Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry (phải) tin tưởng vào khả năng điều phối Hội nghị COP 28 của ông Al-Jaber, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và công nghệ cao UAE. (Nguồn: Getty Images) |
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) dự kiến kéo dài hai tuần vào tháng 11 sắp tới tại Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Các bên tham gia sẽ thảo luận về lộ trình cắt giảm bền vững khí thải nhà kính, nhằm đẩy lùi thách thức khí hậu đang diễn biến trầm trọng, ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống quốc tế.
Trong khuôn khổ chuẩn bị cho Hội nghị COP28, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry đã tổ chức bữa tối tại Washington D.C hồi tháng Ba, với sự tham dự của một khách mời đặc biệt: ông Sultan Al-Jaber, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và công nghệ cao, kiêm Đặc phái viên về biến đổi khí hậu của UAE, Giám đốc điều hành tập đoàn dầu mỏ quốc gia ADNOC và đồng thời là Chủ tịch COP28.
Theo Politico, Mỹ luôn có cách tiếp cận và triển khai linh hoạt đường lối đối ngoại, trong đó bữa tối tại Washington D.C được xem là công cụ truyền tải hiệu quả những hàm ý của Nhà Trắng tới các nhân vật quan trọng trước thềm Hội nghị COP28.
Lá chắn bảo vệ
Bên cạnh ông Al-Jaber, các quan chức hành chính, lãnh đạo tổ chức môi trường, đại diện doanh nghiệp và báo chí cũng góp mặt tại nhà hàng Cafe Milano. Đáng chú ý, sự xuất hiện của ông Al-Jaber lại gây mất lòng các nhà hoạt động môi trường trong bữa tiệc.
Một mặt, UAE thu lợi quá lớn từ nhiên liệu hóa thạch, mặt khác, nước này lại dẫn đầu các cuộc đàm phán cắt giảm khí thải nhà kính. Chính lập trường thiếu nhất quán này khiến phe bảo vệ môi trường cảm thấy khó chịu. Thậm chí, có ý kiến ví von rằng việc bổ nhiệm ông Al-Jaber vào vị trí Chủ tịch COP28 giống như “giao cho lãnh đạo công ty thuốc lá phụ trách đàm phán hiệp ước chống thuốc lá”.
Tin liên quan |
Nhà hát Opera Sydney 50 tuổi: Cánh buồm nâng tầm văn hóa Australia |
Song theo ông John Kerry, việc lựa chọn ông Al-Jaber cho vị trí Chủ tịch COP28 là quyết định đúng đắn. Trước đó, người đứng đầu ngành dầu khí UAE đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy dự án năng lượng tái tạo và phát triển bền vững ở đất nước Trung Đông.
Đặc biệt, công ty ADNOC của ông Al-Jaber đang thể hiện vững chắc cam kết bảo vệ môi trường, sau khi công bố kế hoạch đầu tư 15 tỷ AED vào các dự án khử carbon năm 2030. Dưới sự lãnh đạo và chuyên môn dày dạn của ông, UAE đạt được tiến bộ đáng kể trong việc đa dạng hóa nguồn năng lượng và giảm khí thải carbon.
Do đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden tổ chức bữa tiệc với hai mục tiêu chính: bảo vệ Chủ tịch COP 28 trước chỉ trích từ phe môi trường, đồng thời giới thiệu Bộ trưởng UAE tới những nhân vật có ảnh hưởng trong vấn đề khí hậu tại Mỹ.
Vì vậy, Washington chủ động mời các nhân vật quan trọng, trong đó có hai thành viên Quốc hội Mỹ là Hạ nghị sĩ John Curtis và Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse, vốn đại diện cho hai trường phái đối lập trong chủ đề môi trường tại xứ cờ hoa. Thông qua bữa tiệc, ông Kerry hy vọng các bên có thể đối thoại, hòa giải mâu thuẫn và thống nhất quan điểm để tạo nên mối đoàn kết quốc tế trước thách thức khí hậu.
Chủ tịch COP28 từng nhấn mạnh, đến năm 2030, dân số thế giới dự kiến tăng thêm nửa tỷ người, kéo theo sự gia tăng về nhu cầu năng lượng. Do đó, thế giới phải giảm khoảng 43% lượng khí thải trong vòng 7 năm tới để giảm nhiệt độ toàn cầu. (Nguồn: Swan Singh) |
Tiếng nói ủng hộ
Ông John Curtis là người lãnh đạo nhóm khí hậu tại Hạ viện của đảng Cộng hòa gồm 80 thành viên, với mục tiêu bảo vệ nhiên liệu hóa thạch và chấp nhận hệ lụy biến đổi khí hậu do con người gây ra. Trong bữa tiệc, nhà lập pháp bảo thủ hoan nghênh ông Al-Jaber trong vai trò Chủ tịch COP28 và hy vọng ông sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Nhờ việc nhiệt tình đóng góp ý kiến trong hai Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc gần nhất, ông John Curtis đã đưa dầu mỏ trở thành đề tài chính trong cuộc đàm phán tháng 11 sắp tới, qua đó thu hút sự chú ý của chính quyền Biden và ông Kerry.
