Nhỏ Bình thường Lớn

Ngọc Hồi - vùng đất ngã ba biên giới vươn mình tạo khí thế mới, động lực mới

Vùng quê “một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe” Ngọc Hồi trở thành vùng đất biên giới trù phú, sâu nặng ân tình.

Với quyết tâm xây dựng huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum phát triển nhanh, bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện qua các nhiệm kỳ nhận diện được tiềm năng, lợi thế, cơ hội ở từng giai đoạn, qua đó triển khai những đột phá, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, khơi thông và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên vùng đất ngã ba Đông Dương.

Ngọc Hồi - vùng đất ngã ba biên giới vươn mình tạo khí thế mới, động lực mới
Chào cờ chủ quyền quốc gia tại cột mốc Ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia (Nguồn: UBND huyện Ngọc Hồi)

Cuộc trò chuyện đầu tháng 9/2024 với Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi Nguyễn Chí Tường diễn ra trong không khí cởi mở và gần gũi trên vùng đất “một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe”. Với phong thái chân thành, thẳng thắn, người đứng đầu chính quyền huyện đã phác họa, khái quát về con đường phát triển trên vùng biên giới Kon Tum.

Khơi thông tiềm năng, gặt hái thành tựu

Ngọc Hồi có vị trí địa lý, kinh tế, chính trị quan trọng với đường biên giới trên 64km giáp với Lào và Campuchia, nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa đặc trưng, giàu bản sắc với trên 57% đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Xơ Đăng và Giẻ Triêng. Nơi đây là ngã ba Đông Dương, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây của khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.

Sở hữu vị trí đắc địa cùng lợi thế phát triển kinh tế đa dạng, những năm qua, Ngọc Hồi tập trung đẩy mạnh chủ trương xúc tiến, thu hút đầu tư, khơi thông tiềm năng, lợi thế, tháo gỡ “điểm nghẽn”, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội với những kết quả và bước tiến vững chắc, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế tăng trưởng, phát triển đúng hướng, hiệu quả. Sản xuất công nghiệp đạt nhiều thành tựu, thu hút thêm nhiều dự án mới vào các khu, cụm công nghiệp.

Dấu ấn nổi bật sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VII nhiệm kỳ 2020-2025 là các chỉ tiêu cơ bản hoàn thành đúng tiến độ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; diện tích các loại cây trồng như cà phê, cao su, mắc ca, cây ăn quả, cây dược liệu, rừng trồng mới… đạt và vượt kế hoạch.

Trong đó, nông nghiệp công nghệ cao được ứng dụng vào sản xuất, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện đáng kể, thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả cao, sản xuất công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ phục hồi tích cực, kinh tế tập thể và hợp tác xã tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả, công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng thực hiện bài bản, chặt chẽ, đồng bộ.

Ngọc Hồi khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới
Huyện Ngọc Hồi và huyện Tà Veng, tỉnh Rattanakiri (Campuchia) thường xuyên trao đổi, hợp tác phát triển. (Nguồn: UBND huyện Ngọc Hồi)

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Y Lan, năm 2023 và 8 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị sản xuất đạt 9.403 tỷ đồng, bằng 104% kế hoạch và 114% so với năm trước. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 đạt gần 422 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 52 triệu đồng/năm. Huyện có 12 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hoạt động xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y đạt kết quả tích cực. Công tác phát triển du lịch tiếp tục được chú trọng với trên 8.000 lượt khách đến với huyện. Toàn huyện có 166 doanh nghiệp đang hoạt động, 38 tổ hợp tác và hợp tác xã. Đến tháng 8/2024, có 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 24/27 trường học đạt trường chuẩn quốc gia.

Đặc biệt, công tác cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư chuyển biến rõ nét. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, huyện, thị xã ngày càng tăng và luôn đứng đầu trong nhóm các huyện, thành phố tỉnh Kon Tum.

Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh Kon Tum và Đại hội VII Đảng bộ huyện Ngọc Hồi, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định xây dựng đạt chuẩn huyện nông thôn mới và đô thị loại IV. Đến nay đã đạt cơ bản các tiêu chí huyện nông thôn mới, đang làm thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận trong năm 2024, “về đích” trước 1 năm và là huyện đầu tiên của tỉnh Kon Tum “về đích” nông thôn mới; còn tiêu chí đô thị loại IV, đã đạt cơ bản các tiêu chí về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng, cảnh quan đô thị.

Ngọc Hồi - vùng đất ngã ba biên giới vươn mình tạo khí thế mới, động lực mới
Xã Đắk Ang được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. (Ảnh: Nguyễn Văn Chiến)

Vững vàng như cây rừng giữa đại ngàn

Nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Châu Ngọc Lân cho rằng, trong ký ức của nhiều người dân Ngọc Hồi, cảnh nghèo khó năm xưa vẫn còn rõ lắm, giờ nhắc lại không phải để chạnh lòng, mà càng thêm trân quý nghị lực, quyết tâm của lớp lớp các thế hệ sau hơn 30 năm thành lập huyện.

Người dân trên vùng đất ngã ba biên giới này luôn kiên cường, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng, đi qua những tháng ngày gian khó nhất của cuộc chiến tranh và trong sự nghiệp dựng xây, kiến thiết quê hương. Trải qua bao thăng trầm vẫn vững vàng như cây rừng giữa đại ngàn, can trường chống chọi với thiên nhiên để tồn tại, đi lên phía trước. Đó chính là nền tảng, gốc rễ, là động lực để Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc huyện Ngọc Hồi bồi đắp thêm ý chí, nuôi dưỡng khát vọng đổi thay.

Ông A Xem, người dân tộc Xơ Đăng, nguyên Trưởng ban Dân vận Huyện ủy không giấu được niềm vui. “Xưa, cái nghèo, cái khó cứ đeo bám bà con buôn làng ông, bởi cách làm nông nghiệp lạc hậu, năng suất rất thấp nên khó cứ chồng lên khó.

Giờ thì khác nhiều rồi, không ai còn nhắc chuyện khó nữa, bà con giúp nhau làm ăn, phát triển kinh tế. Từ vùng quê nghèo khó thế mà xã mình đã cán đích nông thôn mới lâu rồi, đó là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, người dân chung tay góp sức. Đoàn kết là sức mạnh mà”, ông khảng khái.

Bày tỏ tự hào về sự phát triển vượt bậc của vùng quê bao đời gắn bó, già làng A Lào, 86 tuổi ở thôn Đắk Răng, xã biên giới Bờ Y bộc bạch: “Trọn đời sinh sống ở vùng đất này, tôi đã chứng kiến sự đổi thay của huyện được thể hiện rõ nét nhất ngay ở sự thay đổi trong cuộc sống của người dân, trong đó có gia đình tôi. Những năm qua, huyện dành nhiều công sức tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, không ngừng nâng cao đời sống, mang lại no ấm cho người dân”.

Điều này không chỉ góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng bộ, chính quyền, mà còn tạo được sự đồng thuận, củng cố khối đại đoàn kết; tạo khí thế mới, động lực mới, sức mạnh mới để Ngọc Hồi vững bước.

Nằm bên dãy Tây Trường Sơn hùng vĩ, bao đời nay, từ trong hoang sơ, lạc hậu, đồng bào các dân tộc nơi đây chống chọi với muôn vàn gian nan, thử thách, nhưng họ đã vượt lên, đã chiến thắng và xác lập trường tồn vị trí chủ nhân của vùng đất đại ngàn. Ngày nay, cuộc sống của người dân đã đổi thay vượt bậc. “Nhờ Đảng, Nhà nước chăm lo đầu tư, dẫn dắt đồng bào mình làm ăn, dân làng mình đã thay đổi tư duy phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới ngày càng ấm no, hạnh phúc”, ông Kring Ding, dân tộc Giẻ Triêng ở thôn Tà Poóc, xã Đắk Nông, chia sẻ.

Ngọc Hồi - vùng đất ngã ba biên giới vươn mình tạo khí thế mới, động lực mới
Lễ hội cồng chiêng, múa xoang của dân tộc Brâu, huyện Ngọc Hồi. (Ảnh: Nguyễn Văn Chiến)

***

Hôm nay, trên vùng quê biên giới Ngọc Hồi, từ thị trấn Plei Kần đến các xã Đắk Ang, Đắk Dục, Đắk Kan, Đắk Nông, Đắk Xú, Pờ Y, Sa Loong, từ những bản làng định cư lâu đời tới những khu tái định cư đều trải dài một màu xanh của cao su, cà phê, cây trái… bạt ngàn, xanh thẳm; ở đâu cũng có thể nhận ra vùng đất đang vươn mình vững mạnh, đầy triển vọng. Những thành quả đó được dựng xây bằng bàn tay, khối óc, bằng tâm huyết, vươn tới không ngừng.

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Chí Tường bày tỏ: “Trong quá trình dựng xây và phát triển, bài học lớn nhất được rút ra chính là phải có định hướng đúng đắn, phù hợp, cộng với nhiệm vụ, giải pháp triển khai phải đúng trọng tâm, trọng điểm theo từng giai đoạn, nhất là phải có chiến lược riêng trong khai thác tiềm năng, lợi thế riêng có. Đặc biệt phải khơi dậy được trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ và khát vọng đổi mới, sự đoàn kết, đồng lòng, hợp sức của người dân, tất cả vì cuộc sống của Nhân dân”.

Những thành tựu giành được từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã minh chứng cho các chủ trương, đường hướng đúng quy luật, hợp lòng dân; từ quyết tâm, tư duy, tầm nhìn dài hạn, một mô hình quản trị chắc tay của đội ngũ lãnh đạo tâm huyết, biết dựa vào dân để đi lên; kiến thiết, dựng xây vùng quê “một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe” Ngọc Hồi trở thành vùng đất biên giới trù phú, sâu nặng ân tình.

Đánh thức Tây Nguyên

Đánh thức Tây Nguyên

Kon Tum và Gia Lai là hai trong số năm tỉnh của vùng Tây Nguyên đang nỗ lực tận dụng các tiềm năng khác biệt ...

Biên giới Ia Tơi vun đắp niềm tin đi tới

Biên giới Ia Tơi vun đắp niềm tin đi tới

Khi mặt trời vừa ló dạng, trên vùng cao Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum bừng lên sinh khí của một ngày mới. ...

Kinh tế biển xanh - Động lực phát triển bền vững

Kinh tế biển xanh - Động lực phát triển bền vững

Sau hơn 5 năm triển khai Nghị quyết 36, kinh tế biển đã có được những sự phát triển quan trọng, tạo động lực phát ...

Xây dựng đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc hòa bình, ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội

Xây dựng đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc hòa bình, ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội

Ngày 2/8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã phối hợp cùng các bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức Hội nghị tổng ...

Phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số

Phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số

Thời gian qua, cụ thể hoá đường lối của Đảng, nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số ...