Họp báo cuối năm 2014 của Tổng thống Nga Putin thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. |
Chỉ là sao chép?
Theo tác giả, sau sự sụp đổ của Liên Xô, trong "những năm 1990 đen tối" lẫn giai đoạn phục hồi đầu thế kỷ mới, Nga thiếu quyết tâm trong việc định hình lại bản sắc và mục tiêu ảnh hưởng khi phải đối phó với rất nhiều vấn đề sinh tồn khác. Tuy nhiên, vào giữa thập niên 2000, nền kinh tế Nga bắt đầu có dấu hiệu hồi phục. Dường như đây cũng là lúc giới tinh hoa chính trị và trí thức Nga nhận thức mức độ quan trọng của ngoại giao công chúng. Việc cải thiện hình ảnh quốc tế của Nga đã trở nên cấp bách hơn giai đoạn trong và sau cuộc chiến Gruzia năm 2008, giai đoạn 2011-2012 với những cuộc xuống đường phản đối Putin và bây giờ với Ukraine.
Nga không giấu diếm việc nước này muốn được công nhận là một cường quốc của thế giới, sẵn sàng và có khả năng chống lại sự thống trị đầy kiêu hãnh của Mỹ và phương Tây. Lập trường này xung đột với thế giới quan phương Tây, góp phần dẫn đến những căng thẳng mà chúng ta quan sát ngày hôm nay.
Tuy nhiên, ngoại giao công chúng Nga đã không có gì nổi bật hẳn trong suốt những năm qua mặc dù hầu hết cuộc thảo luận về vấn đề này ban đầu đã thu hút rất nhiều học giả, đặc biệt là những nghiên cứu của nhà khoa học chính trị Mỹ Joseph Nye, người tiên phong về lý thuyết "quyền lực mềm" trong quan hệ quốc tế. Theo tác giả Yelena Osipova, Nga dường như học hỏi được rất nhiều từ kinh nghiệm của Mỹ và châu Âu, từ đó cố gắng áp dụng và hình thành nên chính sách của họ. Nga nhìn thấy rõ các "dự án sức mạnh mềm" của Mỹ và châu Âu đã góp phần quan trọng tạo nên những biến động lớn nhằm thiết kế lại thể chế chính trị trong khu vực Liên Xô cũ được biết đến như là cuộc "Cách mạng màu", trong trường hợp của Gruzia (2003), Ukraine (2004), Moldova (2009), Iran (2009), Mùa xuân Ả rập (2011) và cũng như ở chính nước Nga (2011-2012).
Ban đầu, trong khi theo dõi lá bài đó của Mỹ và phương Tây, Kremlin nhận ra họ có thể sử dụng các phương pháp và cách tiếp cận tương tự để thúc đẩy lợi ích và mục tiêu riêng của mình. Cụ thể, Nga nỗ lực hỗ trợ phát triển quân sự và đẩy mạnh các giao dịch thương mại đi kèm với "sự ràng buộc" rất chặt chẽ với các quốc gia thuộc khu vực hậu Xô Viết và cả một số nước EU.
Tuy nhiên, từ bài học trỗi dậy của Trung Quốc, người Nga nhận ra rằng không thể sao chép các phương pháp tiếp cận của phương Tây để phục vụ cho lợi ích của mình mà phải triển khai một chiến dịch với các biện pháp thích hợp để đưa thông tin, hình ảnh của Nga ra nước ngoài. Vì vậy, họ đã bắt đầu tái cấu trúc, định hình lại chúng để thích ứng với bối cảnh và nguyện vọng của riêng mình. Đó cũng là lý do chính phủ Nga tăng cường các nguồn lực ngày càng lớn hơn cho mục đích này.
Sản phẩm của nỗ lực ngoại giao công chúng Nga mà chúng ta có thể thấy ngay hôm nay là các mạng lưới truyền hình RT, Rossotrudnichestvo (Cơ quan Liên bang về Cộng đồng các quốc gia độc lập, người Nga sống ở nước ngoài, và hợp tác nhân đạo quốc tế), Ruskiy Mir Foundation (Quỹ Thế giới Nga) và Gorchakov Foundation. Những người đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức này có trách nhiệm thúc đẩy ngôn ngữ, văn hóa, và quan điểm Nga ra toàn thế giới. Đây là sự khác biệt của nghệ thuật ngoại giao công chúng và quyền lực mềm Nga so với các nước khác.
