📞

Ngôn ngữ thời hiện đại!?

19:18 | 25/12/2008
"Hiểu chết liền"! Đó là câu khẳng định của không ít người khi nói tới ngôn ngữ giao tiếp đang rất phổ biến hiện nay ở các văn phòng. Nửa ta nửa "Tây", suồng sã, thậm chí là lên mạng, vào blog chuyện phiếm với nhau mà văn phong, ngôn ngữ "nạc", "mỡ" lẫn lộn... Thế nhưng bất chấp tất cả, kiểu ngôn ngữ này đang tồn tại như một "mốt" thời thượng.

Có thể nói không quá rằng, ngày nay bước chân vào rất nhiều công sở, nhất là các văn phòng liên doanh, những doanh nghiệp có quan hệ làm ăn với đối tác nước ngoài... như lạc vào một "thế giới" khác.

Ngôn ngữ giao tiếp với nhau muôn hình, vạn trạng mà khách dù không muốn nghe cũng cứ đập vào tai và đôi khi chỉ biết lắc đầu vì... "hiểu chết liền"! Đã đành thời buổi làm ăn với "Tây" nên những ngôn ngữ quốc tế thông dụng như: tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Pháp... là một đòi hỏi tất yếu, những việc lạm dụng ngoại ngữ trong giao tiếp khiến nảy sinh nhiều tình huống cười ra nước mắt.

Trong một cuộc họp giao ban đầu tháng ở một công ty phân phối độc quyền mĩ phẩm X. Bà trưởng phòng kinh doanh nhắc nhở: "Chúng ta cần thêm feedback (phản hồi) của người tiêu dùng để order (đặt mua) sản phẩm. Nếu cần ta phải làm survey (khảo sát) để có hiệu quả... ".

Hoặc ngay cả văn phòng một Sở nọ khi nói về tiến độ việc giải phóng mặt bằng đang có nhiều khó khăn, một nữ cán bộ cho rằng :"Với project (dự án) này, em nghĩ cần phải có cuộc face to face talk (đối thoại trực tiếp) với người dân để... ", hay "Trong buổi họp khách hàng tới, phải mời đại diện các ban, ngành tới dự vì họ là những chuyên gia rất pro (chuyên nghiệp)"...

Tóm lại những kiểu nói tiếng Việt rồi xen vào mấy từ tiếng Anh lâu nay đã trở thành thói quen với nhiều người, đặc biệt phổ biến với những người được coi là trí thức chốn công sở vì họ coi đó là sự hiện đại, một xu thế mới.

Không đơn thuần trong giao tiếp ở phạm vi văn phòng, dường như "vấn nạn" này còn loang ra ngoài xã hội, cả việc đặt tên cửa hàng, cửa hiệu, biệt danh, bí danh cũng lạm dụng ngoại ngữ quá mức.

Nhiều cái tên còn không thuộc một thứ ngoại ngữ nào, không biết dịch nghĩa ra làm sao mà cái chính là cho dù trúc trắc như vậy, vẫn được một vài cơ quan chức năng của Nhà nước "cho qua" vì tên cửa hàng, cửa hiệu phải khác người mới "sành điệu" và thu hút khách hàng.

Một cửa hàng chuyên bán quần áo ở phố Đ, Ba Đình trương biển hiệu thật lớn với cái tên khá ấn tượng: "4U" (dành cho bạn). Tương tự như vậy, một cửa hàng chuyên bán và làm các dịch vụ đồ lưu niệm trong một khu đô thị mới ở Gia Lâm cũng có cái tên chỉ với từ "Style" (kiểu cách) hay "4 teen" (cho tuổi 13 đến 19)...

Không chỉ trong giao tiếp nói, ngay cả trong giao tiếp văn bản thời nay, việc "sính" dùng từ ngoại cũng làm vẩn đục văn phong tiếng Việt. Rất dễ gặp những cụm chữ Ms (bà) N, Mr (ông), Dear Sir (Ms)... trong các thư điện tử tiếng Việt hoặc những thông tin tuyển dụng đăng tải trên các phương tiện truyền thông cũng có kiểu "nửa nạc nửa mỡ", ví dụ: "cần tuyển nữ nhân viên sales (kinh doanh), maketing (Tiếp thị)... hay "tuyển PR manager (Trưởng phòng quan hệ công chúng), CEO (Giám đốc điều hành) yêu cầu..."

