Trận bóng chày lịch sử giữa đội Tampa Bay Rays của Mỹ và đội tuyển quốc gia Cuba. (Nguồn: SI) |
Đại sứ quán Mỹ ở Havana đã đình chỉ các dịch vụ lãnh sự cách đây ba năm khi chính quyền Tổng thống Donald Trump cắt giảm biên chế nhân viên sứ quán. Điều này đã gây ra trở ngại lớn đối với người Cuba xin thị thực để sang Mỹ gặp gia đình hoặc du lịch. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc xin thị thực sang Mỹ với người Cuba càng khó khăn gấp bội.
Trước đó, người hâm mộ Cuba đã lo lắng rằng, đội bóng chày của họ có thể “bị loại từ vòng gửi xe” khi không nhận được thị thực để thi đấu vòng loại Olympic Tokyo năm nay. Vòng loại Olympic cho khu vực châu Mỹ diễn ra tại Florida từ ngày 31/5-5/6.
Mặc dù đội tuyển Cuba đã thất bại trước Venezuela, Canada và mất tấm vé tham dự Olympic Tokyo, nhưng việc họ nhận được thị thực để sang Mỹ tham dự giải đấu là thành công của ngoại giao bóng chày.
Qua sự kiện này, nhiều người dân Cuba hy vọng rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ sớm khởi động lại dịch vụ lãnh sự ở Havana và mang tới một làn gió mới tích cực cho quan hệ hai nước.
Trước đó, trong chiến dịch tranh cử, ông Biden từng cam kết sẽ đảo ngược chính sách của đối thủ Trump “đã gây tổn hại cho người dân Cuba và không giúp thúc đẩy dân chủ, nhân quyền”.
Mặc dù vậy, chính quyền Biden cho biết sự thay đổi trong chính sách với Cuba không nằm trong các ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của Washington.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba vốn căng thẳng trong nhiều thập niên. Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Havana từng được mở lại. Năm 2016, ông Obama trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Cuba sau 88 năm.
Trong chuyến thăm, ông Obama cùng Chủ tịch Cuba Raul Castro theo dõi trận bóng chày giữa đội Tampa Bay Rays (Mỹ) và đội tuyển quốc gia Cuba.
Cũng từ đó, ngoại giao bóng chày đã “bén duyên” với quan hệ hai nước.