Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarid. (Nguồn: Tehran Times) |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết chuyến thăm của ông Zarif tới Qatar và Iraq nằm "trong khuôn khổ phát triển quan hệ song phương (và) các cuộc đàm phán khu vực và xuyên khu vực".
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Iran và Saudi Arabia mới đây tổ chức đàm phán trực tiếp tại thủ đô Baghdad, Iraq trong nỗ lực hàn gắn quan hệ giữa hai nước.
Các cuộc đàm phán ở Baghdad, do Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhemi làm trung gian, đã được giữ bí mật cho đến khi tờ Financial Times đưa tin cuối tuần trước rằng một cuộc họp đầu tiên đã được tổ chức vào ngày 9/4 và một cuộc họp khác được lên kế hoạch ngay sau đó.
Nội dung chủ yếu xoay quanh cuộc xung đột tại Yemen, vốn chứng kiến cuộc cạnh tranh ảnh hưởng khốc liệt nhất giữa Iran và Saudi Arabia.
Một quan chức chính phủ Iraq xác nhận cuộc gặp với AFP, trong khi một nhà ngoại giao phương Tây cho biết ông "đã được thông báo trước rằng các cuộc đàm phán sẽ diễn ra" với mục đích "giúp tạo mối quan hệ tốt hơn giữa Iran và Saudi Arabia và giảm căng thẳng".
Iran không xác nhận nhưng cũng không phủ nhận tin tức về cuộc gặp mà chỉ khẳng định "luôn hoan nghênh" đối thoại với Saudi Arabia.
Reuters đưa tin ngày 19/4, phát biểu họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nói: "Chúng tôi đã biết tin tức truyền thông về cuộc đàm phán giữa Iran và Saudi Arabia, mặc dù thông tin đôi khi có những trích dẫn trái chiều.
Điều quan trọng là Cộng hòa Hồi giáo Iran luôn hoan nghênh đối thoại với Saudi Arabia và điều này có lợi cho người dân hai nước cũng như hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Từ trước đến nay, quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia luôn trong tình trạng "cơm không lành, canh không ngọt" do mâu thuẫn trong quan niệm tôn giáo cũng như cách tiếp cận trong nhiều vấn đề quốc tế.
Hai nước luôn đối lập trong các vấn đề của khu vực như cuộc khủng hoảng tại Syria hay tại Yemen. Saudi Arabia ủng hộ các đồng minh người Sunni tiến hành những cuộc xung đột từ Yemen tới Lebanon để chống lại người Hồi giáo dòng Shiite do Iran hậu thuẫn.
Căng thẳng leo thang khi Saudi Arabia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran từ năm 2016 và sau đó liên tục nỗ lực tập hợp lực lượng để đối phó, công khai coi bên kia là thù địch. Riyadh thậm chí lấy việc ngừng quan hệ ngoại giao với Tehran làm một trong những điều kiện tiên quyết cho những quốc gia vùng Vịnh muốn duy trì quan hệ với nước này.
Một số quốc gia vùng Vịnh đã ủng hộ Saudi Arabia trong việc đưa ra quan điểm cứng rắn với Iran. Tuy nhiên, Qatar vẫn duy trì mối quan hệ nồng ấm với Iran bất chấp lời kêu gọi của Saudi Arabia và các đồng minh, vốn cho rằng đây là một trong những lý do để áp đặt lệnh phong tỏa đối với tiểu vương quốc giàu khí đốt vào năm 2017.
Rạn nứt đó giờ đây dường như đã hàn gắn sau khi Qatar được mời tham dự một cuộc họp ở Saudi Arabia vào tháng Giêng. Tại Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) ngày 5/1, các nước đã nhất trí khôi phục hoàn toàn quan hệ với Qatar theo một thỏa thuận hòa giải do Mỹ và Kuwait làm trung gian.
Cũng trong ngày 24/4, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), có trụ sở ở Anh, cho biết một tàu chở dầu của Iran đã bị tấn công ở ngoài khơi bờ biển Syria. Hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria dẫn lời Bộ Dầu mỏ nước này cho biết lửa đã bùng lên sau "sự vụ được cho là một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái từ hướng vùng biển của Lebanon". |