Nhỏ Bình thường Lớn

Ngôi trường tiếng Việt đặc biệt ở Thụy Sỹ

Được thành lập từ năm 2017, Trường Bình Minh (thành phố Zurich, Thụy Sỹ) hiện đang dạy tiếng Việt và văn hoá Việt Nam cho gần 30 con em kiều bào và những người bạn nước ngoài yêu mến Việt Nam.

Ngôi trường do cô Ngọc Dung Moser, ủy viên Ban chấp hành Hội Hữu nghị Thụy Sỹ-Việt Nam (ASV) làm Hiệu trưởng đã có nhiều năm tâm huyết với hành trình mang tiếng Việt đến gần hơn với cộng đồng kiều bào.

Ngôi trường tiếng Việt đặc biệt ở Thuỵ Sỹ
Cô Ngọc Dung Moser (thứ 2 từ trái sang) và các giáo viên trường Bình Minh. (Nguồn: Trường Binh Minh)

Đã rời xa quê hương hơn 50 năm, dù thông thạo tiếng Anh, Đức, Pháp cô luôn tìm cách giúp cho bản thân mình và gia đình gìn giữ tiếng mẹ đẻ. Với tư cách là ủy viên Ban chấp hành Hội Hữu nghị Thụy Sỹ-Việt Nam (ASV), cô Ngọc Dung luôn trăn trở làm thế nào để kêu gọi được các gia đình truyền bá rộng rãi tiếng Việt cho thế hệ tương lai.

Tâm sự của cô đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài lắng nghe và tạo điều kiện thực hiện. Vào năm 2015 và 2016, ở tuổi ngoài 60, cô Ngọc Dung về Việt Nam tham gia các khoá tập huấn giảng dạy Tiếng Việt dành cho các giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài.

Trước khi quyết định thành lập trường, cô cùng với những thầy cô giáo tình nguyện dưới sự hỗ trợ của ASV đã dành một tháng tổ chức toạ đàm và tư vấn về tầm quan trọng của tiếng mẹ đẻ đến với cộng đồng sinh sống ở nước ngoài.

Từ tháng 3/2017, trường Bình Minh bắt đầu đón những em học sinh đầu tiên. Lúc này trường chỉ có ba giáo viên, tính cả cô Hiệu trưởng. Mỗi sáng thứ Bảy từ 10-12h tại một nhà hàng Việt Nam tại ngoại ô Zurich, bàn ghế được sắp xếp lại thành một lớp học.

Lớp học thường có 10 em nhỏ, cùng nhau học những bài học tiếng Việt giao tiếp cơ bản hoặc chơi trò chơi bằng tiếng Việt. Các em học cùng cô giáo ở giữa, còn cha mẹ xung quanh thì ngồi theo dõi hoặc cùng tham gia, tạo nên một không gian giao lưu cộng đồng nhỏ dịp cuối tuần.

Ngoài Hiệu trưởng nay đã hơn 70, các thầy cô giáo của trường trong độ tuổi 30-40 và đều là giáo viên tình nguyện. Dù còn nhiều bộn bề cuộc sống nhưng các thầy cô vẫn đều đặn hàng tuần lên lớp bằng cả tâm huyết.

Dựa trên các giáo trình như Tiếng Việt Vui và Quê Việt cùng các chương trình các thầy cô tận dụng nguồn thông tin trên mạng để tự tìm tòi, sáng tạo, hướng dẫn lẫn nhau.

Ngôi trường tiếng Việt đặc biệt ở Thuỵ Sỹ
Phụ huynh người Thụy Sỹ và con gốc Việt cùng học tiếng Việt tại trường Bình Minh. (Nguồn: Trường Bình Minh)

Đối với các học viên là những ông bố bà mẹ nước ngoài, trường Bình Minh ưu tiên dạy cả về nét văn hoá tốt đẹp đời thường của Việt Nam như các ngày lễ hoặc cách ứng xử trong gia đình.

