📞

Nghiên cứu sinh ở nước ngoài cũng như kỵ sĩ

17:23 | 20/11/2018
Trần Bảo Ngọc – chàng nghiên cứu sinh 9X tại Đại học Hàng hải Quốc gia Mokpo (Hàn Quốc) chia sẻ, nghiên cứu sinh ở nước ngoài giống như một kỵ sĩ, đơn thương độc mã chiến đấu với khó khăn, vất vả và cả nỗi nhớ nhà.

​Cơ hội nào đưa anh đến Đại học Hàng hải Quốc gia Mokpo - một trong những trường đại học hàng đầu tại Hàn Quốc về đào tạo nhân lực ngành hàng hải?

Khi còn ở Việt Nam, tôi là giảng viên Khoa Máy Tàu Biển - Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Từ năm 2015, được nhà trường tạo điều kiện cho giảng viên trẻ đi học tập nâng cao trình độ, tôi đã chọn ngôi trường với lịch sử hình thành và phát triển gần 70 năm này để theo học Thạc sĩ và hiện tại là Tiến sĩ ngành Truyền nhiệt và thủy động học.

Thành phố Mokpo là một trong ba hải cảng cổ lớn nhất của Hàn Quốc, hội tụ nhiều yếu tố về lịch sử, văn hóa, công nghệ để đào tạo nên những thuyền trưởng, máy trưởng, chuyên gia kinh tế biển phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế biển của Hàn Quốc. Tại trường, tôi đang đi sâu nghiên cứu mô phỏng đặc tính dòng chảy chất lỏng và chất khí trong các môi trường. Những kiến thức chuyên ngành này sẽ giúp ích cho tôi rất nhiều trong công tác giảng dạy tại khoa Máy Tàu Biển, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam sau khi tốt nghiệp.

Bởi vậy anh đã chọn Hàn Quốc chứ không phải một quốc gia khác?

Đúng vậy, Hàn Quốc là quốc gia có ngành hàng hải và đóng tàu rất phát triển. Tại châu Á, cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc sở hữu nền công nghiệp tàu thủy hiện đại và đội tàu thương mại hùng hậu. Bên cạnh đó, trường Đại học Hàng hải Việt Nam và Đại học Hàng hải Quốc gia Mokpo vốn có quan hệ mật thiết với nhiều hoạt động hợp tác nên tôi đã chọn quốc gia này để làm nơi học tập nghiên cứu với mong muốn học hỏi được những kiến thức hữu ích cho công tác giảng dạy của mình. 

Trần Bảo Ngọc được tặng Bằng khen tại Ngày hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc 2018. (Ảnh: TBN)

Theo anh, làm nghiên cứu sinh (NCS) ở nước ngoài có gì khác biệt với Việt Nam? 

Tôi nhận thấy làm NCS tại nước ngoài sẽ đem lại cho học viên điều kiện rất tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và thực hành thí nghiệm. Học viên có nhiều cơ hội tham gia các hội thảo chuyên ngành với sự góp mặt của các nhà nghiên cứu và giáo sư giỏi tại Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu để học hỏi kiến thức chuyên môn, đồng thời lắng nghe những phản biện, đánh giá để hoàn thiện nghiên cứu của mình. Tôi khuyến khích các bạn trẻ Việt Nam tìm kiếm cơ hội làm NCS ở nước ngoài phát triển khả năng của bản thân. Trong tương lai các bạn sẽ là vốn quý, là nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước.

Đâu là những bài học quý giá mà anh học được từ môi trường quốc tế?

Môi trường quốc tế đòi hỏi học viên phải có sự chủ động trong nghiên cứu, kiên trì theo đuổi mục tiêu, đặc biệt là khả năng tự học và tự tìm hướng giải quyết các vấn đề khó khăn gặp phải. Đây cũng chính là những bài học và phẩm chất mà quá trình làm nghiên cứu ở Hàn Quốc đã rèn luyện cho tôi qua những ngày đêm miệt mài trên phòng thí nghiệm.

Với những báo cáo công trình nghiên cứu thành công tại 8 hội thảo khoa học và có 2 bài báo tại 2 tạp chí chuyên ngành của Hàn Quốc, anh có thể chia sẻ một số kinh nghiệm từ trải nghiệm thực tế của mình?

