📞

Ngoại giao trong tuần: Phó Thủ tướng làm việc với TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam phản đối sai phạm của Trung Quốc trên Biển Đông

Nhất Phong 14:00 | 03/07/2020
TGVN. Báo TG&VN điểm lại một số thông tin nổi bật của ngoại giao Việt Nam trong tuần từ ngày 29/6 đến 3/7.  
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nghe giới thiệu về gói thầu CP1a (đoạn từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố dài 515m). (Nguồn: Báo Giao thông)

Hoạt động của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao

Sáng ngày 29/6, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đi thị sát tuyến đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên, tuyến metro đầu tiên của TP. Hồ Chí Minh.

Chiều cùng ngày, làm việc với lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế, do đó trong những tháng cuối năm 2020, Chính phủ tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn ODA, coi đây là một trong những giải pháp rất quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Theo kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020, tổng vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương cho TP. Hồ Chí Minh là trên 20.000 tỷ đồng, đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành địa phương có nhiều dự án ODA nhất cả nước.

Để tăng tốc tiến độ giải ngân, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tập trung phối hợp hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân bởi đây là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ đối với thành phố mà còn với cả nước trong nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Chiều ngày 30/6, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có buổi làm việc với 5 tỉnh, thành phố ĐBSCL nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi tại các địa phương này.

Giai đoạn 2016-2020, ĐBSCL tiếp nhận 100 dự án với tổng số vốn trên 39.000 tỷ đồng, trong đó 5 tỉnh, thành nêu trên có 23 dự án ODA với số vốn vay là 641 triệu USD, chiếm gần 1/3 tổng nguồn vốn ODA cho ĐBSCL.

Phó Thủ tướng chỉ rõ trong 6 tháng đầu năm 2020, tiến độ giải ngân vốn ODA của 5 địa phương còn rất thấp, vì vậy lãnh đạo các địa phương cần nêu rõ khó khăn vướng mắc đối với từng dự án và đặc biệt là đặt quyết tâm đến đâu, giải pháp thế nào để đẩy nhanh tiến độ các dự án từ nay đến cuối năm.

Ngoại giao song phương

Chiều 1/7, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Đặng Minh Khôi đã tiếp Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Tanee Sangrat.

Thứ trưởng Đặng Minh Khôi gửi lời cảm ơn tới Chính phủ Thái Lan vừa qua đã tạo điều kiện cấp giấy tờ pháp lý cho những Việt kiều cao tuổi. Thứ trưởng cũng mong muốn Hoàng gia và Chính phủ Thái Lan tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt sinh sống ổn định và đối xử bình đẳng như những cộng đồng kiều bào khác đang sinh sống tại Thái Lan.

Ngày 2/7, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã tổ chức họp báo về kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ (12/7/1995-12/7/2020), với sự tham dự của Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink. Những mẩu chuyện của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho thấy một góc nhìn giản dị, gần gũi về tiến trình hòa giải “chậm mà chắc” trong quan hệ song phương.

Trả lời cho câu hỏi về các hoạt động kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ, ngày 2/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, năm 2020 là năm Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai bên dự kiến triển khai nhiều các hoạt động kỷ niệm của cả Việt Nam và Mỹ như các hoạt động trao đổi đoàn, các hoạt động khác như các cuộc gặp gỡ tiếp xúc của các người Việt Nam tại Mỹ, các hoạt động đa phương, các hoạt động kinh tế thương mại, các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật.

Ngoại giao đa phương

Ngày 2/7, Tổ công tác Liên ngành về việc Việt Nam đảm nhận cương vị Ủy viên Không thường trực HĐBA LHQ tổ chức họp định kỳ nhằm sơ kết công tác tham gia HĐBA của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 và thảo luận về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Hoài Trung khẳng định, Việt Nam hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu và phương châm đề ra, đóng góp chủ động, tích cực vào hoạt động của HĐBA, qua đó góp phần tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển và hội nhập của đất nước, thúc đẩy quan hệ song phương tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước.

Ngày 1/7, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, đã tham dự Diễn đàn trực tuyến Lãnh đạo cấp cao về hợp tác y tế Hoa Kỳ-ASEAN: Vai trò khu vực tư nhân Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống Covid-19.

