TIN LIÊN QUAN | |
Xóa định kiến với giới tính thứ 3: Nỗ lực từ 2 phía! | |
Nhà báo Ngô Bá Lục: "Chúng ta nên tỉnh táo ngay cả khi nghi ngờ ai đó" |
Nhà báo Ngô Bá Lục - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, Báo Thể thao Việt Nam. |
Ở nước ta, thi thoảng lại giật mình khi nghe thấy một danh hiệu khá lạ lùng của “ông hoàng, bà chúa” nào đó, ông có thấy “hài” không?
Ngày xưa, Nữ hoàng là danh xưng dành cho những bà hoàng của một quốc gia. Giờ một bà bán thực phẩm cũng thành Nữ hoàng, rồi có cả những “Ông hoàng” rồi cả “Nữ tướng” nữa thì đúng là bi hài thực sự.
Showbiz giờ nhốn nháo, mạnh ai nấy phong, cứ có tiền là góp vào tự tổ chức trao giải cho nhau mà không cần phải thi thố gì hết. Tôi từng đi dự tiệc của một hiệp hội dành cho nữ doanh nhân, để ý cái bàn bên cạnh 10 chị ngồi ăn thì có tới 6 chị đội vương miện, mà toàn các chị tuổi tứ tuần, ngũ tuần. Tôi không dám bình luận về nhan sắc của họ vì thấy vừa buồn cười vừa thương, thương cho cái vương miện và thương cả những người đội nó trên đầu.
Có thể thấy các cuộc thi nhan sắc đang mọc lên như nấm sau mưa, gây ra tình trạng loạn danh hiệu. Dễ dãi phong và lạm dụng danh hiệu như vậy dẫn đến hệ lụy gì, theo ông?
Nếu là một cuộc chơi “kín” của hội chị em, hội nghề nghiệp thì họ trao cho vui. Ví dụ, tiệc cuối năm người ta hay tổ chức bình chọn King & Queen cho những người có ngoại hình và trang phục nổi bật. Hoặc các hiệp hội chị em phụ nữ trao những danh hiệu trong các hoạt động của Hội trong năm qua rồi chọn gương mặt khá ái. Những người đoạt giải coi danh hiệu đó là trong một cuộc vui “kín” thì không sao.
Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp các chị dùng danh hiệu đó để “đi” bài truyền thông, tham dự các sự kiện cũng đeo dải băng, đội vương miện như một sự khẳng định tôi là “Nữ hoàng”, “Hoa hậu” thực sự.
Chưa hết, họ còn sử dụng vào các mục đích khác mà đa số đều xuất phát từ việc kiếm tiền trên danh hiệu đó. Khi chiếc vương miện và danh hiệu được sử dụng với mục đích trục lợi thì rõ ràng, đó là điều cần phải lên án, dẹp bỏ để lấy lại sự trong sáng, đẹp đẽ đúng bản chất của các danh xưng Hoa hậu, Nữ hoàng.
Nếu cứ để tình trạng “trăm danh hiệu đua nở”, đương nhiên những người đẹp có danh hiệu chính thức từ các cuộc thi sắc đẹp tử tế, chính thống sẽ bị ảnh hưởng và công chúng sẽ “loạn” vì không biết đâu là hoa hậu thật, đâu là hoa hậu giả.
Một cuộc thi hoa hậu được tổ chức năm 2019. (Nguồn: Internet) |
Bên cạnh những cuộc thi lớn tầm quốc gia với mục đích tôn vinh sắc đẹp, đang có không ít cuộc thi nhan sắc “ao làng” chủ yếu vì mục đích thương mại. Có phải quy định, tiêu chí tổ chức các sự kiện như vậy ở nước ta đang “có vấn đề”?
Thực ra, quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc tổ chức các cuộc thi khá chi tiết và đầy đủ. Tuy nhiên, chế tài lại chưa rộng để bao quát hết. Bên cạnh đó, đa số các cuộc “ao làng” là thi chui, họ cố tình “làm liều”. Họ sẽ dừng nếu cơ quan chức năng phát hiện, yêu cầu dừng. Còn nếu trót lọt, ban tổ chức cũng thu một khoản tiền từ việc mua bán giải và tiền do các thí sinh nộp theo quy định.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, một số đại biểu cũng đưa ra ý kiến, nước ta có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp, hoa hậu. Nên chăng cần có sự phân loại và hệ thống lại các cuộc thi sắc đẹp một cách bài bản hơn?
