Weibo cho biết trước tiên sẽ áp dụng quy định mới với tất cả tài khoản có trên 1 triệu người theo dõi. Ngay sau khi thông tin chính thức được đưa ra, một số KOL, KOC Trung Quốc đã bắt đầu lọc bỏ lượng người theo dõi, trong khi những người khác cho biết sẽ tạm từ bỏ mạng xã hội.
Một số KOL, KOC Trung Quốc đã bắt đầu lọc bỏ lượng người theo dõi. |
Blogger và là tác giả sách nổi tiếng với bút danh Tu Pao Ding thông báo sẽ rời bỏ Weibo, nền tảng mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc.
Blogger nổi tiếng này đã xuất bản các bài phê bình sách và bình luận về các sự kiện thời sự trong hơn hai thập kỷ. Lượng người theo dõi thường xuyên của người này trên Weibo là 2 triệu người.
Sau khi biết tới chính sách mới liên quan đến việc công khai danh tính trong hồ sơ tài khoản, blogger viết: “Do các quy định về xác thực danh tính mới, tôi dự định từ bỏ nền tảng mạng xã hội này”.
Nhiều người có ảnh hưởng khác lại đang sử dụng biện pháp lọc bỏ bớt lượng người theo dõi để tạm thời nằm ngoài phạm vi áp dụng chính sách mới.
Chỉ sau một đêm, tài khoản ‘Thiên Tân Stock King’ đã xóa bỏ hơn 6 triệu người theo dõi, giảm lượng khán giả từ 7 triệu xuống chỉ còn hơn 900 nghìn người.
Nhiều KOL, KOC Trung Quốc lại đang chỉ trích quy định mới, cho rằng điều đó vi phạm quyền riêng tư của người dùng, tạo điều kiện cho hành vi quấy rối trực tuyến và hạn chế quyền tự do ngôn luận.
Katie Zhang, một chuyên gia về nội dung phong cách sống, có hơn 35.000 người theo dõi trên Weibo, đã viết blog hơn 10 năm. Cô nhận xét: “Điều đó bất chấp lẽ thường và tước bỏ mọi quyền ẩn danh trên mạng xã hội”.
Là người thường đăng bài về các vấn đề sức khỏe giới tính trên nền tảng mạng xã hội, Katie Zhang chưa bao giờ tiết lộ danh tính của mình, cho rằng điều đó bảo vệ phần nào cô ấy khỏi những kẻ quấy rối trực tuyến.
Mặc dù chưa đạt đủ lượng người theo dõi thuộc phạm vi ảnh hưởng của quy định mới, Katie Zhang vẫn rất lo ngại về tác động của quy định này. Để phòng ngừa, Katie Zhang cũng dự định sẽ “thanh lọc” tài khoản mạng xã hội của mình.
Eric Liu, cựu nhân viên kiểm duyệt mạng xã hội Viboo và hiện là biên tập viên của tờ China Digital Times có trụ sở tại Mỹ, cho biết chính sách mới này có thể là một phản ứng đối với các chỉ thị từ Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc.
Cơ quan quản lý Internet Trung Quốc đã từng đưa ra một số chính sách quản lý việc ẩn danh trên các nền tảng truyền thông xã hội trong những năm gần đây.
Năm 2017, người dùng Weibo được yêu cầu đăng ký bằng tên thật. Năm 2022, một số người dùng Internet cũng đã phải đáp ứng yêu cầu điền đủ thông tin địa chỉ IP cùng với danh tính của mình.