Thứ trưởng khẳng định ASEAN sẽ luôn là sự lựa chọn tin cậy cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ, đánh giá cao vai trò cầu nối của USABC và hoan nghênh các phản hồi cũng như những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp cho Chính phủ vì mục tiêu này.Nhận lời mời của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (USABC),

Hội nghị Tham vấn Quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc (ACSOC) lần thứ 26 đã được tổ chức vào ngày 1/7 theo hình thức trực tuyến. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khẳng định ASEAN đã thể hiện quyết tâm chính trị ở mức cao nhất, đẩy mạnh phối hợp hành động và ứng phó chung theo tinh thần "Gắn kết và Chủ động thích ứng" của ASEAN năm 2020.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, ASEAN và Trung Quốc với tư cách là đối tác chiến lược của nhau, cần tiếp tục tăng cường phối hợp ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, đồng thời đẩy mạnh hợp tác giảm thiểu tác động kinh tế-xã hội của dịch bệnh hướng tới phục hồi bền vững cũng như tiếp tục thúc đẩy triển khai các nội dung hợp tác đã được Lãnh đạo hai bên nhất trí.

Tối ngày 2/7, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng đã tham dự Cuộc thảo luận mở trực tuyến của HĐBA LHQ về chủ đề “Đại dịch và An ninh” do Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas chủ trì.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Tô Anh Dũng khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác nhằm ứng phó với Covid-19 và phục hồi bền vững kinh tế - xã hội; nhấn mạnh các tổ chức đa phương, đặc biệt là LHQ với vai trò trung tâm, có thể đóng vai trò chủ chốt trong điều phối những nỗ lực quốc tế phòng chống đại dịch.

Thứ trưởng Tô Anh Dũng nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ lời kêu gọi của Tổng Thư ký LHQ về việc miễn các lệnh trừng phạt làm ảnh hưởng đến nỗ lực ứng phó với Covid-19, mong muốn HĐBA và các nước thành viên có biện pháp phù hợp để tạo điều kiện hỗ trợ nhân đạo cho các quốc gia đang bị trừng phạt vì lợi ích của người dân.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến định kỳ hàng tháng về tình hình nhân đạo tại Syria của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 29/6, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, chia sẻ quan ngại với các nước thành viên HĐBA về tình hình nhân đạo đáng lo ngại tại Syria và thúc giục Syria, Liên hợp quốc cùng các đối tác tiếp tục tăng cường hợp tác để hàng hoá cứu trợ đến tay người dân.

Tại cuộc họp thảo luận về tình hình 6 tháng thực hiện Nghị quyết 2231 của HĐBA về việc ủng hộ Thoả thuận về Kế hoạch hành động toàn diện chung năm 2015 (JCPOA) ngày 30/6, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đặng Đình Quý ghi nhận báo cáo 6 tháng của Tổng Thư ký LHQ về tình hình thực hiện Nghị quyết 2231; chia sẻ quan điểm với các nước, đồng thời khẳng định lập trường xuyên suốt của Việt Nam là ủng hộ giải trừ và không phổ biến vũ khí hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân, Hiệp ước chống phổ biến NPT.

Phát biểu tại phiên khai mạc Khóa họp lần thứ 44 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ngày 30/6, Trưởng đoàn Việt Nam Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai tái khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người; đề cao các biện pháp ứng phó đại dịch rất đúng đắn, kịp thời và hiệu quả của Chính phủ Việt Nam được triển khai ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát, cùng với đoàn kết và hợp tác khu vực và quốc tế; nhấn mạnh ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng, quyền chăm sóc sức khỏe của nhân dân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương trong xã hội; đồng thời nêu bật kết quả của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong phòng chống dịch, ổn định kinh tế-xã hội, trật tự công cộng và cuộc sống bình thường của nhân dân, cũng như chính sách hỗ trợ phục hồi sau đại dịch, nhằm bảo vệ các quyền con người.

Ngày 30/6, Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ đã tham dự cuộc họp trực tuyến của Ủy ban ASEAN tại Berlin với Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier, trao đổi về các vấn đề hai bên cùng quan tâm, bao gồm những ưu tiên về kinh tế của Đức trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU (bắt đầu ngày 1/7) và hợp tác EU-ASEAN.

Đại sứ Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và điều phối viên của ASEAN trong quan hệ kinh tế với EU, Việt Nam luôn nỗ lực thúc đẩy quan hệ ASEAN-EU, bày tỏ hy vọng rằng hợp tác kinh tế EU-ASEAN nói chung và quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do EU-ASEAN sẽ có những động lực phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Hợp tác quốc tế phòng chống dịch Covid-19

Tại cuộc điện đàm chiều ngày 30/6, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha Cristina Gallach Figueras đã trao đổi các biện pháp về hợp tác phòng chống đại dịch Covid-19 và phương hướng hợp tác song phương trong bối cảnh EVFTA được phê chuẩn và thực thi. Thứ trưởng mong muốn Tây Ban Nha sẽ chia sẻ những kinh nghiệm và nghiên cứu liên quan đến điều trị bệnh Covid-19 nhằm giúp nâng cao năng lực y tế cộng đồng, góp phần đẩy lùi dịch bệnh trên toàn cầu.

