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy tốc độ tăng GDP quý 1 năm nay cao hơn các năm trong giai đoạn 2020-2023. Đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GDP cả nước, lãnh đạo Tổng cục Thống kê, cho biết khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, đóng góp 41,68%. Khu vực dịch vụ tăng 6,12%, đóng góp 52,23%.
Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài tăng
Vụ trưởng vụ Vụ Thống kê nước ngoài và Hợp tác quốc tế Hoàng Thị Thanh Hà phân tích thêm về điểm sáng FDI. Bà Hà nói: "Đáng chú ý, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 4,63 tỷ USD và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái."
Trong 3 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 42 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 970,8 triệu USD, chiếm 15,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp hơn 6,1 lần so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp đến là Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 745,2 triệu USD, chiếm gần 12,1% tổng vốn. Sau đó là Quảng Ninh, Thái Nguyên, TP. HCM, Đồng Nai,…
Từ đầu năm đến nay, cả nước có 39,758 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 475,8 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 301,8 tỷ USD, bằng 63,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17/21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 3,93 tỷ USD, chiếm gần 63,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm nhẹ 1,3% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 1,58 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ.
Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 224,8 triệu USD và gần 190,2 triệu USD.
Báo cáo cho biết có 62 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 3 tháng. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 2,55 tỷ USD, chiếm 41,3% tổng vốn đầu tư, tăng 51,3% so với cùng kỳ 2023.
Nhận định quý II
Bước sang quý II/2024, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định "sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen trước những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới; các biến động về kinh tế, chính trị, dịch bệnh, thiên tai khó dự báo”.
Trong bối cảnh trên, lãnh đạo Tổng cục Thống kê đánh giá mục tiêu tăng trưởng từ 6 - 6,5% của năm 2024 là thách thức lớn. Để đạt được mục tiêu này, cần phải tiếp tục kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế; liên tục cập nhật các kịch bản về tăng trưởng, lạm phát, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế.
Đồng thời, một mặt đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước. Mặt khác, triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu. Đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết.
Song song đó, các bộ, ngành, địa phương cần có các giải pháp quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Tập trung thúc đẩy tiến độ thi công các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng; phát huy nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước; thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài. Tích cực, chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng; chú trọng chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.
| Điểm tin thế giới sáng 22/3: Ukraine đón khách VIP từ NATO, Australia xuất khẩu xe bọc thép sang Đức, Nghị viện New Zealand 'gật đầu' FTA với EU Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 22/3. |
| Khu Kinh tế Dung Quất: Hạt nhân tăng trưởng kinh tế - xã hội Quảng Ngãi Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất là một trong những KKT được Chính phủ Việt Nam cho phép áp dụng các chính sách ưu đãi ... |
| Kinh tế Anh 'chuyển hướng', hé lộ tin vui về lãi suất Ngày 6/3, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt đã công bố gói ngân sách mùa Xuân của chính phủ trong bài phát biểu trước ... |
| Khí đốt Nga không còn là điểm yếu của Đức, vì đâu nền kinh tế vẫn rất chông chênh? "Thật khó để tìm ra một minh họa hùng hồn hơn về tình trạng trì trệ của nền kinh tế Đức hiện nay", báo Le ... |
| Giá heo hơi hôm nay 29/3: Giá heo hơi tiếp đà giảm; sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng Nhìn chung, giá heo hơi hôm nay tiếp đà giảm 1.000 đồng/kg ở nhiều tỉnh, thành. Hiện tại, giá khảo sát ở các tỉnh thành ... |