Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tăng tốc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu kiên quyết thực hiện có hiệu quả chiến lược vaccine, trong đó đẩy nhanh việc tiếp cận mua, nhập khẩu các nguồn vaccine ngừa Covid-19 cho Việt Nam, bao gồm thông qua chương trình Tiếp cận Toàn cầu Vaccine Covid-19 (COVAX).
Đại diện UNICEF và đại diện WHO tại Việt Nam đón lô vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên gồm 811.200 liều trong cam kết hỗ trợ của COVAX cho Việt Nam. (Nguồn: UNICEF) |
Từ phòng ngự sang tấn công
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng cùng tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát và các nước tiến hành nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm thành công vaccine phòng bệnh, Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận và đàm phán với các đối tác cung cấp vaccine ngừa Covid-19 để sớm nhập khẩu vaccine sử dụng ở trong nước.
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, cơ chế COVAX là một trong những giải pháp tốt nhất để đảm bảo triển khai vaccine an toàn và hiệu quả một cách nhanh chóng, công bằng tới tất cả mọi quốc gia trên thế giới.
COVAX được điều phối bởi ba tổ chức gồm Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI) và Liên minh đổi mới Ứng phó dịch bệnh (CEPI), với đối tác phân phối là Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).
Với chủ trương tham gia COVAX từ sớm, tháng 12/2020, Việt Nam đã gửi hồ sơ cho cơ chế này đề xuất hỗ trợ vaccine. Trên cơ sở đó, COVAX đã phân bổ vaccine và cam kết cung cấp cho Việt Nam số lượng vaccine bảo đảm tiêm chủng cho 20% dân số, tương đương với gần 39 triệu liều vaccine ngừa Covid-19.
Tính đến nay, Việt Nam đã nhận được hơn 2,5 triệu liều vaccine Covid-19 theo cơ chế COVAX. Đây là một phần trong tổng số 4,1 triệu liều vaccine, trị giá lên tới 17 triệu USD, được COVAX cam kết cung cấp cho Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2021.
Các lô còn lại về đến Việt Nam vào cuối năm nay và đầu năm 2022. Toàn bộ vaccine được COVAX cung cấp miễn phí thông qua UNICEF.
Như vậy, đến thời điểm hiện nay, đây là lượng vaccine lớn nhất Việt Nam đã nhận được. Theo ông Đỗ Hùng Việt, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế (Bộ Ngoại giao), việc tham gia chương trình COVAX của Việt Nam là tìm “đúng người, đúng thời điểm”.
COVAX đã cung cấp kịp thời hai lô vaccine đầu tiên để Việt Nam có thể triển khai chiến lược tiêm chủng, đặc biệt cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, góp phần giúp chúng ta bắt đầu chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang tấn công dịch.
Lan tỏa tinh thần đoàn kết
Tính đến nay, COVAX đã nhận được sự tài trợ của hơn 40 nước và đối tác, trong đó chủ yếu là từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Australia, Anh...
Vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca được phân phối theo cơ chế COVAX được triển khai tiêm chủng ở Việt Nam từ đầu tháng Ba. |
Đối với mục tiêu mà COVAX đặt ra là cung cấp 2 tỷ liều vaccine cho các nước đang phát triển, các nước có thu nhập trung bình và thu nhập thấp thì số tiền mà COVAX cần tiếp tục huy động còn rất lớn.
Thêm vào đó, chuỗi cung ứng vaccine ngừa Covid-19 toàn cầu đang bị gián đoạn, đứt gãy bởi làn sóng bùng phát trở lại của đại dịch ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Ấn Độ - “công xưởng” sản xuất vaccine lớn nhất thế giới.
Trong bối cảnh đó, cơ chế COVAX phải linh hoạt, điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu cấp bách hơn ở những nơi tình hình dịch bệnh nghiêm trọng. Nguồn cung ít, nhiều nơi bùng phát dịch nặng nề ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ cung cấp vaccine của COVAX.
Là một nước được hưởng lợi lớn từ chương trình COVAX, Việt Nam xác định chung tay cùng với cộng đồng quốc tế ứng phó với đại dịch. Đây cũng là chủ trương mà Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ thời gian qua.
Ngay từ khi dịch bùng phát, Việt Nam đã đẩy mạnh tăng cường hợp tác, đoàn kết quốc tế để ứng phó với dịch bệnh, bởi Việt Nam hiểu rằng sẽ không có nước nào an toàn khi thế giới vẫn chưa được an toàn.
Với chủ trương và tinh thần đó, Việt Nam đã quyết định đóng góp 500.000 USD cho sáng kiến COVAX. Như vậy, Việt Nam được xếp vào một trong số ít các nước đang phát triển đóng góp cho COVAX.
Trong ASEAN, trước Việt Nam có hai nước đã cam kết đóng góp cho COVAX là Singapore (5 triệu USD) và Philippines (100.000 USD). |
Ông Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh việc đóng góp cho COVAX thể hiện tinh thần trách nhiệm của Việt Nam trong nỗ lực chung của toàn cầu, tăng cường hợp tác đa phương, qua đó nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong mắt các tổ chức quốc tế cũng như bạn bè quốc tế.
Ngay khi Việt Nam tuyên bố đóng góp cho COVAX, nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có GAVI, UNICEF, WHO... đã có những phản hồi cảm ơn và đánh giá cao quyết định này.
“Thông qua sự đóng góp này, Việt Nam hy vọng sẽ tác động mang tính cộng hưởng, lan tỏa tinh thần đoàn kết quốc tế để chính phủ các nước cùng những đối tác khác có những động thái cần thiết nhằm tăng nguồn hỗ trợ cho COVAX”, ông Đỗ Hùng Việt chia sẻ.
Tuyến đầu chống dịch ở nước ngoài
Bộ Ngoại giao được Chính phủ giao nhiệm vụ cùng Bộ Y tế là cơ quan chủ công trong việc tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vaccine. Với mạng lưới hơn 90 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã phối hợp triển khai quyết liệt nhiệm vụ này. Qua đó, Việt Nam đã tiếp cận được một số nguồn vaccine của các nước, các tổ chức quốc tế nhằm đóng góp vào chiến lược tiêm chủng của Việt Nam.
Hiện nay trên phạm vi toàn cầu, vaccine không đơn thuần là vấn đề y tế mà còn hàm chứa nhiều yếu tố chính trị. Việc các nước quyết định hỗ trợ vaccine cho nhau phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực.
Chính vì vậy, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng Bộ Ngoại giao đã tiến hành hàng trăm cuộc tiếp xúc, vận động tiếp cận nguồn vaccine ở các nước, các tổ chức quốc tế.
Nỗ lực không biết mệt mỏi này đã thu về thành quả thiết thực là những cam kết cung cấp vaccine ngừa Covid-19 gần đây từ COVAX và các nước Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc... cho Việt Nam.
UNICEF cũng đã bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ nước ta trong việc tiếp cận, mua vaccine ngừa Covid-19. Là “người mua” vaccine lớn nhất thế giới có quan hệ lâu năm với các công ty dược phẩm hàng đầu, UNICEF có khả năng hỗ trợ Việt Nam trong việc kết nối, đàm phán các điều khoản hợp đồng, giá cả và khung thời gian cung ứng vaccine. Ông Đỗ Hùng Việt nhận định đây là một kênh tiếp cận và mua vaccine hiệu quả mà Việt Nam cần tận dụng.
Ngoài tiếp cận các nguồn vaccine của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài còn nỗ lực kết nối với các chính quyền cấp bang, cấp tỉnh ở một số quốc gia, tận dụng mối quan hệ kết nghĩa với các địa phương để huy động sự hỗ trợ vaccine.
Rõ ràng, đối phó với dịch bệnh cần sự chung tay của cả cộng đồng. Trong khi bác sĩ, nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch ở trong nước, thì cán bộ ngoại giao cũng là những chiến sĩ ở tuyến đầu tại nước ngoài để “chiến đấu” thu về các nguồn vaccine nhằm tăng độ bao phủ tiêm chủng cho người dân Việt Nam, góp phần sớm đẩy lùi đại dịch.
Mục tiêu ban đầu của COVAX là đến cuối 2021 mua và huy động được 2 tỷ liều vaccine, đủ để bảo vệ những người nguy cơ cao, dễ bị tổn thương và nhân viên y tế tuyến đầu trên toàn thế giới, trong đó một nửa được chuyển đến 92 nước có thu nhập thấp và trung bình để tiêm cho khoảng 20% dân số các nước này. Tuy nhiên, do lượng vaccine COVAX nhận được thiếu hụt nhiều so với mục tiêu đề ra, đến ngày 24/5/2021, COVAX mới phân phối được 72 triệu liều vaccine tới 125 quốc gia và nền kinh tế. |