📞

'Ngoại giao virus corona': Thế giới kề vai sát cánh chống dịch Covid-19 bằng sự hỗ trợ thiết thực

12:55 | 30/03/2020
TGVN. Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 chưa có dấu hiệu ngừng lại khi số ca mắc bệnh cũng như ca tử vong ngày càng gia tăng trên thế giới. Cùng với đó là sự gia tăng đoàn kết giữa các nước khi thể hiện sự chung tay không chỉ bằng lời nói mà bằng hành động cụ thể và thiết thực.    
Chuyến xe tải chở 10.000 bộ trang phục bảo hộ phòng chống Covid-19 từ CH Czech đã đến thành phố Milan, Italy vào ngày 30/3. (Nguồn: Nato.int)

Ngày 29/3, CH Czech đã viện trợ 20.000 bộ trang phục bảo hộ y tế phòng chống bệnh Covid-19 cho Tây Ban Nha và Italy, hai nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt dịch này.

Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Czech Tomas Petricek cho biết nước này hỗ trợ Tây Ban Nha và Italy, mỗi nước 10.000 bộ trang phục bảo hộ phòng chống dịch Covid-19 và số hàng viện trợ này được lấy từ kho dự trữ của lực lượng cảnh sát Czech.

Ông Petricek chia sẻ, trên các thùng hàng viện trợ trên có dán chữ “đoàn kết” và hình lá cờ của Czech và Tây Ban Nha hoặc Italy.

Cùng với trang phục bảo hộ, CH Czech cũng viện trợ hai nước trên khẩu trang chất lượng cao do Đại học kỹ thuật Czech vừa mới chế tạo theo công nghệ in 3D và khẩu trang thường do công ty Nanologix của Czech sản xuất.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã cử các chuyên gia thuộc quân đội nước này tới Bergamo, tâm chấn của dịch Covid-19 tại Italy để giúp ngăn chặn mầm bệnh lây lan.

Theo Sputnik, các đơn vị phòng thủ hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân (CBRN) của quân đội Nga cuối tuần qua đã mang đến Bergamo nhiều trang thiết bị đủ để chống lại một cuộc tấn công bằng vũ khí sinh học chứ không chỉ là sự bùng phát của virus corona chủng mới. Họ đã phun khử trùng khắp thành phố với hơn 1.000 xe hơi, 14km đường và 15.000m2 diện tích bề mặt các tòa nhà mỗi giờ.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, ngoài các đơn vị CBRN, quân đội Nga cũng biệt phái nhiều chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, các nhà dịch tễ học và bác sĩ đa khoa có kinh nghiệm tham gia chống dịch ở nhiều nơi trên thế giới tới giúp cuộc chiến chống Covid-19 ở Italia.

Ngày 28/3, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Tunis Patrice Bergamini cho biết EU đã cung cấp khoản viện trợ trị giá gần 280 triệu USD cho Tunisia trong nỗ lực đối phó với các tác động tiêu cực về kinh tế và xã hội do sự bùng phát của đại dịch Covid-19.

Tunisia đang phải đối mặt nhiều khó khăn trong chiến đấu với dịch Covid-19, do sự hạn chế về cơ sở hạ tầng y tế. Tính đến sáng 30/3, quốc gia Bắc Phi đã ghi nhận 312 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 8 trường hợp đã tử vong.

Tuần trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cam kết giải ngân khoản hỗ trợ 400 triệu USD để giúp Tunisia khắc phục những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng.

Trung Quốc sẽ hỗ trợ Italy thiết lập một bệnh viện dã chiến tại vùng Marche để điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh Covid-19.

Dự kiến, bệnh viện dã chiến sẽ được thiết lập và đi vào hoạt động trong vòng 3 ngày với sự hỗ trợ của đội ngũ gồm 50 bác sĩ, 80 y tá và 30 kỹ thuật viên của Trung Quốc. Đây là đội ngũ nhân viên y tế và chuyên gia đã trực tiếp tham gia cuộc chiến với Covid-19 tại Vũ Hán.

Theo Chủ tịch Vùng Marche Luca Ceriscioli, bệnh viện dã chiến sẽ được đặt tại khu vực bệnh viện Torrette ở Ancona với khoảng 60 giường bệnh điều trị tích cực.

Ngày 29/3, đoàn chuyên gia y tế 12 người của Trung Quốc đã đến sân bay Vientiane, Lào cùng với lượng lớn trang thiết bị y tế bao gồm khẩu trang, đồ phòng hộ, thuốc điều trị... nhằm hỗ trợ cho Lào trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Cùng ngày, máy bay chở 100.000 khẩu trang, thiết bị thở cầm tay, đồ bảo hộ...của Trung Quốc cũng đã cập cảng sân bay Kathmandu, Nepal.

Trước đó, hôm 28/3, số hàng viện trợ bao gồm 500.000 khẩu trang y tế, thiết bị bảo hộ cũng đã được gửi đến Philippines, 200.000 bộ xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 đã được chuyển đến Campuchia, một lượng lớn thiết bị y tế của Trung Quốc cũng đã được chuyển đến Mông Cổ.

Theo số liệu của Cục Hợp tác phát triển quốc tế Trung Quốc công bố hôm 26/3, Trung Quốc đã tổ chức 4 đợt hỗ trợ chống dịch đối với 89 quốc gia tại 5 châu lục và 4 tổ chức quốc tế trên thế giới, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU) và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Thông báo của Bộ Ngoại giao Singapore cho biết Singapore sẽ ủng hộ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) 500.000 USD trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Khoản đóng góp này sẽ hỗ trợ cho Kế hoạch Sẵn sàng Phản ứng Chiến lược của WHO đối phó với dịch bệnh với mục tiêu của kế hoạch này là nhằm hạn chế sự lây nhiễm từ người này sang người khác.

Tháng trước, WHO đã kêu gọi các nước ủng hộ 675 triệu USD để tổ chức này có thể đầu tư cho các nước đang bị tác động nghiêm trọng của dịch bệnh. Mới đây, một số quỹ cũng đã được thành lập để hỗ trợ WHO và các đối tác trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu này.

Ngày 29/3, Quỹ Quốc tế Temasek (Singapore) đã trao tặng 10 máy trợ thở nhằm hỗ trợ Việt Nam trong công tác điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Singapore Tào Thị Thanh Hương đã tiếp nhận, bày tỏ cảm ơn đối với Quỹ Temasek về món quà ý nghĩa này.

Từ đầu tháng 3/2020, Quỹ Temasek đã đề nghị và được Chính phủ Việt Nam chấp thuận về việc tài trợ 10 máy trợ thở cho 5 bệnh viện của Việt Nam là: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, v Quân y 103, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Quân y 7A. Đây là đợt tài trợ thứ hai tiếp sau đợt tài trợ trước đó của Temasek dành cho Bộ Y tế Việt Nam để điều trị Covid-19 gồm các máy móc thiết bị và bộ kít thử gồm: VerePLEXTM Biosystem, VereCovTM Detection Kits và QIAamp Viral RNA Mini Kit.

Tại cuộc điện đàm với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, ngày 26/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo, Chính phủ Việt Nam quyết định hỗ trợ Chính phủ Lào và Chính phủ Campuchia các trang thiết bị y tế cần thiết với trị giá 100.000 USD cho mỗi nước, ngoài hỗ trợ trực tiếp của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cho các đối tác Lào và Campuchia; đồng thời khẳng định Việt Nam sẵn sàng cử chuyên gia y tế sang hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm về phòng chống dịch nếu Lào và Campuchia có yêu cầu.
(tổng hợp)