📞

Ngoại giao kỹ thuật số

11:49 | 02/03/2009
TS. Westcott (Mỹ), tác giả cuốn Ngoại giao kỹ thuật số: Tác động của Internet với quan hệ quốc tế, cho rằng Internet đã tạo ra các hình thức hợp tác và liên minh mới, nhưng nó cũng là một nhân tố của sự phân cực...
 

Dư luận đã không còn xa lạ với chuyện một đại sứ hay nhà ngoại giao có nhật ký trực tuyến (blog). Phức tạp hơn, một số cuộc đàm phán của các nước thuộc EU về các quy tắc của WTO đã phải tính đến việc đó có phải là vấn đề nóng trong cộng đồng blog hay không. Tại Canada, Bộ Ngoại giao và Thương mại Quốc tế từ năm 2004 đã tiến hành các “cuộc thảo luận trên mạng” 2 năm/lần để thu thập ý kiến của công chúng về các vấn đề thời sự.

 

Tuy nhiên, hoạt động này vẫn là khá “khiêm tốn” nếu so với hàng trăm diễn đàn mà các tổ chức phi chính phủ lập ra để khuyến khích các cuộc tranh luận về những quan điểm, chính sách của họ. Thực tế cho thấy, sự phát triển của Internet như một cuộc cách mạng đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cả đời sống và hoạt động ngoại giao.

 

Từ chuyện Bộ Ngoại giao Mỹ họp báo trên YouTube về chính sách của Chính phủ, đến việc sứ quán Canada tại Washington lập trang web Connect2Canada.com để cung cấp thông tin liên quan đến quan hệ Canada – Mỹ và thu hút người ủng hộ cho thấy Internet hay kỹ thuật số đang ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống quan hệ quốc tế.

 

Thay đổi cách làm việc truyền thống đã và đang trở thành ưu tiên của nhiều cơ quan làm việc trong lĩnh vực ngoại giao. Khi lập trang web Connect2Canada.com, Đại sứ Canada lúc đó là ông Allan Gotlieb hiểu rằng chỉ tập trung vào các hoạt động của Bộ Ngoại giao là không đủ. Trang web chính là nơi các vấn đề liên quan đến quan hệ Mỹ - Canada được cập nhật hàng ngày, đồng thời là nơi phổ biến các quan điểm của Canada, để từ đó, người Mỹ, cũng như những cá nhân và tổ chức có thiện cảm với Canada tìm đến.

 

Không chỉ Internet, cuộc cách mạng thông tin và truyền thông nói chung đã làm đa dạng hóa các nhân tố trong quan hệ quốc tế. Các hoạt động quan hệ quốc tế không còn là công việc của riêng Bộ Ngoại giao, mà nó trở thành hoạt động của tất cả mọi đối tượng, từ nguyên thủ quốc gia đến các bộ, ban, ngành. Có thể nói, ngoại giao truyền thống vẫn quan trọng, nhưng phải thích nghi với tình hình mới, khi các đối tượng mới sử dụng những công cụ mới để thực hiện vai trò của mình.

 

Sáng kiến họp báo trên mạng YouTube của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng mang lại những kết quả tích cực. Khởi động từ tháng 10/2008, chương trình Briefing 2.0 của phát ngôn viên Sean McCormack cho phép các phóng viên, sinh viên, nhà nghiên cứu cũng như blogger trực tiếp đặt câu hỏi về các chính sách đối ngoại của Mỹ, từ việc củng cố vị thế Mỹ đến chính sách của Mỹ với Venezuela, Iran…

 

Theo Westcott, sự thích nghi của ngành ngoại giao với nền công nghệ kỹ thuật số được thể hiện ở ba lĩnh vực. Thứ nhất, về mặt ý tưởng, yếu tố rất quan trọng trong chính sách đối ngoại, Internet là nơi mà ý tưởng được trao đổi với cường độ lớn, do đó ngoại giao phải có mặt để thu thập ý tưởng và gây ảnh hưởng. Thứ hai, Internet là mạng lưới của các mạng lưới, ngoại giao phải tìm cách tận dụng được mạng lưới đang tồn tại đồng thời tạo ra mạng lưới của chính mình để thu thập ý tưởng, thông tin và tương tác với các nhân tố khác. Thứ ba, lượng thông tin có mặt trên Internet ngày càng nhiều, nhưng không ai bảo đảm tất cả đều đáng tin cậy. Do vậy, nhà ngoại giao cần phải biết cách phân tích và chắt lọc thông tin.

 

Ông Westcott kết luận, sự phát triển của ngoại giao số có nghĩa là “nhà ngoại giao cần phải trở thành những chuyên gia Internet”.

 

Phương Nam(tổng hợp)