Ảnh minh họa. |
Đã toan bỏ cuộc vi hành
Không đi thì nhớ nên đành phải đi…
Năm nay Ngọc Hoàng định không vi hành nước Nam như thường lệ bởi lẽ Thiên hạ sắp bước vào năm Rồng với quá nhiều bê bối: xung đột Nga-Ukraine chưa có hồi kết, chiến tranh Dải Gaza chưa có điểm dừng, Biển Đỏ nóng nung như vạc dầu sôi và nhiều vùng chờ chực dậy sóng... Nơi nào cũng cần Trẫm có mặt, cuộc cờ địa chính trị đang làm u ám kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên kinh tế nước Nam vẫn là một trong những điểm sáng hiếm hoi.
Như thường lệ, Bút Trúc vẫn trình ta bản báo cáo thường niên nhưng do chân chậm mắt mờ lại dùng ChatGPT tiếng Anh quá nhiều sự kiện, ngôn ngữ thì ngô nghê, khen nhiều hơn chê nên Trẫm phải trực tiếp gặp gỡ tranh luận và chấn chỉnh hắn. Bạn đọc Thế giới & Việt Nam cứ hiểu cho: những lời hay ý đẹp là của Bút Trúc, còn phần nào nghịch nhĩ là ý của ta để khỏi phân vân đâu là ý của ai.
Kinh tế toàn cầu sẽ đi về đâu?
Nhìn tổng thể, các điều kiện kinh tế toàn cầu năm qua luôn ở tình trạng khá mong manh, dễ bị tổn thương trước những rủi ro. Dư âm Covid-19 vẫn còn nặng lắm, lạm phát cao, nhiều nền kinh tế lớn đua nhau siết chặt dòng tiền, lui vào bảo hộ.
Dù vậy, kinh tế toàn cầu đã tránh được một vòng xoáy suy thoái mới, cùng với đó là những tín hiệu khởi sắc như chi tiêu tiêu dùng tăng, sản xuất phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục đi xuống và lạm phát đang trên đà hạ nhiệt. Tuy nhiên, chỉ cần một cuộc khủng hoảng địa chính trị thì không ai dự báo nổi kinh tế toàn cầu sẽ đi về đâu! Câu chuyện hội nhập toàn cầu đang cần tái cấu trúc.
Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2024 có chủ đề “Xây dựng lại niềm tin”... giữa những thách thức toàn cầu, bao gồm xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu và những tiến bộ trong công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI). Muốn cá chép hóa rồng, nước Nam vẫn phải tiếp tục mở cửa nền kinh tế và tham gia các hiệp định thương mại đa phương, tận dụng năng lực công nghệ ngày càng cao của mình, chớ có chung chung kiểu Rồng bay phượng múa.
Nói thế là để vui thôi nhưng đừng vui quá, cũng như bóng đá khi đá hay được một trận thì nhiều kẻ nổ vang trời, đến khi thua đội thấp hơn thì tẽn tò quá, hóa ra đầu rồng đuôi tôm, vẽ rồng nên giun.
Bản lĩnh “cây tre Việt Nam”
Trước nhiều cơn gió ngược, nước Nam oằn mình chống đỡ và đứng vững như cây tre Việt Nam vốn mang đức tính của con người xứ sở: nhũn nhặn, ngay thẳng, thủy chung, can đảm. Cây tre đã theo Thánh Gióng đuổi giặc Ân, theo các chiến sĩ vượt Trường Sơn ra trận, làm mũi tên, gậy tầm vông đánh đuổi quân thù. Cây tre và những cây cùng họ đã làm nên chiến lũy, làm lạt mềm buộc chặt, làm bè mảng đánh cá và bảo vệ biển khơi, làm nên tiếng sáo vang lưng trời của chiếc diều tre...
Trẫm đã chứng kiến nhiều nơi có cây tre, nhiều nơi có quan hệ kiểu cây tre nhưng phải đến đây mới rõ nền Ngoại giao cây tre Việt Nam bởi cây tre mang những đức tính của con người bản xứ - đất nước “Con Rồng, cháu Tiên”. Có lúc, Trẫm không hiểu vì sao thế giới ủng hộ nước Nam chống Covid-19 nhiều đến thế. Không đếm nổi các hoạt động ngoại giao cấp cao trong năm qua và quá ngạc nhiên khi những người đứng đầu hai cường quốc lớn nhất đã thăm nước Nam trong dịp cuối năm.