Ngày 1/7, Trợ lý Bộ Trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng “Thu hẹp khoảng cách số: Ứng phó với đại dịch Covid-19”. Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu khẳng định, Việt Nam sẽ phối hợp tích cực với các nước trên thế giới trong các nỗ lực thu hẹp khoảng cách số, góp phần vào ứng phó với đại dịch Covid-19, thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm và sáng tạo.

Ngày 30/6, Thống đốc bang Guerrero của Mexico Héctor Astudillo đã tiếp nhận và gửi lời cảm ơn chân thành đến Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico về sự hỗ trợ kịp thời các thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19 cho người dân bang Guerrero.

Trước đó, thông qua hoạt động của Viện Hữu nghị và Hợp tác Mexico-Việt Nam do cựu Hạ nghị sỹ liên bang Felix Castellanos Hernandez làm Chủ tịch, Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico đã gửi tặng bang một số thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19.

Bảo hộ công dân

Từ 28-30/6, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước cùng các hãng hàng không đưa gần 500 công dân Việt Nam từ Nhật Bản, Pháp và các nước lân cận ở khu vực châu Âu về nước an toàn.

Ngày 2-3/7, Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Sri Lanka và Bangladesh, Hãng hàng không Vietjet Air và các cơ quan chức năng sở tại đã phối hợp thực hiện chuyến bay đưa khoảng 200 công dân Việt Nam từ các nước Sri Lanka, Bangladesh, Nepal, Bhutan và Maldives về nước an toàn.

Hành khách trên chuyến bay chủ yếu là trẻ em dưới 18 tuổi, du học sinh đã hoàn thành khoá học gặp khó khăn về nơi lưu trú, người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người đi công tác, người lao động hết hạn hợp đồng bị kẹt lại do dịch Covid-19.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng trong nước, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đang tiếp tục xây dựng kế hoạch đưa công dân về nước, đáp ứng nhu cầu của công dân Việt Nam ở nước ngoài và phù hợp với năng lực cách ly trong nước.

Tin Người phát ngôn

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 2/7, trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Việt Nam về sự kiện ngày 30/6, Kỳ họp lần thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa XIII, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã bỏ phiếu thông qua Luật bảo vệ an ninh quốc gia tại Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

“Việt Nam quan tâm theo dõi tình hình của Hong Kong. Lập trường của Việt Nam về tình hình của Hong Kong đã được nêu rõ. Việt Nam tôn trọng và ủng hộ chính sách một quốc gia - hai chế độ của Trung Quốc, luật cơ bản Hong Kong và các quy chế liên quan của Hong Kong. Các vấn đề liên quan đến Hong Kong là công việc nội bộ của Trung Quốc, Việt Nam mong muốn tình hình Hong Kong được ổn định và phát triển thịnh vượng, là một trung tâm tài chính, kinh tế quan trọng của thế giới”.

Ngày 2/7, trả lời báo giới về việc Việt Nam không nằm trong danh sách 14 quốc gia mà Liên minh châu Âu mở lại đường bay quốc tế, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

"Quan điểm của Chính phủ Việt Nam là sẽ xem xét nối lại đường bay đối với một số nước, nhưng trước tiên phải đảm bảo tuân thủ các biện pháp về phòng dịch với các điều kiện cụ thể, không để lây lan dịch bệnh, trước mắt tạo điều kiện ưu tiên cho một số nhóm đối tượng nhập cảnh là công dân Việt Nam, các đối tượng là người nước ngoài là các chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động có tay nghề cao, người vào với mục đích ngoại giao và công vụ cùng một số các trường hợp đặc biệt khác.

Tất nhiên, những người nhập cảnh vào Việt Nam phải tuân thủ nghiêm túc các quy định về kiểm dịch y tế và thực hiện cách ly phù hợp với những quy định về phòng chống dịch".

Trả lời phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc Trung Quốc thực hiện tập trận xung quanh quần đảo Hoàng Sa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, hành động này đã vi phạm chủ quyền Việt Nam và đi ngược lại quy tắc ứng xử ở Biển Đông, việc duy trì hợp tác giữa Biển Đông.

"Việt Nam đã giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại hành động này trong tương lai", Người phát ngôn cho biết.

(tổng hợp)