📞

Ngôi trường Việt ở ngoại ô Phnom Penh

13:00 | 11/10/2017
Đó là Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer - Việt Nam Tân Tiến nằm ở quận Chhba Ompal (ngoại ô thủ đô Phnom Penh, Campuchia) - nơi có những học trò kiều bào nghèo và những giáo viên người Việt đầy tâm huyết như cô Nguyễn Mai Thúy.

Tuy cô giáo Nguyễn Mai Thúy đã gần 60 tuổi nhưng ở ngôi trường này còn có những thầy cô dù đã 70 tuổi vẫn tình nguyện đến lớp để gieo từng con chữ Việt đến các em học sinh.

“Cô ơi! Hãy dạy chúng con!”

Gần 30 năm làm nghề giáo ở Việt Nam, cô Nguyễn Mai Thúy không nghĩ có ngày lại đến vùng Chhba Ompal và gắn bó với công việc giảng dạy cho những học sinh Campuchia gốc Việt. Sinh sống ở Tiền Giang, cô đến Campuchia chỉ từ sự tình cờ khi một người bạn ở đây nhờ cô sang dạy phụ một vài tiết học. Thời gian đầu, cô Thúy rất buồn vì xa quê hương và dự định sẽ trở về, nhưng những cuộc điện thoại của các em học sinh nơi đây tha thiết “Cô ơi! Hãy dạy chúng con!” đã níu chân cô ở lại cho đến tận hôm nay.

cô Thúy cùng các em học sinh tại lớp học.

Thấm thoát đã sáu năm trôi qua, cô Thúy giờ đã trở thành Hiệu phó của Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer - Việt Nam Tân Tiến và là người giáo viên gần gũi và gắn bó với nhiều lứa tuổi học sinh gốc Việt. Cũng vì hoàn cảnh sống độc thân nên cô ở tại trường luôn và coi học trò như những đứa con thân yêu của mình. Hàng năm, cô vẫn về Việt Nam vào những dịp nghỉ Hè để có thể cập nhật thông tin, những kiến thức mới ở trong nước và dạy tiếng Việt cho các em một cách tốt nhất.

Tuy nhiên, điều cô Thúy trăn trở nhất là đội ngũ giáo viên của trường đa phần đã ngoài 50 tuổi (có thầy đã 70 tuổi), nên việc cập nhật thông tin bằng công nghệ mới cũng như bồi dưỡng lực lượng kế cận để có thể giảng dạy ở trường đang gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, tiếng Khmer của các giáo viên còn hạn chế nên việc giao tiếp với phụ huynh, học sinh gốc Việt nói tiếng Khmer gặp không ít trở ngại.

Một khó khăn nữa là phần đông các em học sinh được sinh ra và lớn lên tại Campuchia nên chủ yếu nói thạo tiếng Khmer. “Các em có thể phát âm được tiếng Việt nhưng lại không hiểu được nghĩa tiếng Việt, thậm chí còn dịch tiếng Việt theo nghĩa tiếng Khmer. Việc dạy từ vựng và cách đặt câu cho những học sinh này là cả vấn đề, nên các giáo viên trong trường phải rất kiên nhẫn. Chúng tôi thường xếp học sinh thành hai nhóm: nhóm thạo tiếng Việt và nhóm thạo tiếng Khmer để có những phương pháp dạy phù hợp hơn. Vì vậy, công việc của giáo viên thường phải vất vả gấp đôi”, cô Nguyễn Mai Thúy chia sẻ.

Mái ấm Việt của thế hệ kiều bào thứ hai, ba

Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer-Việt Nam Tân Tiến ra đời là tâm huyết chung của Tổng hội người gốc Việt ở Campuchia. Trường được xây dựng dành cho con em người Việt và Khmer nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn điều kiện học hành. Ngôi trường này cũng là kết tinh từ những tình cảm hữu nghị của nhân dân hai nước láng giềng, tạo cơ hội cho tất cả trẻ em người Khmer và Việt Nam trải qua những năm đầu tiên trên con đường học tập.

Tuy nhiên, vì hoạt động đã được gần 10 năm nên cơ sở vật chất của nhà trường đã dần xuống cấp. Chuẩn bị cho năm học mới, Ban Thường vụ Tổng hội người gốc Việt ở Campuchia đã quyết định tu sửa, nâng cấp nhiều hạng mục của trường để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Trong điều kiện còn thiếu thốn, thầy trò nhà trường và phụ huynh học sinh luôn có ý thức vượt qua nhiều khó khăn, duy trì và ổn định hoạt động giảng dạy. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cũng như ngành giáo dục thủ đô Phnom Penh đã giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho con em người Việt được đến trường.

Cô Nguyễn Mai Thúy cũng cho biết, các học sinh ở đây hầu hết là con em người lao động nghèo. Do gia đình phải vất vả mưu sinh, lo “cơm áo gạo tiền” nên rất nhiều em có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng. Những gia đình khá hơn thì có thể cho các em học hết lớp bốn, năm rồi cũng phải bỏ dở. Trước tình trạng này, để thu hút học sinh đến trường và giảm gánh nặng cho phụ huynh, có những năm học Tổng hội cố gắng vận động tài trợ và hoàn toàn không thu học phí. Một số em cũng được nhà trường động viên gia đình cho về Việt Nam để tiếp tục theo học lên các cấp học cao hơn.

Chung tay vượt khó

Khó khăn là vậy, nhưng cô Thúy vui mừng vì đa phần các em học sinh kiều bào rất ham học và luôn coi ngôi trường như mái ấm thứ hai của mình. Nhìn các em chăm chỉ đến lớp và say sưa đọc văn, thơ tiếng Việt, cô được tiếp thêm động lực để kiên trì bám lớp và gắn bó hơn với trường. Theo cô, đối với trẻ em gốc Việt, đây sẽ là nền tảng ban đầu để các em có thể tiếp tục tiến xa hơn trên con đường học tập, trở thành những công dân tốt trên đất nước Campuchia, đồng thời gìn giữ ngôn ngữ, truyền thống văn hóa và nguồn cội của mình.

Những năm gần đây, Nhà nước và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) cũng luôn dành sự quan tâm và hỗ trợ đặc biệt tới giáo viên và kiều bào tại Campuchia. Không chỉ giảng dạy tiếng Việt đúng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, ngôi trường còn tổ chức dạy chữ Khmer miễn phí cho khối lớp một và khối lớp hai để giúp các em dễ dàng hội nhập với nước sở tại, đồng thời có thể tiếp tục theo học lên cấp cao hơn trong hệ thống trường của Campuchia.