Cá ốc sên với cơ thể trong suốt pha chút ánh đỏ. (Nguồn: Twitter) |
Trong một chuyến khảo sát vùng biển gần quần đảo Aleutian của Alaska (Mỹ), các nhà khoa học đã tình cờ tìm thấy một sinh vật kỳ lạ, thuộc họ cá ốc sên (snailfish), có tên khoa học là Crystallichthys cyclospilus.
Qua hình ảnh ghi nhận từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), có thể thấy con cá có ngoại hình kỳ lạ với cơ thể trong suốt, săn chắc, pha chút ánh đỏ.
Điều này cho phép nó dễ dàng ẩn mình lòng đáy đại dương tối tăm - nơi hiếm khi chứng kiến sự có mặt của ánh sáng mặt trời.
Theo Sarah Friedman, một nhà sinh vật học tại NOAA, loài cá này cực kỳ hiếm gặp, dù chúng chỉ sống ở độ sâu khoảng từ 100 - 200 mét. Thực tế cho thấy chúng ít xuất hiện đến nỗi, những thông tin và hình ảnh có rất ít trong các tài liệu tham khảo.
"Cơ thể trong suốt, pha chút ánh đỏ của chúng là độc nhất. Đó là một sự thích nghi của các sinh vật biển sâu như loài ốc bươu vàng dùng để tự ngụy trang, dựa trên bước sóng ánh sáng truyền qua nước", Friedman chia sẻ.
"Ánh sáng đỏ có bước sóng ngắn nhất, có nghĩa là nó không bao giờ đến vùng nước sâu và chiếu vào những con cá này. Điều này làm cho chúng hầu như "vô hình" trước mắt những kẻ săn mồi", cô lý giải.
Friedman cho biết cá ốc sên cũng có một đặc tính thú vị khác, đó là sở hữu các giác hút ở mặt dưới của cơ thể. Điều này giúp chúng dễ dàng bám vào đá và không bị cuốn đi bởi các dòng chảy mạnh. Theo đó, cá ốc sên là một trong số ít những loài cá sở hữu cấu trúc này.
Con nhện biển khá lớn, màu vàng cam. (Nguồn: Twitter) |
Trong chuyến khám phá biển, Friedman và nhóm của cô cũng bắt gặp nhiều sinh vật độc đáo khác, điển hình như một con nhện biển khá lớn, màu vàng cam, với đôi chân giống như những chiếc cà kheo, gọi là Colossendeis.
Được biết, sinh vật này có thể dài tới 50 cm và sống ở độ sâu từ 2 - 4km dưới mực nước biển. Chế độ ăn của nhện biển bao gồm thạch, hải quỳ và các động vật không xương sống khác.