Tôi cho rằng, bên cạnh các kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ làm hành trang, chúng ta cũng cần chuẩn bị tâm lý thật tốt. Ra nước ngoài học tập là một hành trình không đơn giản, ngoài việc vượt qua rào cản ngôn ngữ và tự lo các vấn đề sinh hoạt thông thường, chúng ta còn cần làm quen với môi trường công việc mới và đối diện với những khó khăn trong học tập. Thời gian đầu, áp lực công việc và sốc văn hóa rất dễ làm chúng ta căng thẳng. 

Với tôi, làm NCS nước ngoài giống như một kỵ sĩ hành quân trên con đường giông bão, đơn thương độc mã chiến đấu với khó khăn, vất vả, cô đơn và cả nỗi nhớ nhà. Nếu vượt qua được giai đoạn này và quen dần mọi thứ, chúng ta sẽ thấy mình trưởng thành lên rất nhiều. Khi mọi việc trở nên dễ dàng hơn, ta có thể làm việc hiệu quả hơn, đồng thời thoải mái tận hưởng những trải nghiệm mới về văn hóa. Tóm lại, đó là một thử thách lớn, nhưng cũng đem lại rất nhiều trải nghiệm lý thú và thành công sẽ đến với những ai dũng cảm, kiên trì thực hiện ước mơ của mình.

Thử thách và áp lực vậy, nhưng anh vẫn dành thời gian hoạt động tích cực trong Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc (VSAK)?

Được tham gia VSAK, góp sức mình vào sự phát triển của Hội luôn là niềm vui và niềm tự hào đối với một NCS như tôi. Là một thành viên của Ban Thể thao – Văn hóa - Ban chịu trách nhiệm tổ chức 3 trên 4 sự kiện lớn thường niên của VSAK, tôi càng có những trải nghiệm khó quên khi ngày thì làm việc của lab, đêm đến lại cùng anh em “chạy sự kiện”. Tuy nhiên, nhiệt huyết tuổi trẻ và mong muốn đóng góp cho cộng đồng của các anh em là những điều khiến tôi vô cùng cảm kích. 

VSAK không chỉ đơn thuần là một tổ chức của sinh viên mà thực sự đã trở thành ngôi nhà chung gắn kết các thành viên, gắn kết các chi hội để tạo nên một cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc lớn mạnh và nhiều màu sắc. Được cống hiến cho một tổ chức như vậy, tôi cảm thấy cuộc sống du học của mình có thêm nhiều ý nghĩa. 

Anh có suy nghĩ gì về thu hút nguồn lực chất xám từ người Việt Nam ở nước ngoài (đặc biệt là những trí thức trẻ) vào phát triển đất nước? 

Chúng ta đã nói rất nhiều về hiện tượng “chảy máu chất xám” khi những người con đất Việt sau thời gian tu nghiệp nước ngoài, vì cơ chế chính sách hoặc hoàn cảnh khó khăn mà không thể về nước để xây dựng quê hương. Đó quả thực là niềm đau của những người con xa xứ, là sự không may cho đất nước ta. 

Nhìn nhận được thực trạng ấy, Đảng và Nhà nước hiện nay đã có nhiều giải pháp tích cực để khuyến khích sự chung tay của giới trí thức trẻ mà tiêu biểu là “Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ I năm 2018” sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11. Tôi tin rằng với những thay đổi tích cực, các bạn trẻ du học sinh Việt Nam với lòng yêu nước sẵn có trong tim sẽ sẵn sàng đóng góp công sức vào quá trình chuyển mình vươn lên của đất nước.

Bản thân tôi, sau khi hoàn thành khóa học này, tôi sẽ quay trở về ngôi trường Đại học Hàng hải Việt Nam để giảng dạy và truyền đạt những kiến thức đã học được cho các thế hệ sinh viên. Tôi mong các em sẽ trở thành những thủy thủ viễn dương, những con người đi tiên phong trên con đường hội nhập quốc tế của đất nước.

Xin cảm ơn anh! 

(thực hiện)