Bức ảnh mà nhiếp ảnh gia Ronaldo Schemidt chụp trong một cuộc biểu tình tại Venezuela năm ngoái trở thành "Ảnh của năm" tại lễ trao giải World Press Photo (Ảnh Báo chí Thế giới) 2018. Theo các giám khảo, bức ảnh có giá trị biểu tượng và lập tức tạo ra cảm xúc với người xem.
Nhiếp ảnh gia Schemidt, sống tại Mexico, đến Venezuela để đưa tin về các cuộc biểu tình hồi tháng 5/2017. Người đàn ông trong bức ảnh đã bắt lửa khi anh ta và nhiều người khác cố phá hủy một xe cảnh sát và bình xăng phát nổ.
Bức ảnh đoạt giải "Ảnh của năm" tại lễ trao giải Ảnh Báo chí Thế giới 2018. (Nguồn: AFP) |
"Tôi cảm nhận vụ nổ ngay sau lưng tôi, cảm nhận được hơi nóng. Lúc đó tôi quay lại, đưa máy ảnh lên bấm mà không thấy chuyện gì đang diễn ra", nhiếp ảnh gia 46 tuổi kể với AFP.
Nhân vật trong ảnh là Victor Salazar, 28 tuổi, đeo mặt nạ, tháo chạy khi ngọn lửa bốc cháy ngùn ngụt trên lưng anh. Ban tổ chức giải Ảnh Báo chí Thế giới cho biết Salazar sống sót trong vụ việc sau khi điều trị bỏng cấp độ hai.
Trưởng ban giám khảo, Magdalena Herrera, giám đốc hình ảnh của Geo France, nói đây là "bức ảnh kinh điển" và mang lại "năng lượng và động lực ngay lập tức".
"Bức ảnh có màu sắc, chuyển động và được chụp rất tốt. Nó chứa đựng sức mạnh. Tôi bị ấn tượng ngay khi nhìn thấy", bà nói.
Nhiếp ảnh gia Schemidt là người Venezuela nhưng ông đã ra nước ngoài sống cách đây 18 năm. Đối với ông, giải thưởng mang lại những cảm xúc lẫn lộn.
Phó giám đốc hình ảnh của National Geographic, Whitney C. Johnson, nói bức ảnh mang ý nghĩa biểu tượng. "Người đàn ông, anh ta mang mặt nạ. Anh ta không chỉ đại diện cho bản thân hay một người bốc cháy, mà là cả Venezuela".
Nhiếp ảnh gia Ronaldo Schemidt của hãng thông tấn Pháp AFP. (Nguồn: AFP) |
Đất nước Nam Mỹ đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất lịch sử vì sự sụt giảm giá dầu trên toàn cầu. Tỷ lệ lạm phát năm nay tại nước này dự báo lên đến 13.000%.
Hầu hết đề cử cho hạng mục "Ảnh của năm" năm nay đều là ảnh chụp tại các điểm nóng thế giới hoặc các sự kiện gây chấn động, như cuộc khủng hoảng người Rohingya ở Myanmar, cuộc chiến tại Mosul (Iraq), vụ lao xe khủng bố trên cầu Westminter ở London (Anh).
Năm ngoái, chiến thắng giải này là bức ảnh của phóng viên AP Burhan Ozbilici chụp lại khoảnh khắc sau khi cảnh sát Mevlut Mert Altıntas bắn chết Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov vào ngày 19/12/2016. Khi được công bố, bức ảnh đã ngay lập tức gây chấn động với nhiều lời khen dành cho sự dũng cảm của ông Ozbilici.