Nhỏ Bình thường Lớn

Giữa bầu trời u ám Covid-19, CPTPP mang đến 'phép màu' cho thương mại Việt Nam-Canada

TGVN. TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định, nếu không dịch Covid-19 thì Hiệp định CPTPP còn có thể mang lại hiệu quả tốt đẹp hơn rất nhiều cho thương mại Việt Nam-Canada.
(Nguồn: 123RF)
Trong quá trình hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam và Canada, CPTPP đã đóng góp một phần không nhỏ. (Nguồn: 123RF)

Hội thảo “Quan hệ thương mại Việt Nam - Canada: Đánh giá 2 năm thực hiện CPTPP và Hướng tới tương lai bền vững hậu Covid-19” do Đại sứ quán Canada tại Hà Nội phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã diễn ra sáng 23/3 tại Hà Nội.

Cơ hội của Việt Nam

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Canada tại Việt Nam Deborah Paul nhận thấy, sau 2 năm thực thi, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã cải thiện khả năng tiếp cận cho hoạt động thương mại và dịch vụ giữa Canada và Việt Nam, củng cố một bộ quy tắc chung, giảm chi phí đối với thương mại và giúp cho hoạt động đầu tư dễ dự đoán hơn.

Điều này giúp cải thiện lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm tại hai thị trường Canada và Việt Nam.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kể từ năm 2015. Bên cạnh đó, Việt Nam là đích đến lớn thứ hai ở ASEAN trong năm 2020 đối với nông phẩm và hải sản xuất khẩu từ Canada.

Những mặt hàng nông nghiệp và nông phẩm hàng đầu của Canada sang Việt Nam bao gồm ngũ cốc, hạt có dầu, cá và động vật giáp xác, trái cây, thịt bò, thịt lợn và các sản phẩm tư sữa.

Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều sản phẩm có thế mạnh mà người tiêu dùng Canada có nhu cầu cao hoặc đang gia tăng nhu cầu như điện thoại, đồ gỗ, may mặc, giày dép, trà, cà phê, rau quả nhiệt đới... Nhiều sản phẩm của Việt Nam đã chinh phục được các thị trường khó tính như: Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản nên cũng có thể đáp ứng được các yêu cầu cao của thị trường Canada...

Hiệp định CPTPP đã góp phần thiết lập khả năng tiếp cận miễn thuế cho thương mại hàng hóa giữa Canada và Việt Nam; đồng thời, làm cho những sản phẩm chất lượng cao của Canada có giá phải chăng hơn đối với người tiêu dùng tại Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam có nhiều thuận lợi khi đưa hàng hóa vào thị trường Canada khi người châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng sang định cư tại Canada ngày càng nhiều. Canada có chính sách khá mở về hàng nông sản nhiệt đới với thuế quan áp dụng không cao; người tiêu dùng Canada không quá bảo thủ, họ sẵn sàng thử sử dụng sản phẩm mới nếu giá cả cạnh tranh.

Điểm sáng thương mại Việt Nam-Canada

Đánh giá kết quả sau 2 năm thực hiện Hiệp định CPTPP, Chủ tịch VCCI TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, trong quá trình hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam và Canada, CPTPP đã đóng góp một phần không nhỏ.

Hoạt động xuất nhập khẩu là mảng ghi nhận dấu ấn đậm nét nhất vai trò của CPTPP dưới nhiều dạng thức khác nhau. Vai trò đó thể hiện trước hết ở các động lực trực tiếp từ các cơ hội thuế quan ưu đãi mà hai bên dành cho hàng hóa của nhau, với hơn 94% dòng thuế xuất khẩu vào Canada và gần 66% dòng thuế nhập khẩu từ Canada được miễn thuế theo CPTPP ngay từ đầu 2019.

Tiếp đó là những cải thiện đáng kể về hàng rào phi thuế theo hướng minh bạch và thuận lợi hơn cho dòng hàng hóa lưu chuyển giữa hai bên.

Với nhiều cam kết cắt giảm thuế quan, thuận lợi hóa thủ tục hải quan, tiết giảm các rào cản phi thuế… CPTPP được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Canada. Canada đã và đang trở thành một đối tác thương mại tiềm năng của Việt Nam.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, năm 2019, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Canada đạt tốc độ tăng trưởng cao xấp xỉ 30%, gần gấp 4 lần tốc độ tăng trưởng thương mại song phương trung bình giữa Việt Nam với các đối tác CPTPP.

Năm 2020 dưới ảnh hưởng của dịch bệnh, tỷ lệ tăng trưởng thương mại giữa hai bên có chậm lại, nhưng vẫn cao gần gấp đôi so với trung bình tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

TS. Vũ Tiến Lộc cho hay, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP cho hàng hóa xuất khẩu mà Việt Nam ghi nhận với Canada dù còn khiêm tốn nhưng vẫn vượt trội so với các đối tác còn lại trong CPTPP. Năm 2019, trong khi tỷ lệ tận dụng ưu đãi CPTPP chung của xuất khẩu Việt Nam chỉ đạt 1,67%, tỉ lệ này với Canada vẫn đạt 8%.

“Kết quả này có được là nhờ những nỗ lực vượt bậc của Chính phủ và doanh nghiệp hai bên trong thiết lập cơ chế, khai phá thị trường, trong kết nối hợp tác kinh doanh giữa hai bên và vượt qua những trở ngại cả khách quan và chủ quan trong suốt hai năm qua”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Canada là một trong những mẫu hình thành công nhất mà CPTPP này mang lại. Kết quả này có được là nhờ nỗ lực của doanh nghiệp 2 bên trong việc thiết lập quy chế khai phá thị trường.

Thêm vào đó, hoạt động xuất nhập khẩu cũng ghi nhận những dấu ấn đậm nét nhất trong vai trò của Hiệp định CPTPP với nhiều dạng thức khác nhau.

Vai trò này thể hiện trước hết ở các cơ hội ưu đãi mà 2 bên dành cho hàng hóa của nhau với 94% dòng thuế xuất khẩu vào Canada, gần 66% dòng thuế nhập khẩu từ Canada được miễn thuế theo Hiệp định CPTPP ngay từ đầu năm 2019 và tiếp theo đó là những cải thiện đáng kể về hàng rào phi quan thuế theo hướng minh bạch, thuận lợi cho các dòng chảy hàng hóa lưu chuyển giữa 2 bên.

TS. Vũ Tiến Lộc cũng cho hay, nếu không dịch Covid-19 thì Hiệp định CPTPP còn có thể mang lại hiệu quả thậm chí tốt đẹp hơn rất nhiều cho thương mại Việt Nam-Canada.

"Có thể chúng ta còn phải sống chung với đại dịch Covid-19 ít nhất là tương lai gần, nhưng trong tình hình khó khăn đó chúng ta may mắn có Hiệp định CPTPP. Hiệp định này là một trong những cơ hội của Việt Nam trong việc thúc đẩy thương mại Việt Nam với thế giới trong bối cảnh khó khăn", TS. Vũ Tiến Lộc nói.

Trung Quốc bắt đầu đàm phán không chính thức với các bên tham gia CPTPP
CPTPP mở rộng - Cầu nối Mỹ-Trung?
Hỏi đáp về CPTPP: Những điều cần biết về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm tham gia CPTPP với Anh
Anh chính thức đề nghị gia nhập CPTPP
TIN LIÊN QUAN

(tổng hợp)