Mục tiêu rộng mở
Ngoại giao công chúng Nga hình thành dựa vào quá khứ hào hùng, bản sắc và lợi ích của họ, có thể được phân loại thành bốn nhóm mục tiêu:
Giải thích hành vi của Nga
Nhằm giúp thế giới trả lời câu hỏi chủ đạo: "Tại sao Nga có hành động như vậy?", Nga muốn nhấn mạnh vào động lực tích cực, chân chính của hành vi, cho dù là quá khứ hay hiện tại, trước các mối đe dọa đối với nước Nga, đặc biệt là từ phương Tây và các nhóm Hồi giáo cực đoan. Ví dụ điển hình là lập trường của Nga đối với "Mùa xuân Ả rập", cụ thể là trong trường hợp của Syria hay cách hành xử của Kremlin trước khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Công chúng mục tiêu ở đây không được định nghĩa rõ ràng. Có vẻ như họ là những người có cảm tình với xứ sở bạch dương. Phần lớn các thông điệp và báo cáo chính trị được đưa ra ở cấp độ ngoại giao cao nhất và chính thức như phát biểu của Vitaly Churkin, Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Sergey Lavrov và cả Tổng thống Putin… hoặc thông qua các dự án như website Russia Direct (nhằm vào lĩnh vực chính trị và giáo dục Mỹ).
Thiết lập một sự thay thế cho tự do bá quyền phương Tây
Không chấp nhận trật tự thế giới do Mỹ làm bá chủ toàn cầu, Kremlin quyết tâm thay đổi cán cân hướng tới một thế giới "đa cực" hơn, phản ánh và đáp ứng được nhu cầu và mục tiêu của mình. Trong các lĩnh vực chính trị và kinh tế, Nga đã bắt đầu thực hiện những bước tiến quan trọng thông qua các thỏa thuận của BRICS, quan hệ đối tác với các nước Mỹ Latinh, Liên minh Kinh tế Á-Âu trong khu vực hậu Xô Viết. Tác giả cho rằng từ đây, Nga muốn "vẽ" lại tiêu chuẩn, chống lại sự thống trị của các tiêu chuẩn "tự do, dân chủ" vốn được coi là chuẩn mực phương Tây. Công chúng mục tiêu chính là những người ở khu vực hậu Xô viết và những người không sống, không chịu ảnh hưởng bởi phương Tây trên thế giới.
Mặt khác, ở phương Tây, Nga cũng cố gắng tiếp cận với mọi giới cho dù theo cánh tả hay cánh hữu miễn là sẵn sàng hợp tác với Nga. Tuy nhiên, theo nhiều nhận định, trong ngắn hạn, ngoại giao công chúng Nga chưa tỏ rõ hiệu quả và sức ảnh hưởng của mình đối với người dân ở các quốc gia này.
Tập hợp tinh thần Nga và những người yêu mến nước Nga
Đây là cách hiểu riêng của Kremlin về các khái niệm "mạng lưới". Theo đó, chính phủ Nga cố gắng kết nối người Nga trong nước và kiều bào sống ở nước ngoài, nhất là những nước Liên Xô cũ. Tận dụng đặc điểm cộng đồng người dân nuôi dưỡng một ý thức về bản sắc chung. Nga có chính sách vận động những người này theo lợi ích của mình ngay chính trong quốc gia sở tại. Rõ ràng, không thể đánh giá thấp vai trò của người gốc Nga ở Ukraine trong những biến động vừa qua. Các tổ chức như RUSSKIY Mir, Rossotrudnichestvo, Quỹ Trợ giúp pháp lý và bảo hộ quyền kiều bào ở nước ngoài, Diễn đàn Tuổi trẻ nước Nga… đều hướng đến việc tập hợp người Nga và người yêu nước Nga.
Thúc đẩy sự tự hào về lịch sử và văn hóa Nga
Nước Nga luôn ý thức được quá khứ huy hoàng và đóng góp của mình cho nền văn hóa thế giới. Họ xác định cần lấy lại sự công nhận này cho những thành tựu của nước Nga trên con đường tái khẳng định vai trò một cường quốc. Cộng đồng quốc tế nhìn thấy nỗ lực mang bản sắc Nga trong Olympic mùa đông Sochi, các buổi trình diễn ballet và opera, tinh thần và khát vọng Nga khi tái tổ chức kỷ niệm lớn Ngày Chiến thắng 9/5. Người Nga muốn nhắc nhở thế giới - và cả chính nước Nga về những gì họ đã đóng góp cho nhân loại.
Giới học giả đều đồng tình rằng chưa thể trả lời liệu có hay chưa một chiến lược ngoại giao công chúng mạch lạc của Nga. Tuy nhiên, từ những gì quan sát được, họ cho rằng Nga đang cố gắng sử dụng phương pháp tiếp cận khác nhau và các công cụ truyền thông để đi cùng với chính sách đối ngoại trên con đường tìm sự công nhận về vai trò của họ. Thực tế là ngoại giao công chúng Nga ngày nay đã có thành tựu nhất định và Kremlin vẫn đang triển khai chiến dịch sức mạnh mềm của mình ngay giữa những cạnh tranh chiến lược.
Theo Yelena Osipova, sự phát triển thú vị trong cách tiếp cận ngoại giao công chúng mà Nga đang thực hiện, cần tiếp tục được theo dõi bởi lẽ nó đã, đang và sẽ luôn góp phần tác động mạnh mẽ vào đời sống quan hệ quốc tế.
NGUYÊN BẢO (theo USC Center on Public Diplomacy)