📞

Ngoại giao Niềm tin: Dấu ấn Giáo hoàng Francis

10:35 | 31/01/2015
Khi khói trắng bốc lên từ ống khói trên Nhà nguyện Sistine hôm 14/3/2013, người ta đã tin vào sự thay đổi rõ rệt hình ảnh của Vatican trong đời sống quốc tế với một vị Giáo hoàng năng động đến từ tây bán cầu.

Sáng kiến vô tiền khoáng hậu

Hôm 17/12/ 2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro tuyên bố bình thường hóa quan hệ trong sự sửng sốt của nhiều người. Mặc dù còn quá sớm để đánh giá chính xác vai trò của Vatican và Canada trong việc này, nhưng chắc chắn người ta phải công nhận chính Giáo hoàng Francis là nhân tố lan tỏa và thúc đẩy tiến độ một cuộc đàm phán quốc tế phức tạp bằng các hoạt động ngoại giao niềm tin của ông tại châu Mỹ.

Tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba bị đóng băng suốt năm năm sau khi công dân Mỹ Alan Gross bị La Habana bỏ tù cuối năm 2009. Giữa lúc bế tắc, tháng 3/2014, ông chủ Nhà Trắng đến thăm Tòa thánh và Giáo hoàng đã đưa ra đề nghị có tính chiến lược là thúc đẩy hành lang pháp lý cho người nhập cư. Sau đó, Giáo hoàng đã viết hai bức thư riêng gửi cho Obama và Raul Castro mong muốn Mỹ và Cuba giải quyết các vấn đề nhân đạo cùng quan tâm để mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ hai bên. Các học giả cho rằng đây là sáng kiến vô tiền khoáng hậu và mang tính chất quyết định thúc đẩy vấn đề tiến triển. Kết quả là tháng 10/2014, Vatican mở cửa chào đón các nhà đàm phán hai nước tham dự phiên họp cuối cùng. Giáo hoàng và các phụ tá một lần nữa thúc giục Cuba tập trung vào mục tiêu ban đầu là trao đổi tù nhân. Và rồi chỉ vài giờ trước thời điểm tuyên bố bình thường hóa quan hệ hôm 17/12, khi máy bay chở tù nhân hai bên trở về quê mẹ cũng là lúc người ta cảm nhận rõ nhất kết quả những lời cam kết xuất phát từ sự tin tưởng trong đàm phán ngoại giao.

Giáo hoàng từng là một thành viên nổi bật của Hội đồng giám mục Mỹ Latinh, am hiểu văn hóa Thiên chúa giáo của Cuba. Hội đồng này cùng với Vatican và Hội đồng giám mục Mỹ chủ trương tán thành việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba. Ông đã tận dụng thành công quan hệ lâu dài giữa Tòa thánh với Giáo hội Công giáo Cuba, với các chuyến đi của Giáo hoàng John Paul II (1998) và Giáo hoàng Benedict XVI (2012), hiện thực hóa nguyện vọng của những người đứng đầu Vatican khi đến thăm La Habana.

Thông điệp niềm tin

Sau khi nhậm chức, Giáo hoàng quan tâm đến một đường hướng ngoại giao mới. Tháng 8/2013, ông bổ nhiệm Sứ thần Vatican tại Venezuela, Hồng y Pietro Parolin giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao rồi sau đó là Quốc vụ khanh, trở thành nhân vật quyền lực thứ hai của Vatican. Parolin được cho là một trong những nhà ngoại giao tốt nhất ở Vatican, am hiểu Mỹ Latinh và có kinh nghiệm xử lý nhiều hồ sơ nhạy cảm của Tòa thánh với các nước châu Á.

Các nhà quan sát cho rằng phong cách của Parolin mâu thuẫn với cách tiếp cận ngoại giao tế nhị của Giáo hoàng Benedict XVI nhưng lại hợp với sự năng động, thực dụng của Giáo hoàng Francis. Parolin, một trong những nhân tố chủ chốt của quá trình đàm phán giữa Washington và La Habana, đã thể hiện những kỹ năng ngoại giao tuyệt vời và kiến thức mang đậm tính thực tiễn.

Giáo hoàng Francis rất chịu khó tiến hành các chuyến đi mang đậm màu sắc ngoại giao gây dựng niềm tin. Năm qua, ông thăm các quốc gia liên quan đến nhiều hồ sơ phức tạp của đời sống quốc tế như Israel, Palestine, Jordan, sau đó là Hàn Quốc và Philippines. Trong những chuyến đi đó, ông chú ý nhấn mạnh về sự hòa hợp tôn giáo, đấu tranh chống lại chủ nghĩa tôn giáo cực đoan. Khi đến Sri Lanka, một đất nước chỉ có 6% giáo dân, Giáo hoàng đã đến thăm một ngôi chùa, điều mà trong 30 năm qua chưa từng xảy ra kể từ khi Giáo hoàng John Paul II viếng một ngôi chùa ở Bangkok. Tháng 8/2014, khi đến Seoul, trước nỗi đau của người nhà nạn nhân, Giáo hoàng đã đeo chiếc ruy băng màu vàng tưởng nhớ thảm họa đắm tàu Sewol, bất chấp nguyên tắc cần giữ sự trung lập chính trị.

Tháng 11/2014, khi thực hiện chuyến thăm lịch sử đến Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia có mô hình Nhà nước thế tục nơi Hồi giáo chiếm đa số, Giáo hoàng Francis và nhà lãnh đạo tinh thần của tín đồ Chính thống giáo trên thế giới, Đại Giáo trưởng Bartholomew I đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt sự bách hại người Cơ đốc giáo ở Trung Đông, nhất là ở Iraq và Syria.

Trong năm 2015, theo kế hoạch, Giáo hoàng sẽ có chuyến thăm đầu tiên đến châu Phi, tại Uganda và Cộng hòa Trung Phi; sau đó là Mỹ Latinh với Ecuador, Bolivia và Paraguay trước khi đến Mỹ vào mùa Thu. Các học giả cho rằng điểm nhấn trong đường lối ngoại giao của Giáo hoàng là thúc đẩy quan hệ với những nước chưa đặt quan hệ, trong đó có cả Việt Nam.

Giáo hoàng Francis là một đại diện của những nỗ lực ngoại giao niềm tin trong đời sống quốc tế. Đây là một cách để nâng cao uy tín và vị thế của Vatican như một chủ thể quan hệ quốc tế đồng thời thúc đẩy các hoạt động mục vụ của mình.

“Đức Giáo hoàng đang sở hữu một quyền lực mềm trong ngoại giao. Ông không rao bán, áp đặt cách tiếp cận các vấn đề của mình. Francis là Francis, trung thực và chân thành, gần gũi và tôn trọng quan điểm của người khác. Giáo hoàng cho rằng tự do ngôn luận và tôn giáo là quan trọng, nhưng tất cả các quyền tự do phải được thực hiện trong phạm vi giới hạn của sự thật, theo đúng thứ tự và lợi ích chung”.

(Biên tập viên Sheila Liaugminas, MercatorNet)

NGUYÊN BẢO (tổng hợp)