Toàn cảnh Hội nghị tổng kết 20 năm công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia ngày 4/3 tại Kiên Giang. (Ảnh: Bảo Chi) |
Hoạt động của Bộ trưởng Ngoại giao
Phát biểu khai mạc Hội nghị Tổng kết 20 năm công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia (1999-2019) và quán triệt tổ chức thực hiện hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc đạt được ngày 4/3, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng để khẳng định những kết quả đã đạt được trong suốt 20 năm đàm phán phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia (từ năm 1999- 2019), những bài học kinh nghiệm cần được thảo luận, đúc rút và đề ra phương hướng công tác trong thời gian tới.
Ngày 2/3, trong khuôn khổ Phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 49 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra tại Geneva, Thụy Sỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn,Trưởng đoàn Việt Nam đã có thông điệp trực tuyến quan trọng tại Phiên họp.
Ngoại giao song phương
Sáng 3/3, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã hội đàm với bà Katrina Cooper, Thứ trưởng phụ trách khu vực Đông Nam Á và Nhóm các đối tác toàn cầu, Trưởng SOM ASEAN, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đang ở thăm Việt Nam từ ngày 2-4/3.
Theo lời mời của Thủ hiến Daniel Andrews, Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành đã thăm chính thức bang Victoria từ ngày 28/2-2/3.
Ngày 3/3, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã thăm và làm việc tại Hội chợ Nông nghiệp Pháp (Salon Internationale de l’Agriculture - SIA) theo lời mời của Cơ quan quốc gia về Nông sản và Hải sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp Pháp (FranceAgriMer).
Chiều 2/3, Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga đã tổ chức cuộc gặp với đại diện các doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga để thảo luận, bàn biện pháp ứng phó với các lệnh cấm vận phương Tây áp đặt đối với nền kinh tế và tài chính Nga do chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine.
Ngày 1/3, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng đã gặp trực tuyến chào xã giao Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink nhân dịp bắt đầu nhiệm kỳ công tác tại Hoa Kỳ.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Burnei (29/2/1992-28/2/2022), Đại sứ Việt Nam tại Brunei Trần Văn Khoa đã trả lời Báo TG&VN về những điểm nhấn quan trọng cũng như định hướng trong quan hệ song phương.
Ngoại giao đa phương
Phát biểu tại cuộc họp về chủ đề “Bảo vệ hành tinh và sẵn sàng cho tương lai” ngày 3/3 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ), Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ đánh giá cao các đề xuất của Tổng thư ký LHQ trong Báo cáo Chương trình hành động chung với nhiều sáng kiến mang tính đột phá, hướng tới tương lai, rất quan trọng đối với Việt Nam, các nước đang phát triển, và cả thế giới. Cùng ngày, Đại sứ Đặng Hoàng Giang đã gặp chào xã giao Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 76 Abdulla Shahid.
Từ ngày 28/2-2/3, Đại hội đồng LHQ đã tổ chức phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 để thảo luận về tình hình Ukraine. Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ đã có bài phát biểu tại cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp khẩn cấp từ 2-3/3 để thảo luận về tác động của tình hình tại Ukraine tới an toàn và an ninh hạt nhân cũng như hoạt động thanh sát hạt nhân của IAEA, Đại sứ Nguyễn Trung Kiên - Đại diện thường trực Việt Nam tại IAEA tham dự với tư cách thành viên Hội đồng Thống đốc nhiệm kỳ 2021-2023 cho biết, Việt Nam quan ngại sâu sắc và chia sẻ quan tâm của các nước về an toàn và an ninh hạt nhân tại Ukraine.
Nhân dịp Ngày ASEM, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu có bài viết về 'Hợp tác Á-Âu: Vượt qua khó khăn, hướng tới giai đoạn phát triển mới'.
Tin Người phát ngôn
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 3/3, trả lời câu hỏi của phóng viên, đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về nghị quyết của phiên họp đặc biệt tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 2/3 về tình hình Ukraine, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
Liên quan đến phiên họp khẩn cấp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc về tình hình Ukraine và việc bỏ phiếu Nghị quyết tại đây, quan điểm của chúng tôi là Việt Nam luôn theo dõi sát sao và hết sức quan ngại trước tình hình xung đột vũ trang tại Ukraine đang ảnh hưởng tới hoà bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới.
Chúng tôi cho rằng ưu tiên hiện nay là cần kiềm chế tối đa, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực để tránh gây thêm thương vong và tổn thất đối với dân thường, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh nhằm đạt được giải pháp lâu dài, có tính đến lợi ích chính đáng của tất cả các bên, trên cơ sở phù hợp với Hiến chương của Liên hợp quốc các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Lập trường này của Việt Nam đã được nêu rõ tại phát biểu ngày 25/2 của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao và phiên họp khẩn cấp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa qua vào ngày 1/3.
Liên quan đến tình hình hiện nay tại Ukraine, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
Việt Nam hết sức quan ngại về tình hình xung đột vũ trang tại Ukraine. Chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế, chấm dứt ngay các hành động sử dụng vũ lực, tránh gây thương vong và tổn thất cho dân thường.
Việt Nam hoan nghênh đối thoại đang diễn ra giữa 2 phái đoàn Ukraine và Nga, mong các bên sớm tìm giải pháp hòa bình lâu dài cho các bất đồng trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế và tính đến quyền và lợi ích chính đáng của các bên liên quan; bảo đảm an ninh, an toàn và nhu cầu thiết yếu dành cho người dân, bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu theo Luật Nhân đạo quốc tế.
Việt Nam ủng hộ và đề nghị cộng đồng quốc tế tiếp tục tạo điều kiện để các bên đối thoại, thúc đẩy viện trợ, cứu trợ nhân đạo cho người dân; đề nghị các bên liên quan đảm bảo an ninh, an toàn, tạo điều kiện sơ tán khi cần thiết cho các cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống tại Ukraine, trong đó có cộng đồng người Việt Nam.
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cũng đã cập nhật về chính sách thị thực nhập cảnh, tình hình bảo hộ công dân tại Ukraine, thông tin về Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ sắp tới
Bảo hộ công dân
Trước bối cảnh tình hình diễn biến rất phức tạp tại Ukraine, để giúp cộng đồng người Việt tại Ukraine trong quá trình sơ tán, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện phối hợp với các hội đoàn người Việt tại các nước Ba Lan, Nga, Hungary, Romania, Slovakia và Belarus tìm hiểu thông tin cho quá trình sơ tán, tổ chức đón và hỗ trợ bà con từ Ukraine trong trường hợp bà con sơ tán sang các nước lân cận.
Báo TG&VN liên tục cập nhật những thông tin, diễn biến mới nhất về tình hình người Việt tại Ukraine cũng như các công tác hỗ trợ, bảo hộ công dân trong quá trình sơ tán.
Các hoạt động khác
Nhân dịp Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 18/2022/NĐ-CP (Nghị định 18) về nghi lễ đối ngoại, Đại sứ Nguyễn Việt Dũng, Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước (Bộ Ngoại giao) đã chia sẻ về những nét mới và ý nghĩa của Nghị định, góp phần hướng tới xây dựng một nền ngoại giao toàn diện,hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Nguyễn Minh Vũ trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959-3/3/2022) và 33 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989-3/3/2022).
Ngày 28/2, tại trụ sở Bộ, Ban cán sự đảng và Đảng ủy Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị “Nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII và học tập Chuyên đề năm 2022 về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022” đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc Bộ ở trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.