📞

Ngoại giao kinh tế: Phát huy vai trò xung kích

Phan Mích 06:08 | 26/12/2024
Công tác ngoại giao kinh tế ngày càng thực chất hơn và bài bản hơn, theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nổi bật với “ba rõ”: Kết quả rõ, sản phẩm rõ, đóng góp rõ cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh những kết quả tích cực trong công tác ngoại giao kinh tế, là điểm sáng trong công tác đối ngoại, đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. (Ảnh: Tuấn Anh)

Thủ tướng đã có cuộc đối thoại thẳng thắn và cởi mở với các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đại diện các hiệp hội, bộ ngành… tại Hội nghị tổng kết công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) năm 2024 và trọng tâm năm 2025 nhằm tạo đà bứt phá cho tăng trưởng, ngày 20/12 tại Hà Nội.

Câu chuyện “hạt gạo làng ta” liên tục ghi điểm trên sân chơi thế giới những năm gần đây đã được bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhắc lại đầy hứng khởi tại Hội nghị.

Theo bà Tâm, năm 2024 ghi dấu ấn là một năm thật sự ấn tượng với ngành gạo Việt Nam với con số xuất khẩu cao kỷ lục, đạt hơn 9 triệu tấn, kim ngạch đạt khoảng 5,68 tỷ USD, vượt trội cả về sản lượng và giá trị so với những năm trước. Giá gạo ở Việt Nam trong năm luôn duy trì ở mức cao, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vươn lên cạnh tranh tốt hơn với các nhà xuất khẩu nước ngoài, đặc biệt là trong các đợt đấu thầu gạo quốc tế lớn.

Song hành cùng hiệp hội, địa phương

Có được những thành công ấn tượng như vậy, bà Tâm khẳng định, đến từ vai trò rất lớn của các Đại sứ, Tham tán thương mại, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã luôn bám sát tình hình kinh tế, chính trị, cập nhật thay đổi trong chính sách của thị trường các nước, từ đó tham mưu cho Chính phủ, các bộ ngành, hiệp hội và doanh nghiệp, kể cả việc phối hợp tháo gỡ, vướng mắc trong các thủ tục, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.

“Có thể nói chưa bao giờ ngành Ngoại giao, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ lại có vai trò xuyên suốt, hiệu quả, đạt được những dấu mốc lớn trong sự phát triển kinh tế như hiện nay”, bà Tâm nhận định.

Không chỉ riêng ngành gạo, dưới sự trợ lực của công tác NGKT, nông sản Việt Nam cũng ghi dấu ấn đậm nét trên nhiều thị trường quốc tế, mang lại một “mùa vàng bội thu” cho ngành Nông nghiệp với con số xuất siêu năm 2024 đạt kỷ lục mới 18,6 tỷ USD và tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 62,4 tỷ USD, tăng trưởng vượt bậc so với con số 54 tỷ USD đạt được năm 2023. Những “con số biết nói” cũng chính là những “trái ngọt” thu được từ sự hợp tác liên tục và chặt chẽ trong một khoảng thời gian dài giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Hội nghị diễn ra trong không khí sôi nổi và kéo dài hơn dự kiến khi rất nhiều đề xuất, kiến nghị cụ thể từ phía đại diện các bộ ngành, hiệp hội, ngành hàng, địa phương… được gửi tới ngành Ngoại giao, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Đó là đề xuất “ngoại giao tổng lực” cho lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo đến từ Hiệp hội Phần mềm và công nghệ thông tin hay đề nghị phối hợp xây dựng chiến lược cho nền kinh tế trà với “đặt hàng” cụ thể là tiếp cận, xuất khẩu trà Việt Nam sang hai thị trường rộng lớn Pakistan và Nga với hơn 400 triệu người uống trà đến từ tỉnh Thái Nguyên…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh)

Quyết liệt, chủ động, đột phá

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng khẳng định, công tác NGKT đã được triển khai với tinh thần quyết liệt, chủ động, mở ra nhiều hướng đi mới, mang tính đột phá, đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp ngày càng thực chất, hiệu quả hơn vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Trong gần 60 hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo chủ chốt trong năm 2024, nội dung kinh tế đã trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất. Hơn 170 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết nhân dịp các hoạt động cấp cao. Quan hệ đối ngoại của ta tiếp tục được mở rộng, nâng tầm, nâng cấp. Qua các hoạt động trao đổi cấp cao và các cấp, ta đã thúc đẩy làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống thông qua đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động với các thị trường lớn, các đối tác các đối tác đầu tư chủ chốt, quan trọng, nhất là khu vực: Đông Bắc Á, châu Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông.

Công tác NGKT cũng chủ động thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh trong tất cả các hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp, góp phần hỗ trợ quá trình chuyển đổi, cơ cấu lại nền kinh tế, tạo các động lực cho tăng trưởng bứt phá.

Thứ trưởng chia sẻ, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành liên quan đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động NGKT nhằm thúc đẩy ngoại giao công nghệ, ngoại giao bán dẫn, đổi mới sáng tạo, triển khai nhiều hoạt động quyết đoán, quyết liệt, hiệu quả, thiết thực, đúng thời điểm để thúc đẩy ngoại giao công nghệ với các đối tác chủ chốt và các tập đoàn công nghệ hàng đầu.

Công tác NGKT cũng đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hoá đối tác, bên cạnh việc tiếp tục khai thác hiệu quả các thị trường truyền thống, triển khai quyết liệt việc tạo đột phá ở các thị trường mới, tiềm năng như khu vực Mỹ Latinh, Trung Đông - châu Phi, Trung Đông Âu; thúc đẩy các hướng đi mới như phát triển ngành Halal…

Việt Nam tích cực thúc đẩy ký kết các FTA mới, nâng tổng số FTA Việt Nam ký kết và tham gia lên 17; đẩy mạnh triển khai các FTA đã ký kết, tích cực tháo gỡ các rào cản thị trường, qua đó góp phần phục hồi, tăng trưởng xuất khẩu. Công tác NGKT cũng phát huy vai trò chủ động, tham gia tích cực, đóng góp thực chất tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước, thu hút nguồn lực phục vụ phát triển. Qua đó, Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực, trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

94 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và 63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tham dự Hội nghị theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. (Ảnh: Tuấn Anh)

“Đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể”

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng, hoan nghênh những kết quả tích cực trong công tác NGKT là điểm sáng trong công tác đối ngoại, đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với 15/15 chỉ tiêu đạt và vượt, tăng trưởng khoảng trên 7%, thu hút FDI 11 tháng tăng 12,4% đạt 31,4 tỷ, với số giải ngân đạt 21,7 tỷ USD, cao nhất trong nhiều năm vừa qua…

Trong đó, NGKT thực sự trở thành nội hàm then chốt trong tất cả các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại cấp cao; sự chuyển biến về tư duy, cách làm; đóng góp hiệu quả cho việc thực hiện các đột phá chiến lược; NGKT được thể chế hoá, hệ thống hoá một cách bài bản và nhờ có được sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương.

Điểm lại 700 hoạt động NGKT, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch được triển khai tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và hơn 400 hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư tại các địa phương ở trong và ngoài nước với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, linh hoạt, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, công tác NGKT ngày càng thực chất hơn và bài bản hơn, với “ba rõ”: Kết quả rõ, sản phẩm rõ, đóng góp rõ cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Thủ tướng cũng chỉ rõ một số hạn chế, nhất là “bệnh” thành tích, hình thức, hời hợt…. Thời gian tới, tình hình quốc tế sẽ ngày càng phức tạp, đan xen cơ hội và thách thức, trong đó mặt thách thức vẫn nổi trội. Do đó, cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm tạo đột phá về NGKT.

Nêu rõ coi trọng trí tuệ, thời gian, nắm chắc tình hình, thích ứng linh hoạt, quyết đoán, Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2025 vừa là năm bứt tốc, hoàn thành các mục tiêu phát triển của giai đoạn 2021-2025; vừa là giai đoạn gấp rút chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Người đứng đầu Chính phủ đã trực tiếp giao nhiệm vụ cụ thể cho các Đại sứ, Trưởng Cơ quan Việt Nam tại nước ngoài: thúc đẩy phát triển kinh tế cửa khẩu, kết nối giao thông, nhất là kết nối đường sắt; hợp tác xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng… “Đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể”, Thủ tướng chỉ rõ.

Nhấn mạnh, phải phân công “rõ mục tiêu, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả”, Thủ tướng tin tưởng với sự chung sức, đoàn kết, đồng lòng của các ban, bộ, ngành, địa phương và hiệp hội, doanh nghiệp, nhất là tính chủ động tích cực, phát huy vai trò xung kích của ngành Ngoại giao, các Cơ quan đại diện ở nước ngoài, công tác NGKT sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, toàn diện, sáng tạo hơn và đạt được những kết quả năm sau tốt hơn, đột phá hơn năm trước, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của giai đoạn 2021-2025; củng cố nền tảng cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.