Quan hệ giữa hai ông Kerry và Curtis tương đối gần gũi. Thậm chí, vị nghị sĩ bảo thủ từng khen ngợi ông Kerry là “một trong những người sẵn sàng lắng nghe ý kiến của tôi và câu hỏi của chúng ta. Anh ấy biết nhiều người trong nhóm khí hậu tại Hạ viện thuộc đảng Cộng hòa”.
Bên cạnh đó, buổi tiệc còn có sự xuất hiện của Giám đốc viện nghiên cứu The Atlantic Council Frederick Kempe, vốn ủng hộ việc bổ nhiệm lãnh đạo tập đoàn dầu khí ADNOC vào vị trí Chủ tịch COP 28. Ông Frederick Kempe từng khẳng định, ông Al-Jaber là lựa chọn lý tưởng để điều phối Hội nghị, vào thời điểm mà các nỗ lực giải quyết thách thức khí hậu còn quá chậm, thiếu tính toàn diện để đạt được kết quả bước ngoặt.
Tuyên bố cứng rắn
Trong khi đó, ông Sheldon Whitehouse, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Thượng viện nêu cao quan điểm bãi bỏ nhiên liệu hóa thạch. Vị Thượng nghị sĩ là một trong 133 nhà lập pháp ở Mỹ và châu Âu kêu gọi ông Al-Jaber từ bỏ chức Chủ tịch COP28. Họ nêu lý do rằng, việc đưa lãnh đạo tập đoàn dầu khí vào vị trí Chủ tịch COP 28 sẽ phá hoại các cuộc đàm phán khí hậu.
Phát biểu tại bữa tiệc, ông Whitehouse bày tỏ lo lắng về khả năng đóng góp của ông Al-Jaber và nghi ngờ triển vọng xây dựng thỏa thuận chống biến đổi khí hậu trong hội nghị sắp tới. Mối quan ngại của ông Whitehouse là có cơ sở, bởi theo báo cáo của tờ Politico, trong thập kỷ qua, UAE đã chi hàng triệu USD cho các công ty tư vấn để đánh bóng hình ảnh về hoạt động sản xuất dầu mỏ.
Thậm chí, UAE còn lên kế hoạch trở thành "nước mở rộng sản xuất dầu và khí đốt lớn thứ ba thế giới" từ năm 2023 đến năm 2025. Khi đó, tập đoàn ADNOC sẽ bắt tay vào việc đẩy mạnh khai thác tài nguyên và có thể tạo ra hơn 2,7 gigaton khí thải CO2.
Như vậy, ngoại giao bữa tối của Nhà Trắng đã phần nào giới thiệu và giúp ông Al-Jaber “quen mặt” với chính giới Mỹ, từ đó đạt được sự ủng hộ nhất định và củng cố uy tín của chủ nhà UAE trong hội nghị sắp tới. Song đây chỉ là thành công bước đầu, bởi lãnh đạo công ty ADNOC vẫn chưa giải tỏa được nghi ngờ từ phía các nhà hoạt động môi trường và thượng nghị sĩ Mỹ.
| Hàn Quốc: Bình Nhưỡng phóng hai tên lửa đạn đạo trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nga-Triều Tiên Theo quân đội Hàn Quốc, Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển phía Đông từ khu vực Sunan ... |
| Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự hội nghị trù bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai Ngày 21/9 theo giờ New York, tại trụ sở Liên hợp quốc, đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng trù bị cho Hội nghị Thượng ... |
| Đại sứ Nga phản ứng trước việc Mỹ thông báo không mời Tổng thống Putin dự Hội nghị thượng đỉnh APEC Mỹ thông báo quyết định sẽ không mời một số nhà lãnh đạo tới Hội nghị thượng đỉnh APEC tại San Francisco (dự kiến diễn ... |
| Ngoại trưởng Nga tới Trung Quốc trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Putin Bộ Ngoại giao Nga thông báo Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã đặt chân đến thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc trong ngày 16/10. |
| Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói gì về chuyến thăm Mỹ sắp tới của Ngoại trưởng Vương Nghị? Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh mong muốn mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ trở lại “đúng hướng” thông qua chuyến thăm Washington của ... |