📞

Ngôi nhà thực sự của chị em phụ nữ Việt Nam

Lê An 08:01 | 16/03/2022
Vừa tái đắc cử Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027, bà Hà Thị Nga chia sẻ mong muốn tổ chức Hội thực sự trở thành ngôi nhà để chị em phụ nữ hướng về mọi lúc buồn vui.

Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII vừa tổ chức thành công tại thủ đô Hà Nội. Bà có thể chia sẻ cảm nghĩ về Đại hội lần này?

Có thể thấy, Đại hội lần này mang dấu ấn đặc biệt chưa từng có. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, số đại biểu tham dự là 959/1.000 đại biểu chính thức là sự cố gắng rất lớn. Đáng mừng là chúng tôi đã tổ chức một kỳ Đại hội an toàn, trong đó, 5 phiên thảo luận chuyên đề đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình và rất trách nhiệm của các đại biểu.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga. (Ảnh: Phương Hoa)

Đại hội lần này rút gọn trong thời gian chỉ hai ngày nhưng các nội dung, chương trình đều nhận được sự quan tâm rất lớn của các đại biểu với những đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp. Các văn kiện, nghị quyết Đại hội đều nhận được sự đồng thuận 100% của các đại biểu về nhiệm vụ, mục tiêu nhiệm kỳ mới đặt ra.

Ngay sau Đại hội, Hội sẽ làm gì để Nghị quyết Đại hội XIII sớm đưa vào cuộc sống, thưa bà?

Thứ nhất, chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyền tuyền để mỗi cán bộ, hội viên hiểu một cách sâu sắc nhất những quan điểm chỉ đạo, những nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp để chủ động thực hiện công tác ở các cấp.

Thứ hai, Hội không thể đơn độc nên chúng tôi cần có sự phối hợp, đồng hành của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, bộ, ngành, tổ chức trong nước và quốc tế để có thêm nhiều sự đồng thuận, nhiều hỗ trợ và nhiều nguồn lực, giúp Hội có thể hoàn thành một khối công việc rất lớn đã được xác định trong nhiệm kỳ tới.

Hội lựa chọn biện pháp đột phá gì trong bối cảnh mới hiện nay?

Trong bối cảnh mới, một trong những khâu đột phá nổi bật mà chúng tôi lựa chọn là ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động cũng như tập hợp hội viên. Đây là đòi hỏi từ thực tiễn để làm sao có được hình thức tập hợp linh hoạt nhất, thu hút chị em tham gia vào tổ chức.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường hơn nữa các hoạt động hỗ trợ để khi đến với tổ chức Hội, chị em được chăm lo hơn nữa cả về vật chất lẫn tinh thần. Phải làm sao để Hội thực sự là ngôi nhà cho chị em hướng về mọi lúc buồn vui. Chỉ khi làm được điều đó thì tổ chức Hội mới có thể tập hợp được đông đảo nhất sự tham gia của phụ nữ.

Hiện tại với số lượng khoảng 19 triệu hội viên, Hội đạt tỷ lệ tập hợp hội viên trên 75%, có lẽ là cao nhất trong các tổ chức chính trị xã hội. Tuy nhiên, để hội viên có sự gắn bó thực sự với các phong trào, công tác Hội vẫn là điểm còn yếu mà nhiệm kỳ tới chúng tôi cần phải cải thiện cùng với việc nâng cao chất lượng hoạt động ở cấp cơ sở.

Được biết, Hội có quy định kết nạp hội viên danh dự (bao gồm cả nam giới), bà có thể cho biết thêm về tiêu chuẩn này?

Gần như các tổ chức hiện nay đều có hội viên danh dự. Xuất phát từ đặc trưng hội viên là nữ giới, chúng tôi nhận thấy không nên khuôn hẹp mà cần có thêm nhiều thành phần, trong đó có nam giới đồng hành để chăm lo tốt hơn cho phong trào phụ nữ cũng như công tác bình đẳng giới. Chúng tôi đã báo cáo Ban Bí thư về chủ trương này và nhận được sự đồng tình cao của Ban Bí thư.

Tuy nhiên, sau khi đưa vào điều lệ của Hội, chúng tôi còn có bước tiếp theo để hướng dẫn thực hiện. Đương nhiên, để trở thành hội viên danh dự, cần có những tiêu chuẩn riêng, nhìn chung đó phải là những người có tầm ảnh hưởng lớn, có uy tín và đóng góp nhất định cho công tác Hội.

Để thúc đẩy các hoạt động của Hội thời gian tới, bà đánh giá thế nào về việc tranh thủ các nguồn lực quốc tế?

Thời gian qua, Hội đã triển khai một số chương trình trong bối cảnh Covid-19 và nhận được sự quan tâm của rất nhiều tổ chức quốc tế .

Chúng tôi có nhiều đối tác luôn đồng hành trong việc tiếp cận nền kinh tế số, hỗ trợ phụ nữ xóa đói giảm nhiều, trao quyền cho phụ nữ... Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác trong các hoạt động.

Chúng tôi cũng xác định, trong bối cảnh kinh tế-xã hội của đất nước ta hiện nay, việc tranh thủ hỗ trợ từ nguồn lực quốc tế (cả về kỹ thuật và tài chính) là nhu cầu tất yếu, đôi bên cùng có lợi.

Đại biểu tham dự Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Phương Hoa)

Tái đắc cử Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027, bà hẳn có những kế hoạch của riêng mình trong nhiệm kỳ này?

Sau hai năm công tác tại Hội, tôi nhận thấy mình cần có trách nhiệm và ý thức lớn hơn nữa để không phụ lòng sự tin tưởng của hơn 1.000 đại biểu tham dự Đại hội XIII cũng như 19 triệu hội viên phụ nữ trên cả nước. Bởi vậy, kế hoạch đầu tiên mà tôi quan tâm là sẽ cùng Hội khắc phục những tồn tại hạn chế trong công tác nhiệm kỳ qua, cả những tồn tại hạn chế mà nhiệm kỳ nào cũng nhắc đến.

Với vai trò của người đứng đầu, bản thân tôi cần phải là hạt nhân tạo được sự thống nhất trong một tập thể đoàn kết, có thể kết nối tất cả cán bộ, hội viên để cùng nhau gánh vác trách nhiệm và thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Đại hội XIII đề ra.

Ngoài ra, với vai trò là Ủy viên Trung ương Đảng và Đại biểu Quốc hội, tôi cũng có thêm trách nhiệm hết sức quan trọng là phải làm sao phản ánh tiếng nói đầy đủ nhất cùng những tâm tư nguyện vọng chính đáng của cán bộ, hội viên phụ nữ Việt Nam.

Xin cảm ơn bà!

(thực hiện)