📞

Ngoại giao Việt Nam: Từ không đến có

07:00 | 29/01/2017
Dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (tháng 8/2016) qua quy mô, thành phần tham dự và nội dung thảo luận, tôi ấn tượng sâu sắc về sự phổ cập sâu rộng của công tác ngoại giao.

Nguyễn Mạnh Cầm - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị,nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao

Hiện nay, hầu như các ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương đều có hoạt động đối ngoại với sự điều hòa và phối hợp của Bộ Ngoại giao. Điều đó nói lên sự trưởng thành vượt bậc của ngành ngoại giao Việt Nam và cùng với đó, vai trò và vị thế của Bộ Ngoại giao được nâng cao. Nhờ đâu đạt được kết quả đó? Tôi xin cố gắng chứng minh như sau:

Từ 10 biên chế nhỏ nhoi

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ Cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) được thành lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đặt nền móng cho nền Ngoại giao Việt Nam, với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” đã trực tiếp chỉ đạo và trong nhiều trường hợp trực tiếp thực hiện những quyết sách tài tình, những chủ trương, biện pháp táo bạo, khôn khéo với sự trợ lực của một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, một số nhân sĩ, trí thức để bảo vệ nền độc lập còn non trẻ của đất nước trong tình thế hiểm nghèo như “ngàn cân treo sợi tóc” do sự chống phá quyết liệt của thù trong, giặc ngoài. Người đã khéo léo phân hóa kẻ thù, đẩy quân Tưởng về nước kéo theo bọn tay sai Việt quốc, Việt cách, giảm bớt lực lượng chống phá để tập trung đối phó với quân Pháp; rồi bằng Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946 thực hiện chủ trương “hòa để tiến” trên cơ sở giữ vững độc lập, chủ quyền, tranh thủ thời gian chuẩn bị điều kiện đi vào cuộc kháng chiến.

Ông Nguyễn Mạnh Cầm (thứ hai từ trái sang) cùng lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao tại Hội nghị Ngoại giao 28 (12/2013). (Ảnh:Quang Hòa)

Cuối năm 1949 đầu 1950, với thắng lợi của Chiến dịch Biên giới, vòng vây bị phá, ta mở cửa ra thế giới. Phát huy thắng lợi, năm 1950, ta thiết lập quan hệ ngoại giao với hai nước lớn - Trung Quốc và Liên Xô - và các nước dân chủ nhân dân ở châu Á và Đông Âu. Năm 1951, ta thiết lập Đại sứ quán (ĐSQ) ở Trung Quốc và năm 1952 thiết lập ĐSQ ở Liên Xô.

Trong quá trình kháng chiến, hoạt động ngoại giao vẫn do Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng chỉ đạo và điều hành. Mặc dù từ đầu năm 1947 đã có Bộ Ngoại giao với Bộ trưởng Hoàng Minh Giám nhưng biên chế nhỏ nhoi - chỉ hơn 10 cán bộ nhân viên.

Giữa năm 1954, thắng lợi Điện Biên Phủ dẫn đến Hội nghị Geneva. Đoàn Việt Nam dự Hội nghị do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn. Về phía Ngoại giao tham dự Hội nghị chỉ có Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, 4 cán bộ giúp việc rút từ hai ĐSQ và đồng chí Nguyễn Thanh Hà phụ trách Biện sự xứ Côn Minh làm thư ký.

Cuối tháng 7/1954, Hội nghị kết thúc, Hiệp định Geneva được ký kết, đất nước tạm chia làm 2 miền: Miền Bắc từ vĩ tuyến 17 trở ra hoàn toàn giải phóng. Chính phủ và các cơ quan Trung ương trong đó có Bộ Ngoại giao từ an toàn khu chuyển về Hà Nội.

Lúc này, công việc xây dựng Bộ Ngoại giao mới thực sự bắt đầu. Thời gian này số cán bộ nhân viên chưa đến 40 người, bao gồm cả hai ĐSQ ở Liên Xô và Trung Quốc và 3 Biện sự xứ ở Trung Quốc. Phải gấp rút xây dựng bộ máy và nhanh chóng tập hợp cán bộ để thực hiện nhiệm vụ của ngành. Về cán bộ, Bộ được Trung ương Đảng điều động nhiều đồng chí lãnh đạo cấp khu và cấp tỉnh từ các địa phương, rút một số cán bộ từ các Bộ, các cơ quan của Trung ương Đảng, các tổ chức và đoàn thể nhân dân, chủ yếu là Đoàn Thanh niên, không ít cán bộ từ quân đội và một số cán bộ tập kết từ miền Nam, một số cán bộ học chính trị ở Trung Quốc mới về nước, nhiều cán bộ học tiếng Nga ở Trung Quốc và Liên Xô. Sau khoảng 2 năm, biên chế của Bộ đã lên đến 600 người.

Với biên chế đó, Bộ bước đầu xây dựng một số đơn vị thật cần thiết trong cơ cấu tổ chức của mình, và cử cán bộ đi thiết lập ĐSQ ở 9 nước Dân chủ Nhân dân và cơ quan đại diện ở một số nước khác do lúc này phong trào giải phóng dân tộc lên cao, nhiều nước châu Á, châu Phi giành được độc lập, một số có cảm tình và ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam, thiết lập quan hệ với ta.

Cơ cấu tổ chức của Bộ lúc này mới có Văn phòng, nơi tập trung nhiều công việc nhất, 3 Vụ khu vực (mỗi Vụ phụ trách 2 châu), hai Vụ nghiệp vụ là Vụ Thông tin - Báo chí và Vụ Lễ tân và hai phòng trực thuộc, trong đó có Phòng Tổ chức cán bộ.

Tháng 5/1956, Bộ mở lớp cán bộ ngoại giao để đào tạo một cách có hệ thống, chuẩn bị những cán bộ chủ lực cho các bộ phận được thành lập trong những năm tiếp theo.

Những Hội nghị ngoại giao đầu tiên

Sau gần 3 năm hình thành và bắt đầu hoạt động, năm 1957, Bộ tổ chức Hội nghị Ngoại giao đầu tiên để kiểm điểm tình hình quốc tế, rút kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ và công tác xây dựng ngành, đề ra nhiệm vụ cho thời gian tới. Hội nghị đã trở thành một hoạt động quan trọng của ngành, sau này trở thành truyền thống, bình quân khoảng 2 năm họp một lần; mỗi Hội nghị đánh dấu một bước tiến, một bước trưởng thành của ngành cả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị lẫn trong công tác xây dựng ngành.

Hội nghị lần thứ hai (năm 1962), lần thứ ba (cuối 1963 đầu 1964) và lần thứ tư (1966) vinh dự được đón Bác Hồ đến thăm và nói chuyện về nhiệm vụ của ngành Ngoại giao, nhiệm vụ, tư cách, tác phong của cán bộ ngoại giao. Từ đó đến nay, Hội nghị Ngoại giao nào cũng có các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước: Tổng Bí thư, Thủ tướng, Ủy viên Bộ Chính trị... đến dự và góp nhiều ý kiến quan trọng về phương hướng hoạt động và cách xử thế trước những tình huống phức tạp.

Sau Hội nghị Ngoại giao năm 1957, Bộ tiếp tục thu nhận cán bộ từ các cơ quan Trung ương, sinh viên tốt nghiệp một số trường trong nước, chọn một số sinh viên đang học các ngoại ngữ chính: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc... tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội; vừa tăng cường đào tạo vừa cử một số đi học về nghiệp vụ ở Trung Quốc và Liên Xô hoặc học ngôn ngữ và ngoại ngữ ở một số nước Đông Âu chuẩn bị cho việc tiếp tục thiết lập các bộ phận trong Bộ và thiết lập cơ quan ở ngoài nước.

Năm 1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định 157 NĐ/HĐCP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao. Từ 1961 - 1964, Bộ đã lập thêm một số Vụ Khu vực, một số Vụ nghiệp vụ như Vụ Quản trị Tài vụ, Vụ Lãnh sự, Cục Phục vụ Đoàn ngoại giao ..., nâng phòng Tổ chức cán bộ thành Vụ Tổ chức cán bộ, đặc biệt lập Phòng Lào - Miên do quan hệ đặc biệt với hai nước này và lập Vụ miền Nam trên cơ sở tiếp nhận một đội ngũ đông đảo cán bộ trung cao cấp trong quân đội để làm nhiệm vụ thi hành Hiệp định Geneva.

Như vậy, đến đầu năm 1964, bộ máy của Bộ đã tương đối hoàn chỉnh, biên chế đã tăng lên 868 người vừa làm vừa học, trình độ đã được nâng lên nên hoàn thành tương đối tốt 3 nhiệm vụ: Thi hành Hiệp định Geneva và đấu tranh đòi nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định này; xây dựng quan hệ hữu nghị và tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân nhằm khôi phục miền Bắc sau chiến tranh; tranh thủ sự đồng tình của quốc tế đối với việc hoà bình thống nhất đất nước.

Tuy hai mà một

Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam (MNVN) ra đời, về hoạt động đối ngoại trực tiếp phối hợp với Bộ Ngoại giao Việt Nam DCCH. Đến năm 1969 khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà MNVN ra đời, Bộ Ngoại giao Cộng hoà MNVN được thành lập, trên lĩnh vực đối ngoại, Bộ Ngoại giao hai miền hợp tác với nhau.

Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ tư tháng 3/1966, nói chuyện với Hội nghị, Bác Hồ căn dặn: “Bây giờ ngoại giao của ta vừa là một mà vừa là hai, vừa là hai mà lại vừa là một, phải có sự phối hợp và phân công, phân nhiệm hợp lý, có cái miền Nam nói, có cái miền Bắc nói, có cái cả hai cùng nói”.

Tháng 5/1965, đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ được Bộ Chính trị quyết định thôi kiêm chức Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để kiêm chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam DCCH.

Lúc này Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn ra sức phá hoại Hiệp định Geneva. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ XI (khóa III) tháng 3/1960 nhấn mạnh yêu cầu “đẩy mạnh công tác ngoại giao chuyển kịp với tình hình mới, làm rõ chính sách xâm lược của đế quốc Mỹ, lên án Mỹ và tay sai phá hoại Hiệp định Geneva”. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (khoá III) khi đề cập đến vai trò chủ động của ngoại giao trong điều kiện mới đã xuất hiện ý tưởng “vừa đánh vừa đàm”. Và Hội nghị Trung ương lần thứ 13 (khóa III) tháng 1/1967 đã quyết định chuyển ngoại giao thành một mặt trận “chủ động tấn công địch, phối hợp với mặt trận quân sự và mặt trận chính trị đưa cuộc chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng”.

Đến lúc này, biên chế của Bộ tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Trình độ chuyên môn của cán bộ đã có nhiều tiến bộ, số thông thạo ngoại ngữ khá đông. Để đáp ứng nhiệm vụ mới Bộ đã điều chỉnh tổ chức, tập trung nhiều cán bộ làm công tác nghiên cứu, nhất là nghiên cứu chiến lược. Trên cơ sở tiến bộ đột xuất về nghiên cứu, công tác tham mưu phát triển nhanh. Bộ đã đề xuất nhiều chủ trương quan trọng, đúng và có hiệu quả, thể hiện trong quá trình chuẩn bị và tiến hành Hội nghị Paris, đặc biệt một số cán bộ đã tham gia dự thảo Hiệp định Paris.

Sau thất bại trong trận Điện Biên Phủ trên không, ngày 27/1/1973, Mỹ phải ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút quân về nước. Mùa xuân năm 1975, quân dân ta ở miền Nam mở chiến dịch lớn, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh đập tan quân ngụy ở tất cả các chiến trường, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đây là một giai đoạn đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của ngành Ngoại giao Việt Nam về mọi mặt, với những đóng góp quan trọng, sáng tạo, triển khai tích cực và có hiệu quả các quyết sách trên Mặt trận Ngoại giao, kết hợp đàm phán công khai với tiếp xúc riêng, kết hợp đấu tranh trên bàn đàm phán với đấu tranh dư luận, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế đối với lập trường, quan điểm của Việt Nam DCCH và Mặt trận Dân tộc Giải phóng MNVN đưa cuộc đàm phán Paris đến thành công, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ to lớn của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta mà biểu hiện cụ thể là trên thế giới hình thành “Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược”, điều mà trong đấu tranh giải phóng dân tộc chưa một nước nào đạt được. Với thắng lợi đó, Ngoại giao Việt Nam đã góp phần quan trọng bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở rộng quan hệ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, nâng cao vị thế Việt Nam trên thế giới.

Ngày 31/12/1973, Trung ương Đảng ra quyết định hợp nhất hai Bộ Ngoại giao. Tháng 1/1976, đồng chí Nguyễn Duy Trinh triệu tập Hội nghị Ngoại giao lần thứ 12 gồm cả Bộ Ngoại giao hai miền để kiểm điểm đóng góp của mặt trận ngoại giao vào cuộc đấu tranh và thắng lợi cuối cùng của dân tộc, thực hiện hợp nhất hai Bộ Ngoại giao, xác định nhiệm vụ góp phần xây dựng đất nước tiến lên CNXH; đặc biệt nhấn mạnh vấn đề xây dựng một đội ngũ cán bộ đối ngoại “vừa hồng vừa chuyên”.

