Họp trực tuyến giữa Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ngày 30/7. (Nguồn: Antara) |
Theo hãng thông tấn chính thức Antara, trong cuộc họp trực tuyến ngày 30/7 với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc - với tư cách là một bên ký kết Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) - cần tuân thủ quy tắc ứng xử khi giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông với các nước trong khu vực.
Phát biểu họp báo sau cuộc họp, Ngoại trưởng Marsudi khẳng định: "TAC đã được nhiều nước ký kết, trong đó có Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nghĩa vụ của các quốc gia ký kết TAC là tuân thủ các nguyên tắc của Hiệp ước".
Bà Marsudi cũng cho rằng đối thoại là "cách tốt nhất" để giải quyết xung đột, đồng thời nêu bật "nguyên tắc nhất quán" được Indonesia đề cao trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ và tranh giành quyền lực ở Biển Đông là "tôn trọng luật pháp quốc tế".
"Indonesia tin tưởng rằng hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông chỉ có thể được duy trì nếu tất cả các quốc gia tôn trọng và thực thi tất cả luật pháp quốc tế liên quan, bao gồm cả UNCLOS 1982", bà nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Indonesia kêu gọi tất cả các bên tiếp tục ưu tiên phối hợp và hợp tác, thay vì đối đầu thù địch.
Indonesia không phải là một bên trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng vào năm 2016 và cuối năm 2019, căng thẳng đã bùng lên giữa Jakarta và Bắc Kinh sau khi hàng loạt tàu đánh cá Trung Quốc tràn vào vùng biển gần quần đảo Natuna của Indonesia ở phía Nam Biển Đông.
Trước đó, phát biểu tại hội thảo “Tầm nhìn chiến lược 2020” do Viện Chính sách chiến lược Australia (ASPI) tổ chức trực tuyến, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia Dino Patti Djalal cho biết: Giống các nước ASEAN khác, Indonesia quan tâm nhiều đến UNCLOS vì cấu trúc lãnh hải quốc gia của Indonesia có liên quan trong công ước này. Trong bối cảnh Bắc Kinh hành xử ngày càng quyết đoán hơn và cứng rắn hơn đối với Đường 9 đoạn, thì UNCLOS cung cấp những luật lệ rõ ràng và là cơ sở nhận thức tốt nhất để giải quyết vấn đề.
“Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng rằng không cần thiết phải thương lượng. Không có tranh chấp nào vì chúng tôi không thừa nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Chúng tôi không thừa nhận Đường 9 đoạn”, vị cựu quan chức ngoại giao này nhấn mạnh.