Trong năm nay, trường Bình Minh đã trở lại hoạt động sau một thời gian bị gián đoạn do Covid-19. Với những nỗ lực để truyền bá tiếng Việt và văn hoá Việt Nam trong cộng đồng con em Việt Kiều và các người bạn Thụy Sỹ, mục tiêu của trường hướng tới chuẩn hoá giáo trình.

Mong muốn của không chỉ cô Dung mà cả ASV là qua đó có thể đưa được chương trình dạy tiếng Việt thành bộ môn ngoại ngữ tùy chọn trong trường phổ thông ở Thụy Sỹ.

Mỗi năm một lần, Ngày đoàn kết vào cuối tháng 11 được ASV tổ chức cho hội viên và cộng đồng người Việt. Nhân dịp này, thầy trò trường Bình Minh cũng dành để chúc mừng những thành quả đã đạt được, tiếp tục động viên nhau. Các hoạt động như ca hát, biểu diễn của các em nhỏ cũng chính là món quà tôn vinh thầy cô, cám ơn những nhà tài trợ, cảm ơn cộng đồng đã ủng hộ và hỗ trợ việc giữ gìn tiếng Việt.

Ngôi trường tiếng Việt đặc biệt ở Thuỵ Sỹ
Học sinh trường Bình Minh trong trang phục truyền thống Việt Nam diễu hành trong buổi lễ truyền thống của thành phố Zurich có tên Sechseläuten vào tháng 4/2022. (Nguồn: Trường Bình Minh)

Hiệu trưởng Ngọc Dung của trường Bình Minh và ASV luôn nỗ lực để dự án trường Bình Minh và các dự án dạy tiếng Việt ở Thụy Sỹ trong tương lai không chỉ giúp giữ gìn tiếng Việt cho con em kiều bào mà còn là cơ hội cho các người bạn nước ngoài yêu mến Việt Nam biết thêm về tiếng Việt, về văn hóa, con người nơi đây.

Từ khóa học thứ 2 (tháng 8/2017) cho đến nay, với sự hỗ trợ từ tập đoàn Academia Integration về cơ sở lớp học và trang thiết bị, số lượng học sinh theo học tại Bình Minh nay đã lên đến 5 lớp với nhiều trình độ và nội dung: lớp Vỡ lòng, lớp tiếng Việt 1, lớp tiếng Việt 2, lớp Mẫu giáo-mầm non (do phụ huynh đảm trách) và lớp Giao lưu Văn hoá (phụ huynh và bạn bè người nước ngoài muốn học tiếng Việt).
Hoa Kỳ chung tay bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam

Hoa Kỳ chung tay bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam

Ngày 23/11, tại Hà Nội, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu và ...

Giao lưu văn hoá Việt-Hàn: Tôn vinh tiếng Việt và vun đắp tình hữu nghị hai nước

Giao lưu văn hoá Việt-Hàn: Tôn vinh tiếng Việt và vun đắp tình hữu nghị hai nước

Chiều 20/11, tại Hà Nội, Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài và Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Hàn ...

Tuổi xuân của một giáo viên Việt Nam ở nước bạn Lào

Tuổi xuân của một giáo viên Việt Nam ở nước bạn Lào

Đó là câu chuyện của tôi - một giáo viên Việt Nam đã dành những năm tháng đẹp nhất của tuổi thanh xuân để dạy ...

Dự án Kênh Việt Happiness station: ‘Trạm hạnh phúc’ của tiếng Việt

Dự án Kênh Việt Happiness station: ‘Trạm hạnh phúc’ của tiếng Việt

Nhà văn Kiều Bích Hương cùng các cộng sự đặt tên cho dự án của Kênh Việt Happiness station - có nghĩa “Trạm hạnh phúc”. ...

Ra mắt tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng của nhà văn Henryk Sienkiewicz tại Việt Nam

Ra mắt tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng của nhà văn Henryk Sienkiewicz tại Việt Nam

Đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội vừa ra mắt bộ sách Hiệp sĩ Thánh chiến của Henryk Sienkiewicz - nhà văn Ba Lan ...

(theo Tạp chí Thời đại)