Chính Ngoại giao kinh tế đã góp phần không nhỏ để giúp Việt Nam đương đầu thắng lợi trước cơn gió ngược. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan, vị trí chiến lược tốt và sự hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu giúp Việt Nam trở thành quốc gia đóng vai trò then chốt trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ở vị thế ấy, nước Nam không chỉ tham gia mà còn phải góp phần định hình kinh tế toàn cầu.
GDP năm qua ở nước Nam tăng 5,05%, tuy chưa đạt kế hoạch đề ra nhưng vẫn là mức cao của khu vực nhờ nỗ lực phi thường của lãnh đạo và toàn dân, đẩy mạnh đầu tư công, lấy nông nghiệp làm bệ đỡ và điều hành linh hoạt công cụ ngân hàng và tài chính.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là năm 2023 sản xuất công nghiệp đã mất vai trò động lực. Đặc điểm của tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào khu vực FDI và xuất khẩu đặc biệt trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. Năm Mão nước Nam xuất siêu cao nhưng một phần do nhập khẩu giảm mạnh, trong khi đó cơ cấu nhập khẩu là các nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất trong nước. Nhập khẩu giảm mạnh làm giảm nội lực nền kinh tế, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và tiêu dùng.
WB từng kiến nghị, trong đầu tư công của nước Nam cần cân nhắc chú trọng đầu tư cho khoa học công nghệ, chuyển đổi số bên cạnh đầu tư cho hạ tầng vì đầu tư cho hạ tầng công nghệ, giáo dục chưa được bao nhiêu. Kích cầu cho tiêu dùng cũng là vấn đề cần bàn thảo, tiền gửi tăng 13,5 triệu tỷ đồng… Cần có cơ chế đưa dòng tiền này vào sản xuất, đầu tư để phát triển…
Để rồng mây… gặp hội!
Theo các chuyên gia, năm 2024 được xác định là bản lề quan trọng cho công cuộc chuyển đổi xanh khi các nền kinh tế lớn trên thế giới khởi động quá trình áp dụng những chính sách khắt khe về tiêu chuẩn xanh và phát triển bền vững. Là quốc gia có mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, Việt Nam phải nhập cuộc nhanh và quyết liệt hơn để đáp ứng các tiêu chuẩn mới… Có như thế, rồng mây mới gặp hội.
Trẫm thấy nước Nam đã thảo luận rất nhiều về chuyển đổi xanh nhưng hành động còn ít. Có thể vì cơm áo không đùa với chuyển đổi xanh chăng? Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp thường phải lo tìm kiếm lợi nhuận, tối ưu lợi nhuận trước. Các lợi thế về tham gia các hiệp định thương mại tự do đang dần mất tính ưu việt một phần là bởi rắc rối về địa chính trị và vì các nước nhập khẩu đòi hỏi cao hơn.
Các nhà nhập khẩu phương Tây đòi hỏi kinh tế phải xanh và sạch. Riêng chỉ với ngành may mặc thôi trước đây họ đòi chứng minh xuất xứ từ vải, nay họ đòi xuất xứ ngay từ sợi. Các yêu sách đó cứ tăng dần, những mặt hàng gia công của nước Nam đã khó càng thêm khó. Dù đi tắt đón đầu phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhưng nhiều nơi vẫn còn là bãi rác thải đồ cũ, không khí đầy bụi mịn, có nơi còn báo động không dám cho trẻ đến trường, nhiều dòng sông thơ mộng đã đổi màu đen kịt, ngộ độc thức ăn xảy ra như cơm bữa.
Du lịch là ngành tăng trưởng mạnh, đón tới 12,6 triệu khách quốc tế, nhưng nếu môi trường càng ngày càng xấu thêm thì đến Rồng còn ngán huống chi người. Chớ để lâm vào cảnh các cụ xưa từng mô tả:
“Nữa mai rồng ngược mây xuôi
Biết bao giờ lại nối lời rồng mây”.
Trong năm Mão, nước Nam còn là điểm đến của các đại bàng công nghệ điện tử, chip của thế giới và trí tuệ nhân tạo nói chung. Đó là tin vui khó tả và cần được mổ xẻ những bài học trước đó. Chỉ cần lấy ví dụ về đại bàng Intel là đủ rõ.