Nếu coi các cuộc thi Hoa hậu chỉ là một hình thức giải trí và danh hiệu các cuộc thi hoàn toàn không có giá trị đối với xã hội thì thi hàng trăm cuộc cũng được.
Nhưng hầu như cuộc thi nào cũng vậy, kể cả “ao làng”, sau khi đăng quang, các người đẹp thường dùng những danh hiệu đó vào các mục đích như đánh bóng, “PR” bản thân, dấn thân vào showbiz hoặc dùng nó như bảo bối cho các mục đích kinh doanh.
Vì thế, khi chúng ta vẫn coi trọng giá trị của danh xưng Hoa hậu, hẳn cần phải có những quy định cụ thể hơn, đặc biệt là các chế tài xử phạt thật mạnh tay. Tuy nhiên, hiện tại có rất nhiều nút thắt khó gỡ trong việc quản lý các cuộc thi, đặc biệt là các thí sinh và ban tổ chức 100% người Việt Nam nhưng lại đưa nhau ra nước ngoài tổ chức xong lại về Việt Nam sử dụng danh hiệu đó. Đó là những bất cập mà hiện tại chưa có chế tài xử lý.
Ý kiến dư luận rất quan trọng, nhưng theo ông, các nhà quản lý và ngành văn hóa phải vào cuộc ra sao để các cuộc thi nhan sắc vừa phát huy được mặt tích cực vừa tránh tình trạng mạnh ai nấy thi, mạnh ai nấy ban phát danh hiệu như hiện nay?
Thực sự đây là bài toán khó. Hiện nhiều nước không coi trọng giá trị của danh xưng hoa hậu đối với cộng đồng, mà đơn giản coi đó chỉ là những show giải trí đơn thuần. Bên cạnh một vài cuộc thi lớn thực sự vẫn còn nhiều giá trị về danh xưng như Miss World, Miss Universe, đa số cũng đã trở thành các show giải trí và công chúng thường chỉ trầm trồ về sắc đẹp của các thí sinh mà họ không đòi hỏi những người đẹp đăng quang phải đóng góp cho xã hội.
Tuy nhiên, với đa số công chúng Việt Nam, danh xưng Hoa hậu vẫn có giá trị, nhất là họ đòi hỏi và chờ đợi sự đóng góp cho xã hội từ các Hoa hậu, Á hậu. Vì thế, các cuộc thi nhan sắc vẫn luôn được đón đợi và quan tâm.
Với tình trạng như hiện nay, các cơ quan quản lý cần có những biện pháp và quy định rõ ràng hơn đối với các cuộc thi, đặc biệt mạnh tay với những cuộc thi “ao làng”. Qua đó, góp phần dẹp loạn tình trạng “ra ngõ gặp hoa hậu”, “xuống phố chạm nữ hoàng” mà chẳng biết các nữ hoàng, nữ hiệu này “chui” từ đâu ra.
Xin cảm ơn ông!
| Cùng so bì nhan sắc 20 thí sinh phía Bắc vào Chung kết Miss World Việt Nam 2019 TGVN. Tại đêm Chung khảo phía Bắc Miss World Việt Nam (Hoa hậu Thế giới Việt Nam) 2019 (7/7), 20 thí sinh đẹp nhất đã ... |
| Cùng ngắm nhan sắc của 20 thí sinh đầu tiên lọt vào chung kết Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019 TGVN. 33 thí sinh vượt qua vòng sơ tuyển đã góp mặt trong đêm chung kết phía Nam cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam ... |
| Á hậu Hoàng Thùy sẽ tỏa sáng tại Miss Universe 2019? Nhiều người hâm mộ hy vọng Á hậu Hoàng Thùy sẽ tiếp nối H’Hen Niê tỏa sáng để mang về thứ hạng cao cho Việt ... |