Lướt qua các trang web trên mạng, đặc biệt ở các trang web cộng đồng (những trang web có nhiều người tham gia đóng góp nội dung) hiện tượng trên diễn ra còn tệ hại hơn. Đi sâu vào thế giới internet, các blogger của ta càng ngày càng muốn thể hiện hết mình cái tôi "sáng tạo" của họ tới mức "siêu quậy" và phá vỡ mọi chuẩn mực về quy định ngôn từ cần tuân thủ.

Cách viết tuỳ tiện như vậy, có thể chỉ là một thú chơi riêng, cách thể hiện của từng nhóm, nhưng chết ở chỗ rất nhiều người cho rằng, thú chơi này là bình thường, vô hại.

Có phải vì thế ngôn ngữ tiếng Việt trên blog rồi cả trong tin nhắn của các mạng di động hiện nay thực sự là một... mê hồn trận, kiểu như: "ng4y m4i 4nh c0 l4m vjec j ko?" (ngày mai anh có làm việc gì không), hay đầu giờ sáng mở hòm thư điện tử, cán bộ nhân viên kinh doanh của một công ty máy tính ở Hà Nội tá hỏa với e-mail của sếp: "Tua^n` nai` 4nh -dj co0^g ta'c, m0oi. nguo#` th4y nh4u +)i h0o.p vs hoa`n thAnh` no^t nhu+g~ co^g viE^c. -da~ dC, pha^n co^g". (Tuần này anh đi công tác, mọi người thay nhau đi họp và hoàn thành nốt công việc đã được phân công).

Sử dụng kiểu ngôn ngữ hỗn tạp nói trên diễn đàn diễn ra ở một bộ phận lớn giới trẻ hiện nay. Khi được hỏi vì sao không sử dụng thuần tuý tiếng Việt trong giao tiếp? Người hỏi thường nhận được câu trả lời một cách ngụy biện: sử dụng tiếng Việt nhiều khi không diễn đạt được hết ý, quá dài dòng mất thời gian hoặc muốn nâng cao kỹ năng sử dụng ngoại ngữ trong công việc và khai thác triệt để phương tiện hiện có trong tầm tay v.v...

Ngôn ngữ "nửa nạc, nửa mỡ" ở chốn văn phòng người ngoài nghe khó hiểu nhưng nhân viên công sở một số nơi lại thích vậy... "Chị nghĩ là với problem (vấn đề) này, chúng ta nên discuss (thảo luận) lại. Các bạn mà không sure (chắc chắn) là các bạn sẽ không thể handle (xử lý) được!" - P.H, Trưởng phòng marketing của một công ty chuyên tổ chức sự kiện, thản nhiên bàn việc với các nhân viên trong phòng trước ánh mắt ngạc nhiên của 2 vị khách mời tới liên hệ công việc.

Nói nhanh như gió, ngôn ngữ pha trộn..., đó là một trong những phong cách dễ nhận thấy trong chốn công sở ngày nay. Dường như nó đã trở thành thước đo của sự chuyên nghiệp.

Không ít bạn trẻ còn cho rằng: "Đi làm bây giờ tiếng Anh phải lưu loát. Mình vừa nói tiếng Việt vừa đệm tiếng Anh có thể bổ sung thêm vốn từ và tập nói luôn". Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ mới đến làm việc hay thực tập ở các công sở cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi phong cách dùng ngôn ngữ WTO của các đồng nghiệp.

Lệ Khánh, nhân viên một công ty TNHH kinh doanh về thiết bị văn phòng nói: " Lúc mới vào dù cũng biết tiếng Anh nhưng nghe mọi người nói chuyện kiểu đang tiếng mình lại đếm tiếng "Tây" làm cho choáng hết biết. Nhưng từ từ rồi cũng quen, vả lại em thấy cũng hay hay rồi "nhiễm" luôn lúc nào chả biết !"