Sau 13 năm hoạt động ở Sài Gòn, dù Việt Nam là nơi xuất xưởng hơn một nửa số sản phẩm của Intel, nhưng ngành sản xuất trong nước chưa cung ứng được bất cứ đầu vào thiết yếu nào cho chip. Các doanh nghiệp nội vẫn chưa thể bay cao cùng “đại bàng”, chưa có doanh nghiệp Việt nào cung cấp được nguyên vật liệu trực tiếp cho công đoạn lắp ráp, đóng gói chip như lớp nền, tụ, chất tạo dòng, nhựa hàn hay keo dán… Sân chơi của các công ty trong nước vẫn nằm bên ngoài dây chuyền sản xuất trực tiếp của tập đoàn bán dẫn. Về mức độ sẵn sàng tiếp cận AI nước Nam mới xếp thứ 5 ở Đông Nam Á.
Gửi niềm tin và hy vọng tới mọi người...
Năm 2024 được xác định là bản lề quan trọng cho công cuộc chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững... Là quốc gia có mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, Việt Nam phải nhập cuộc nhanh hơn và quyết liệt hơn để đáp ứng các tiêu chuẩn mới… Được sự hoan hỉ và trọng thị của cộng đồng quốc tế, tại Hội nghị thường niên Davos vừa qua, người đứng đầu Chính phủ nước Nam đã khẳng định quyết tâm này.
Chuyến thăm lần này Trẫm được bạn của Bút Trúc mời dự food tour, quả là một trải nghiệm tuyệt vời hơn hẳn ở cung đình, thỏa lòng mong đợi từ lâu của ta muốn biến nước Nam thành bếp ăn của hạ giới. Nhằm ôn lại ngày đầu tiên làm quen với Bút Trúc cách nay 16 năm tại quán bia hơi Hà Nội, rủ hắn làm vài vại nhưng hắn ngại bị thổi cồn nên đành dùng trà đá vỉa hè coi như là trà đạo vậy.
Vỉa hè vừa sửa xong nhưng nhiều xe máy chiếm dụng, gần đó có một nhóm người giả vờ vô gia cư để tá túc, xin tiền ông đi qua bà đi lại, còn phía đối diện vẫn đang được khẩn trương đào bới, sửa sang như mọi năm. Hắn tâm sự: “Đã trải qua ba phần tư thế kỷ/ Chuyện vui buồn không dễ quên đâu! Đời vẫn đẹp tuy ngôi sao ngược gió/ Chẳng giúp được gì, càng nghĩ càng đau”. Hắn khen Trẫm tuy ở tít tầng cao mà vẫn vô cùng sâu sát tình hình hạ giới. Rõ là mẹ hát con khen hay, song trách khéo ta không nhấn mạnh thành tựu diệt tham nhũng ở nước Nam mà theo hắn “Mèo đã thành công gom lũ chuột/Rồng nay thẳng cánh diệt tham quan”. Trẫm đồng tình nhưng vẫn bổ sung: đốt lò diệt tham nhũng là một quá trình, mà nói cho cùng không phải chống kiểu: “Ăn như rồng cuốn, uốn như rồng leo, làm như mèo mửa”. Nạn lãng phí, vô trách nhiệm cũng gây hại vô kể chẳng kém gì tham nhũng nhưng chưa cân đong đo đếm được.
Năm qua cùng lúc khánh thành bốn dự án giao thông lớn giá trị 18.000 tỷ đồng, thế mà có vụ án làm thất thoát hàng trăm ngàn tỷ. Thôi, năm mới kỵ nói điềm gở. Rồng cứ chờ trăng còn ẩn trong mây. Trái đất đang nóng lên, tại sao mùa Đông Hà thành lạnh thế. Ngọc Hoàng lại về với nước mây ngàn trùng đây. Như thường lệ, xin gửi lại những tình cảm ấm áp với niềm tin và hy vọng gửi đến mọi người: năm Rồng thắng lợi gấp mười năm qua.
Chúc cho thiên hạ thái bình
Chúc nhau bạn hữu nghĩa tình thủy chung
Rồng mây rồi lại trùng phùng
Nước Nam hùng mạnh sánh cùng năm châu.