Giai đoạn này, ngoại giao có nhiệm vụ một mặt ra sức tranh thủ sự giúp đỡ của các nước XHCN và của thế giới đối với công cuộc khôi phục và xây dựng đất nước sau chiến tranh, mặt khác đẩy mạnh đấu tranh dư luận góp phần làm thất bại hai cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Cùng với sự hỗ trợ củng cố chính quyền mới của Campuchia về mọi mặt, Bộ Ngoại giao ta giúp Bạn xây dựng Bộ Ngoại giao, đặc biệt vấn đề đào tạo cán bộ.

Ta cũng điều chỉnh tổ chức, đổi mới phương pháp làm việc, tăng cường nhân lực, thực hiện đào tạo và bồi dưỡng cán bộ theo hướng góp phần xây dựng đất nước sau chiến tranh, đưa cả nước lên CNXH đồng thời nhằm thực hiện ngoại giao toàn diện cả về chính trị an ninh, kinh tế, văn hóa, cả trên bình diện song phương, đa phương, mở rộng quan hệ quốc tế, nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế.

Về tổ chức, Bộ đã điều chỉnh một số Vụ, Cục, xây dựng một số đơn vị mới, đặc biệt quan tâm tăng cường công tác nghiên cứu cơ bản, chuẩn bị cơ sở đón thêm nhiệm vụ mới, như việc tiếp nhận Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài và Ủy ban quốc gia về biên giới lãnh thổ từ Văn phòng Chính phủ.

Về cán bộ, việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được xúc tiến nhằm nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ theo hướng xây dựng một đội ngũ tương đối đồng đều, bằng việc mở các lớp kiến thức “tập trung” để bổ túc cho các cán bộ trước đây chưa qua đại học; đưa cán bộ đi học tập trung ở trường của Bộ; đi đôi với việc tiếp nhận một số cán bộ từ các Bộ kinh tế tăng cường bồi dưỡng kiến thức kinh tế cho cán bộ trong ngành để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới. Giai đoạn này xuất hiện một sáng kiến quan trọng về công tác cán bộ, đó là việc ban hành chế độ tập sự cấp vụ, rồi tập sự cấp Bộ cùng với cơ chế đề bạt thường xuyên với những tiêu chí thích hợp.

Ngoại giao thời đổi mới

Tháng 11/1986, Đại hội VI của Đảng đưa ra đường lối Đổi mới toàn diện đất nước. Năm 1991, cụ thể hóa quan điểm “rộng mở” nêu trong Chương trình Đổi mới, Đại hội VII đã đề ra chủ trương “đa dạng hóa, đa phương hóa, quan hệ quốc tế” với phương châm “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển”. Chủ trương đó được bổ sung thêm phương châm 4 điểm của Bộ Chính trị: Bảo đảm lợi ích chân chính của dân tộc; Kiên trì đường lối độc lập tự chủ; Đối với mọi đối tác phải vừa hợp tác vừa đấu tranh; Chủ động tích cực, hội nhập quốc tế.

Như vậy đã hình thành đường lối ngoại giao đổi mới không chỉ cho những năm trước mắt mà cho cả tương lai. Để các ngành các cấp và các địa phương thực hiện nhất quán và xuyên suốt đường lối đó, ngoại giao với tư cách điều hòa, phối hợp đã góp phần bồi dưỡng kiến thức đối ngoại cho cán bộ các Bộ, ngành và các địa phương, do đó, tránh được bỡ ngỡ, lúng túng khi hội nhập với thế giới, đặc biệt từng bước hình thành một mạng lưới tổ chức ngoại vụ ở khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Về quan hệ song phương, thời gian này ta cố gắng bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ, thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước ở tất cả các châu lục, đồng thời thiết lập thêm cơ quan đại diện ngoại giao tại một loạt nước.

Ngoại giao đa phương cũng đã được đẩy mạnh, với nhiều mốc quan trọng mà quan trọng nhất là ngày 20/9/1977, Việt Nam trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc. Năm 1995, ta gia nhập ASEAN tranh thủ sự hợp tác của ASEAN để phát triển đất nước. Tiếp đó, với việc tham gia Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) năm 1996 và Diễn đàn hợp tác châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 1998, ta hội nhập liên châu lục và liên khu vực. Và cuối cùng, với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đầu năm 2007, ta hội nhập toàn cầu.

