📞

“Ngoại giao thầm lặng” của Oman

10:27 | 28/12/2014
Giữa năm, sự chú ý của dư luận vào quá trình chuyển giao quyền lực tại Oman sau khi Quốc vương nước này đi chữa bệnh tại Đức đã khiến chính sách “ngoại giao thầm lặng” khá đặc biệt của Oman được nhiều người biết đến.
Quốc vương Oman Qaboos bin Said tham dự lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh. (Reuters)

Cái tên Oman ít khi xuất hiện trong các cuộc đàm phán quốc tế về Trung Đông nhưng quốc gia này là một ví dụ hiếm hoi về ổn định, hội nhập, khoan dung tôn giáo và khéo léo ngoại giao trong khu vực.

Vị trí và sự khoan dung đặc biệt

Oman được hưởng lợi rất nhiều từ vị trí địa lý khi kiểm soát nửa phía nam của eo biển Hormuz, nơi có tuyến vận tải biển quan trọng đảm bảo lưu thông khoảng 30-40% nguồn cung dầu thế giới (nửa còn lại của eo biển được Iran kiểm soát). Có đường bờ biển dài hướng ra Ấn Độ Dương, Oman trở thành trung tâm thương mại khu vực với nhiều cơ hội phát triển chính sách mở cửa.

Oman là quốc gia biết tiết chế và khoan dung tôn giáo, là nước duy nhất trong thế giới Ả rập có dân số chủ yếu theo đạo Ibadi (một nhánh của Hồi giáo). Trên hết, đặc trưng của tôn giáo này là… không mang tính giáo phái. Các tín đồ Ibadi có thể vui vẻ cầu nguyện trong bất kỳ nhà thờ Hồi giáo nào và cũng chào đón những người của các giáo phái khác đến nơi thờ phụng của mình. Trong bối cảnh xung khắc dữ dội giữa người Sunni và người Hồi giáo Shia ở nhiều nước khác trong thế giới Ả rập, Oman thực sự là một hình mẫu về chung sống hòa bình.

Oman thực hiện khá tốt nguyên tắc bình đẳng giới. Nước này vừa thông qua đạo luật ủng hộ quyền của phụ nữ và giải quyết những vụ phân biệt đối xử đối với phụ nữ trong giáo dục, lao động và chính trị. Các cơ quan nhà nước tiếp nhận một số lượng đáng kể các đại diện phái nữ. Các bộ trưởng giáo dục và giáo dục đại học đều là nữ. Đại sứ Oman tại Hoa Kỳ cũng là nữ. Tỷ lệ nhập học của trẻ em gái ở trường tiểu học và trung học vượt trội so với trẻ em trai. Cứ ba người lao động có một người là nữ, tỷ lệ tương đối cao trong khu vực. Phụ nữ ở Oman có cùng quyền sở hữu đất đai như nam giới, khác hẳn với nhiều nước trong thế giới Ả rập.

Vai trò cầu nối

Xã hội và vị trí địa lý đặc biệt đã góp phần định hình chính sách ngoại giao của Oman, giúp nước này trở thành cầu nối khu vực với cả phương Đông và phương Tây. Nhiều thập kỷ trước khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói về chính sách đối ngoại "không có vấn đề với các nước láng giềng", Oman đã làm được điều này. Đơn cử: Oman đã duy trì quan hệ hòa bình với cả Iran và Iraq trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988); với cả Iran và Mỹ sau khi hai nước này chấm dứt quan hệ (1979). Gần đây, Oman đã tổ chức thành công các cuộc đàm phán biên giới giữa Saudi Arabia và Yemen, thúc đẩy biện pháp tái lập quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia, tạo điều kiện cho mối quan hệ tốt hơn giữa Yemen và các thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Mới nhất, Oman làm trung gian cho Qatar và Saudi Arabia, UAE và Bahrain sau những tranh cãi về sự ủng hộ của Doha đối với tổ chức Huynh đệ Hồi giáo ở khu vực.

Oman thành công trong việc tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán bí mật giữa Washington và Tehran, góp phần thúc đẩy kết quả các cuộc đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân của Iran, các vấn đề khác như việc thả ba con tin người Mỹ bị phía Iran bắt giữ. Oman cũng đóng vai trò quan trọng trong GCC, nỗ lực chống lại việc biến GCC thành một công cụ để chống hoặc làm suy yếu Iran. Oman quan tâm hơn đến thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các thành viên GCC thay vì hướng tới một sự thống nhất về quân sự hay chính trị.

Lịch thiệp và khiêm nhường

Nhiều “thành tích” như vậy, nhưng mỗi lần báo giới đề cập đến đóng góp của Oman thì các quan chức nước này lại tìm cách làm giảm nhẹ vai trò của mình. Bộ trưởng Ngoại giao Oman, khi bình luận trên AP về việc Oman đã tổ chức các cuộc đàm phán bí mật giữa Mỹ và Iran dẫn tới thỏa thuận quan trọng giữa Iran và nhóm P5+1 đầu năm 2013, cho rằng vai trò của Oman đã được “phóng đại”. Trong các cuộc trò chuyện, Hoàng thân Qaboos luôn tránh đề cập tới bất kỳ một cá nhân nào, kể cả bản thân ông.

Điều này xuất phát từ văn hóa “lịch thiệp” của Oman. Những nguyên tắc về đối ngoại cũng được ghi rõ trên trang web của Bộ Ngoại giao: phát triển và duy trì quan hệ tốt với tất cả các nước láng giềng; hướng ra bên ngoài phù hợp với vị trí địa lý và truyền thống; tiếp cận thực dụng với các mối quan hệ song phương dựa trên thực tế địa chiến lược chứ không phải là những quan điểm mang tính ý thức hệ tạm thời; tìm kiếm an ninh và ổn định thông qua hợp tác và hòa bình, chứ không phải là xung đột. Chính những nguyên tắc này đã tạo ra sự phản đối tính bè phái hay nhấn mạnh đến vai trò cá nhân.

Nhân tố quan trọng

Người ta cho rằng đóng góp lớn vào những thành công đối nội và đối ngoại của Oman là Quốc vương Qaboosbin Said, năm nay đã 73 tuổi. Từ khi lên ngai vàng năm 1970, ông đã thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa Oman và nâng cao mức sống người dân. Ông nỗ lực không mệt mỏi để xây dựng mối quan hệ hòa bình và phân định rõ biên giới với tất cả các nước láng giềng. Nhờ chính sách mở cửa do ông đề ra, Oman trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện chưa có thông tin chính thức về sức khỏe của Quốc vương, nhiều người tự hỏi liệu Oman có thể tiếp tục con đường phát triển mà không có ông? Bởi, dù không có sự chia rẽ về sắc tộc và tôn giáo nhưng không có nghĩa xã hội không tiềm ẩn những nhân tố bất ổn, chẳng hạn như thách thức đa dạng hóa nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và tỷ lệ thất nghiệp,.. Nước Mỹ thì sẽ phải lo ngại Oman sau này có kém nồng nhiệt hơn trong quan hệ đối tác chiến lược với Washington không hay hướng nhiều hơn vào Tehran.

Nguyễn Kim (theo Foreign Affairs và UNPI)