Sân vận động vắng bóng khán giả được coi là hình ảnh bình thường mới thời dịch Covid-19. (Nguồn: Reuters) |
Vốn không phải là một khái niệm mới, ngoại giao thể thao đã xuất hiện từ trước khi Joseph Nye đưa ra khái niệm “quyền lực mềm” (soft power). Về cơ bản, theo định nghĩa của chính Joseph Nye, quyền lực mềm là một loại năng lực, có thể giúp đạt được mục đích thông qua sức hấp dẫn chứ không phải cưỡng ép hoặc dụ dỗ, ngược hẳn với “quyền lực cứng” (hard power). Sức hấp dẫn này đến từ quan điểm giá trị về văn hóa, chính trị và chính sách ngoại giao của một nước.
Tuy nhiên, khi cả thế giới đang phải đối mặt với đại dịch nguy hiểm toàn cầu mang tên Covid-19, chúng ta lại bỏ lỡ khái niệm này, do việc chống lại dịch bệnh đòi hỏi những phản ứng gay gắt, chứ không phải là các cuộc đối thoại lịch sự.
Nhằm làm dịu đi sự xáo trộn và tâm lý hoảng sợ do đại dịch gây ra, một số quốc gia đang ủng hộ sự trở lại của các môn thể thao thi đấu trong bối cảnh thế giới đang sống trong trạng thái “bình thường mới”. Mục đích của sự trở lại này mang tính xã hội nhiều hơn là chính trị bởi suy cho cùng, Tổng thống Nga Vladimir Putin hay Tổng thống Mỹ Donald Trump đều là những người hâm mộ thể thao có tiếng.
Sự trở lại cần thiết
Những môn thể thao luôn đòi hỏi sự cọ xát cao, về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Do đó, từ khi Covid-19 lây lan rộng trên thế giới hồi tháng Hai, rất nhiều giải đấu quốc tế đã phải hoãn lại, thậm chí là hủy bỏ như Olympics Tokyo 2020, Euro 2020… cũng như các giải trong nước như Ligue 1 của Pháp, Eredivisie của Hà Lan… gây không ít hỗn loạn.
Thế nhưng, vẫn có một số quốc gia “cứng đầu”, mặc cho tình hình dịch bệnh căng thẳng. Hầu hết các giải bóng đá hàng đầu châu Âu như giải VĐQG Nga, Bundesliga (Đức), Serie A (Italy) hay Premier League (Anh) đều đã trở lại trong tháng Sáu vừa qua, với mục tiêu hoàn thành mùa giải mà không bị xáo trộn. Các cầu thủ đã phải thi đấu ở những sân vận động vắng khán giả, làm quen với điều luật mới, cũng như chịu sự quản lý về y tế chặt chẽ.
Tại Mỹ, tâm điểm dịch Covid-19 của thế giới, các môn thể thao chuyên nghiệp gồm bóng đá, bóng chày và bóng rổ cũng đã dần trở lại. Nhưng tình hình không mấy lạc quan khi trong tuần qua, 20 cầu thủ và nhân viên đội bóng chày Miami Marlins đã nhiễm Covid-19, còn đội St. Louis Cardinals ghi nhận sáu trường hợp...
Thể thao là ngành công nghiệp trị giá hàng trăm tỷ USD và đại dịch Covid-19 đã khiến các CLB chịu những khoản lỗ khổng lồ. Sự trở lại của thể thao giúp họ gỡ gạc được phần nào từ các khoản như bản quyền truyền hình, quảng cáo cũng như tiền thưởng từ các giải đấu.
Không dừng lại ở đó, các môn thể thao còn đem lại cho người xem cảm giác an toàn, “bình thường mới” trong một thế giới vô cùng hỗn loạn. Các trận đấu giúp quảng bá hình ảnh của một quốc gia tới hàng tỷ khán giả trên thế giới rằng: Đất nước chúng tôi vẫn vững vàng và an toàn trước đại địch kinh hoàng này.
Các cầu thủ CLB bóng chày Mỹ Los Angeles Dodgers đeo khẩu trang khi thi đấu. (Nguồn: AP) |
Giá trị của thể thao
Như đã nói ở trên, ngoại giao thể thao đã tồn tại từ rất lâu. Từ Thế vận hội mùa Hè năm 1936, vận động viên điền kinh người Mỹ gốc Phi Jesse Owens đã giành huy chương vàng ở bộ môn chạy 100m, chiến thắng những VĐV hàng đầu của Hitler thời đó. Một thông điệp về sự tự do của những “chủng tộc thấp kém” đã đập tan chủ nghĩa toàn trị của phát xít Đức “da trắng thượng đẳng”.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi dịch bại liệt đang tung hoành thế giới, Điện Kremlin cho phép hàng triệu công dân Liên Xô được thử nghiệm vaccine bại liệt do bác sĩ người Mỹ Albert Sabin phát triển. Đây là một nỗ lực ngoại giao và nhân đạo đáng kinh ngạc được thể hiện bởi hai kỳ phùng địch thủ thời đó.
Tuy nhiên, nhiều khả năng nỗ lực tương tự đối với vaccine Covid-19 sẽ không xảy ra do kịch bản tâm lý - chính trị hiện tại đã khác với trước kia. Một số quốc gia muốn phát triển vaccine riêng và không muốn chia sẻ những nghiên cứu, do lo ngại về nguy cơ gián điệp và đánh cắp thông tin. Tại sao những bộ óc y tế hàng đầu thế giới không tập trung lại dưới một mái nhà chung để cùng nhau nghiên cứu những loại vaccine tốt nhất để giải cứu lấy thế giới đang toàn cầu hóa mạnh mẽ? Câu trả lời chính là do chủ nghĩa dân túy đang ngày một được đẩy mạnh bởi chính những quốc gia từng đi đầu trong việc thúc đẩy toàn cầu hóa.
Covid-19 có thể sẽ thay đổi cách nhìn của chúng ta về “ngoại giao thể thao” thời hậu đại dịch. Liệu khẩu hiệu kêu gọi sự chung tay của toàn bộ dân số để tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn còn được đề cao, hay chỉ còn là những lời nói sáo rỗng đến từ một bộ phận các VĐV giàu có, có thể kiếm tiền dễ dàng qua các quảng cáo và chỉ chiếm 1% dân số toàn cầu?
Như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi: Hợp tác, không phải đối đầu, là phương án chính xác và duy nhất để ngăn chặn đại dịch Covid-19. Các quốc gia phải hợp tác với nhau để giảm thiểu rủi ro của cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này và trong tương lai. Và đây cũng chính là thông điệp mà những “nhà ngoại giao thể thao” với những luận điểm “mềm mỏng” nên tập trung vào, ít nhất là trong thời điểm này.