Ngày 27/11/2001, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về “hội nhập kinh tế quốc tế” và Đại hội X của Đảng nhấn mạnh: “Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế thế giới đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác”.

Để tạo điều kiện cho ngoại giao góp phần “hội nhập kinh tế quốc tế” ngày càng sâu rộng, Thủ tướng Chính phủ đồng ý để Bộ Ngoại giao lập Vụ Hợp tác Kinh tế đa phương chịu trách nhiệm về các vấn đề đối ngoại liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế tham gia các tổ chức khu vực và quốc tế, tham gia đàm phán, ký kết các thỏa thuận, điều ước về hợp tác kinh tế quốc tế.

Để hỗ trợ tích cực cho “hội nhập kinh tế quốc tế”, Bộ Ngoại giao đã mở rộng quan hệ chính trị, tăng cường công tác nghiên cứu và tham mưu góp phần hình thành đường lối, chính sách đối ngoại về kinh tế, xây dựng thể chế phù hợp với thời kỳ mới, góp ý kiến vào các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Đảng, Bộ Chính trị về các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời với việc thúc đẩy quan hệ kinh tế và chính trị, ta tích cực mở rộng quan hệ văn hóa và tăng cường công tác tuyên truyền đối ngoại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Tạm ước 14/9 tại Paris.
Đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 185 trong tổng số 193 nước thành viên LHQ, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều nước, trong đó có tất cả năm nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Điều đó đã củng cố thêm vị thế quốc tế của nước ta.

Thời Hội nhập toàn diện

Sau một thời gian thực hiện đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế thành công, góp phần phát triển đất nước, Bộ Ngoại giao đã chủ trì soạn thảo Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về “hội nhập quốc tế” toàn diện, trong đó Hội nhập kinh tế là chủ yếu, hội nhập các lĩnh vực khác tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế phát triển. Nghị quyết của Đại hội XI của Đảng tháng 1/2011 nhấn mạnh “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”.

Với tư cách “là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, ta đã mở rộng quan hệ nhiều mặt với các nước trên thế giới, đưa quan hệ đi vào chiều sâu, có lợi cho các bên, tạo được sự tin cậy và lòng quý trọng của nhân dân các nước. 

Đến năm 2013, biên chế của Bộ đã lên tới 2.483 (1041 nữ), đội ngũ được trẻ hoá và được đào tạo cơ bản nên tiến bộ nhanh về mọi mặt, lại được cơ chế phong hàm động viên khuyến khích nên công việc hàng ngày của Bộ được tiến hành suôn sẻ.

Tuy vậy, nước ta phải đối mặt với một số diễn biến phức tạp trong tình hình thế giới và khu vực, nhất là những hành động vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của nước ta ngày càng nghiêm trọng ở Biển Đông. Trên thế giới năm 2016 có nhiều sự kiện bất ngờ, chắc rằng những năm tới vẫn còn không ít bất ngờ trong điều kiện chủ nghĩa dân tộc đang phát triển ở nhiều khu vực, chủ nghĩa dân túy đang và sẽ gây nên tình hình hỗn loạn ở nhiều nước.

Trên thế giới năm 2016 có nhiều sự kiện bất ngờ; chắc rằng những năm tới vẫn còn không ít bất ngờ trong điều kiện chủ nghĩa dân tộc đang phát triển mạnh ở nhiều khu vực, chủ nghĩa dân túy đang và sẽ gây nên tình hình hỗn loạn ở nhiều nước.

Trong bối cảnh đó, để giữ vững và phát huy vị thế quốc tế mà đất nước và ngành Ngoại giao đã đạt được, chúng ta phải ra sức thực hiện các phương hướng và nhiệm vụ đối ngoại mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra, và Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 vừa qua đã nhấn mạnh phải quán triệt sâu sắc, xem đó là nhiệm vụ hàng đầu phải thực hiện những năm tới, đặc biệt quan tâm cả hai mặt: Giữ vững môi trường hòa bình thuận lợi cho việc đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để xây dựng đất nước nhanh và mạnh; Kiên trì, kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

***

Tôi trình bày những nét rất đơn sơ trên đây để đáp lại câu hỏi được đặt ra ngay từ đầu bài nhằm nói lên suy nghĩ của tôi cho rằng Bộ Ngoại giao trưởng thành như vừa qua chủ yếu là do công tác xây dựng ngành được triển khai liên tục qua mọi giai đoạn phát triển gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong đó yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất là việc xây dựng một đội ngũ cán bộ không ngừng tiến bộ thông qua thường xuyên coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng.