Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba. (Nguồn: Getty Images) |
Ngày 13/10, trong một cuộc họp báo, ông Kuleba cáo buộc Nga gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu khiến châu Phi lao đao vì thiếu lương thực, đồng thời cho rằng, mỗi quả tên lửa của Nga không chỉ tác động đến người dân Ukraine "mà còn gây tổn hại đến chất lượng cuộc sống của người dân châu Phi".
Về phía Nga, tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, "gần như tất cả" ngũ cốc Ukraine được vận chuyển theo một thỏa thuận do Liên hợp quốc (LHQ) hậu thuẫn để xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, đã được gửi đến các quốc gia giàu có ở châu Âu, thay vì các quốc gia bị hạn hán ở châu Phi.
Trước cáo buộc này, Ngoại trưởng Ukraine cho biết: “Kể từ tháng Bảy, 830.000 tấn ngũ cốc đã được chuyển đến các quốc gia châu Phi”.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Ukraine đã bắt đầu chuyến công du châu Phi vào tuần trước, với các chặng dừng chân tại Senegal, Côte d'Ivoire, Ghana và Kenya, trước khi một loạt các cuộc tấn công vào Kiev và các thành phố khác buộc ông phải về nước hôm 10/10.
Bốn nước này nằm trong số 143 quốc gia tại Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết lên án việc Nga sáp nhập 4 vùng của Ukraine.
Cũng liên quan châu Phi, ngày 12/10, Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga Oleg Ozerov xác nhận, nước này và các đối tác châu Phi đang chuẩn bị cho các kế hoạch hợp tác mới trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ 2, cũng như thiết lập quan hệ đối tác thông tin hiệu quả với các quốc gia châu Phi.
Đại sứ Ozerov cũng khẳng, định Nga có “lịch sử tín nhiệm rất tốt” với các quốc gia châu Phi khi đào tạo hàng trăm nghìn chuyên gia cho khu vực này và châu Phi "biết rằng Nga thực hiện công việc đó không phải vì lợi nhuận, kết quả này cuối cùng đã góp phần vào sự phát triển các mối quan hệ của chúng ta".