Từ ngày 11-17/1, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bắt đầu công du 4 quốc gia gồm Myanmar, Indonesia, Brunei và Philippines. Chuyến thăm của người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc tới Đông Nam Á lần này có một vài điểm đáng chú ý.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Aung San Suu Kyi trong cuộc gặp tại Naypyitaw ngày 11/1. (Nguồn: Reuters) |
Bối cảnh mới
Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Nam Á có chuyển biến mới.
Mỹ đang đối mặt với nhiều vấn đề đối nội khi đại dịch Covid-19 lây lan mạnh và bạo loạn tại Điện Capitol khiến thế giới chấn động. Xứ cờ hoa bước vào những ngày cuối của Tổng thống Donald Trump, song còn đó nguy cơ bạo loạn và bất ổn.
Tuy nhiên, cạnh tranh Mỹ-Trung không hạ nhiệt, thậm chí nóng hơn với hàng loạt trừng phạt của Washington với Bắc Kinh.
Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang bận bịu với dịch Covid-19. Ngày 7/1, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã ban bố tình trạng khẩn cấp với Tokyo và ba tỉnh lân cận để ứng phó với số ca Covid-19 tăng nhanh.
Ngày 11/1, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố Chính phủ sẽ cung cấp miễn phí vaccine Covid-19 cho tất cả người dân theo từng giai đoạn, bắt đầu từ tháng 2 tới.
Trong khi đó, Ấn Độ tuần rồi trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới vượt mốc 150.000 ca tử vong.
Tại Đông Nam Á, làn sóng Covid-19 cũ chưa được kiểm soát, song biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã chực chờ bùng phát, buộc các quốc gia căng mình chống dịch. Indonesia đã tiến hành giãn cách xã hội toàn đảo Java và Bali, còn Malaysia đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì Covid-19 tới tháng 8.
Việc sở hữu, triển khai tiêm phòng vaccine Covid-19 và hạn chế thiệt hại, khôi phục tăng trưởng của nền kinh tế là hai ưu tiên hàng đầu của Đông Nam Á.
Nắm bắt thời cơ
Bắc Kinh nhận thức rõ điều đó và đã nhanh chóng có đối sách phù hợp để mở rộng ảnh hưởng, xây dựng hình ảnh Trung Quốc như một cường quốc có trách nhiệm trong bối cảnh nhu cầu chống dịch Covid-19 và khắc phục hậu quả về kinh tế trở thành ưu tiên cấp bách.
Điều này đã ít nhiều giải thích tần suất công du Đông Nam Á dày đặc của các quan chức Trung Quốc thời gian qua. Tháng 10/2020, Ngoại trưởng Vương Nghị đã thăm Campuchia, Malaysia, Lào và Thái Lan. Trước đó 2 tháng, ông đã gặp và trao đổi với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh trong Lễ kỷ niệm 20 năm ký kết Hiệp ước biên giới đất liền và 10 năm triển khai 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc tại cầu Bắc Luân, cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam)-Đông Hưng (Trung Quốc).
Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng đã thăm Singapore và Myanmar trong tháng 8 và 9. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã có các chuyến thăm bước ngoặt tới Indonesia, Malaysia, Brunei và Philippines hồi tháng 9 vừa qua.
Như vậy, với chuyến thăm Myanmar, Indonesia, Brunei và Philippines của Ngoại trưởng Vương Nghị giữa tháng Giêng này, các quan chức Trung Quốc đã tiếp xúc với đại diện các quốc gia ASEAN chỉ trong hơn 4 tháng.
Hai trọng tâm lớn
Đáng chú ý, trọng tâm thảo luận giữa các quan chức Trung Quốc và nước sở tại xoay quanh hai vấn đề lớn hiện nay của Đông Nam Á là kiểm soát đại dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế. Vaccine Covid-19 của Sinovac Biotech và Sinopharm (Trung Quốc) đã được nhiều quốc gia khu vực đặt hàng.
Trong khi đó, ký kết, triển khai dự án phát triển cơ sở hạ tầng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) với Trung Quốc có thể tạo động lực, giúp các quốc gia này bật dậy sau cú sốc kinh tế từ dịch Covid-19.
Với chuyến thăm Myanmar, Indonesia, Brunei và Philippines của Ngoại trưởng Vương Nghị, các quan chức Trung Quốc đã tiếp xúc với đại diện các quốc gia ASEAN chỉ trong hơn 4 tháng. |
Đơn cử như tại Naypyitaw ngày 11/1, Ngoại trưởng Vương Nghị đã hội kiến Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao Aung San Suu Kyi và Tổng thống U Win Myint, qua đó trở thành quan chức ngoại giao đầu tiên thăm chính thức Myanmar kể từ sau cuộc bầu cử tháng 11/2020. Theo đó, Trung Quốc cam kết cung cấp 300.000 liều vaccine cho Myanmar.
Tổng thống U Win Myint khẳng định cam kết thúc đẩy quan hệ và sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực bao gồm như vaccine Covid-19, văn hóa và du lịch.
Hai bên được cho là cũng thảo luận về an ninh biên giới, hợp tác khu vực, đóng góp của Trung Quốc trong đàm phán hòa bình, tìm kiếm giải pháp về người Rohingya.
Bắc Kinh và Naypyitaw có thể nối lại một số dự án bị trì hoãn bởi đại dịch như Đặc khu Kinh tế Kyaukphyu và Khu Hợp tác Kinh tế Biên giới Trung Quốc-Myanmar. Ngày hôm nay (12/1), Ngoại trưởng Vương Nghị dự kiến sẽ gặp Thống tướng Min Aung Hlaing trước khi bắt đầu các điểm dừng chân tiếp theo tại Indonesia, Brunei và Philippines.
Tại ba quốc gia trên, trọng tâm thảo luận cũng sẽ tập trung vào câu chuyện vaccine Covid-19 và các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Indonesia đã trở thành quốc gia đầu tiên ngoài Trung Quốc tiến hành tiêm chủng khẩn cấp vaccine Covid-19 của Tập đoàn dược phẩm Sinovac, với Tổng thống Joko Widodo dự kiến sẽ được tiêm phòng ngày 13/1, ngày ông tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc.
Tương tự là câu chuyện với Malaysia, quốc gia đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì Covid-19 tới tháng 8 và Brunei, đối tác rất quan trọng của Trung Quốc trong việc xây dựng Con đường tơ lụa trên biển trong thế kỷ XXI và có mối quan hệ tốt với các quốc gia Trung Đông.
Như chuyên gia Sebastian Strangio của tạp chí The Diplomat nhận định, Đông Nam Á là khu vực đặc biệt quan trọng với Trung Quốc và chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị nhằm “thể hiện cam kết vững chắc của Trung Quốc với ASEAN, khi các nước bắt đầu cảm nhận hệ quả kinh tế rõ rệt của dịch Covid-19”.
Xa hơn, Trung Quốc mong muốn đóng vai đối tác then chốt trong một thế giới hậu Covid-19 bằng mở rộng quyền tiếp cận vaccine và hỗ trợ hồi phục kinh tế tại khu vực. Tuy nhiên, hiệu quả của các chính sách này ra sao, chỉ thời gian mới có thể giải đáp.