Tuy nhiên, dùng tràn lan, nói bừa phứa thành thói quen đó nhiều khi cũng làm cho dân văn phòng "vấp" như chơi. Mỹ Linh - từng làm thư ký văn phòng liên doanh, vốn quen với cách nói đệm tiếng Anh, đến lúc đi phỏng vấn ở tổng công ty KD & Xây dựng nhà ở H. Cô nàng cứ giữ nguyên phong cách ấy mà nói chuyện. Hậu quả là Mỹ Linh bị rớt ngay từ vòng "gửi xe" dù kiến thức chuyên môn cũng khá ổn.

Vô tư "mang" chợ búa vào văn phòng.

"Ê! "chân dài", hôm qua "dzai" của mày đón đi chơi mà dám nói là đi công chuyện gấp hả mày, mày định "cắm sừng" tụi này à. Phạt mày chầu H20 theo iu cầu" - H.T, nhân viên phòng kinh doanh của một công ty nọ ném nguyên tràng ngôn ngữ mà người "ngoài cuộc" nghe rất khó hiểu vào cô bạn đồng nghiệp vừa bước vào văn phòng.

Câu này có thể tạm dịch là: "Ê! hôm qua bạn trai chở đi chơi sao lại nói đi công chuyện gấp... phạt mày 1 chầu nước uống theo yêu cầu" hay "Ê, mày chết đi cái con V khùng kia, còn có mỗi một bài mà mày ăn nằm từ hôm mốt tới giờ không xong hả?" hoặc "Anh già đừng chọc, em phát điên bi giờ. Mới sáng đã bị xếp dập tơi bời hoa lá rồi, đang xì-trét đơi!".

Rồi ngay tại công sở, giữa các đồng nghiệp, một nữ nhân viên "vô tư" tâm sự với bạn gái qua điện thoại: "Chị băm vài nhát lại 2 con, nhưng người vẫn ngon, còn ối giai theo. Mày càng ngày càng giống lệnh bà, nói khôn hơn chấy rận, tác phong khô khốc, ế là phải...".

Những kiểu đối thoại mang màu sắc "chợ búa", lạ tai như trên còn khá phổ biến các văn phòng công sở và thường được dùng trong một nhóm đồng nghiệp thân thiết. Nói đến ngôn ngữ giao tiếp thì có nhiều vấn đề để làm lắm. Văn nói là lời ăn tiếng nói hằng ngày, là khẩu ngữ (parlando). Tuy nhiên, tình trạng lẫn lộn giữa văn nói và văn viết trong thư từ, viết lách của ta hiện nay khá phổ biến.

Một đoạn viết như thế này có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu: "Làm gì ra có. Của độc thì sức mấy mà kiếm được. Thôi đành phải "okie" phương án "sơ cua" vậy. Biết thế nào "sếp" cũng không có ưng, nhưng biết làm sao được. Đâm lao thì phải theo lao chứ còn sao nữa...".

Rất nhiều hội thảo, hội nghị và cũng rất nhiều bài báo... đã rung những hồi chuông báo động về nguy cơ ngày càng trầm trọng trong cách sử dụng tiếng Việt hiện nay, nhưng xem ra đó là vấn đề của những nhà ngôn ngữ học hoặc chỉ cần thiết đối với các nhà văn, nhà thơ...

Còn đi vào cuộc sống hiện nay, nhất là ở thế giới tuổi mới lớn, ngôn ngữ đang là cái cớ để họ thỏa sức "sáng tạo", thể hiện "tầm vóc". Và vì thế không chỉ khi ở trên blog mà ngay ở ngoài đời, tiếng Việt từ chuẩn mực đang phổ biến kiểu nói, kiểu viết ở mức chỉ cần hiểu là được. Đúng là ngôn ngữ thời hiện đại!

Theo Phong Cách Đàn Ông