Học sinh của Trường giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh cho khách tham quan |
Ngay từ những phút đầu tiên khi đặt chân tới hành lang của trường, đoàn chúng tôi hết sức xúc động khi chứng kiến những hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam. Tại đây, bạn đã dành những nơi trang trọng nhất để trưng bày những hình ảnh, kỷ vật về Việt Nam. Đặc biệt, trường đã dành hẳn một phòng để trưng bày những tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà bạn gọi là "Bảo tàng Hồ Chí Minh". Nhà trường đã cho trưng bày gần 900 hiện vật và tư liệu quý, trong đó có những tư liệu do Trung tâm Lưu trữ Mátxcơva, Kiev và Hà Nội cung cấp. Nhiều hình ảnh về hoạt động của Người qua các thời kỳ, trong đó có những bức ảnh rất cảm động về tình cảm của Bác đối với nhân dân Ukraina khi Người sang thăm Liên Xô.
Trong số hiện vật, đáng chú ý có tấm bằng Huân chương Chiến công do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng Trung tá M.V. Abramov từ năm 1968, vì có thành tích xuất sắc giúp đỡ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bên cạnh đó, Bảo tàng còn trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, trong đó có những bức tranh là luận án tốt nghiệp của Họa sỹ Trần Quốc Hùng, sinh viên Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Kiev; những cuốn sách mang lời đề tặng của nhà văn - phiên dịch người Ukraina M.D. Kashel, người được nhận giải thưởng Macxim Rưlxki. Ngoài ra, bảo tàng còn lưu giữ 85 bức thư của các nhà văn nổi tiếng Việt Nam, các sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam, những người đã tham gia dịch các tác phẩm văn học nghệ thuật của Việt Nam và Ukraina…
Trao đổi với chúng tôi, bà L.P.Sumga, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2009-2010 này trường kỷ niệm 25 năm thành lập và tròn 20 năm trường vinh dự được mang tên vị Chủ tịch kính yêu của nhân dân Việt Nam. Hiện trường có 595 học sinh, trong đó có 49 học sinh là con em của cộng đồng người Việt đang sống và làm việc tại Kiev. Năm 2002, theo gợi ý của Chủ tịch nước Trần Đức Lương khi đến thăm trường, nhà trường đã mở thêm lớp dạy tiếng Việt cho con em người Việt tại đây.
Bà Hiệu trưởng cho biết thêm, dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà trường đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Người. Vào đúng vào ngày 19/5, Trường đã tổ chức buổi tọa đàm giữa giáo viên và học sinh. Trực tiếp đến dự buổi tọa đàm, Đại sứ Hồ Đắc Minh Nguyệt tâm sự: "Tôi thực sự xúc động khi được nghe các em học sinh trình bày những hiểu biết và suy nghĩ của mình về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng chính ngôn ngữ của các em. Có em đã nói rằng sau này lớn lên mong muốn được sống như Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam".
Tạm biệt ngôi trường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa Thủ đô Kiev cổ kính, mỗi thành viên trong đoàn đều có chung một suy nghĩ mong sao có một sự kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong nước và Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraina để có thể giúp nhà trường bổ sung thêm các tư liệu về Người, cũng như những hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam… để Phòng Bảo tàng thực sự là nơi giáo dục tình cảm cho các cháu học sinh đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là nơi thể hiện tình hữu nghị của nhân dân hai nước Việt Nam - Ukraina.
Đại tá, TS. Đặng Nam Điền (Chính ủy Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh)